biến chứng hậu covid ở trẻ
Blog Nhịp Sống Khỏe

Chớ lơ là với biến chứng hậu COVID-19 ở trẻ

Biến chứng hậu COVID-19 không chỉ diễn ra ở người lớn, mà trẻ em cũng có thể mắc phải. Cha mẹ cần trang bị kiến thức vững vàng để đảm bảo con có thể hồi phục tốt không chỉ ở giai đoạn mắc bệnh mà còn cả ở giai đoạn hậu COVID-19.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, với diễn biến phức tạp của COVID-19, tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng. Tính đến tháng 03/2022, cả nước ghi nhận khoảng 490.000 trường hợp trẻ dưới 18 tuổi bị mắc COVID-19, tương đương 19.2% số ca trên cả nước. Hầu hết các trẻ bị nhiễm COVID-19 đều có biểu hiện nhẹ và mau hồi phục hơn người lớn. Tuy nhiên, một tỷ lệ nhất định trẻ sau khi khỏi bệnh vẫn tồn tại các biến chứng kéo dài từ nhẹ đến nặng như ho, đau đầu, mệt mỏi... Đáng chú ý, Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) với các triệu chứng viêm nghiêm trọng xảy ra ở các cơ quan và mô có thể dẫn tới tổn thương vĩnh viễn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

MIS-C là gì và những biểu hiện của hội chứng này?

Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) là tình trạng các bộ phận cơ thể như gan, phổi, tim, mạch máu và các cơ quan khác của trẻ bị tổn thương và viêm nhiễm. Tình trạng này thường xảy ra sau khi trẻ mắc COVID-19 khoảng 2 đến 6 tuần. Tuy là một hội chứng hiếm gặp nhưng MIS-C có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.

Các triệu chứng của MIS-C ở trẻ rất đa dạng. Biểu hiện lâm sàng có thể kể đến như sốt cao liên tục, phát ban ngoài da, rối loạn tiêu hóa… Thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy đa số trẻ em nhập viện do mắc hội chứng MIS-C đều chưa được tiêm phòng COVID-19. Diễn biến của các ca bệnh này cũng tiến triển nhanh và nghiêm trọng hơn, cần đến sự can thiệp của thở máy và lọc máu.

Những ảnh hưởng của MIS-C tới sức khỏe tổng quát của trẻ

Khi trẻ mắc hội chứng MIS-C, nhiều cơ quan và bộ phận trong cơ thể có thể bị viêm nhiễm với các triệu chứng như sau:

- Sốt liên tục trên 24 giờ.

- Da xuất hiện tình trạng nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc.

- Niêm mạc miệng, bàn tay và chân có hiện tượng phù nề.

- Rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như nôn, đau bụng, tiêu chảy…

- Nguy hiểm hơn, trẻ còn có thể gặp tình trạng sốc, chóng mặt, rối loạn đông máu hoặc tổn thương thận cấp…

Khi thấy có bất kỳ các biểu hiện bất thường nào, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm hạn chế các biến chứng nguy hiểm của hội chứng viêm đa hệ thống.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

MIS-C được chẩn đoán dựa trên tập hợp các triệu chứng lâm sàng và các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chụp X-quang lồng ngực, siêu âm ổ bụng hoặc tim theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, phụ huynh cần khai báo tiền sử mắc bệnh hoặc tiếp xúc với F0 của trẻ nhằm giúp quá trình chẩn đoán được chính xác nhất.

Việc điều trị viêm đa hệ thống ở trẻ thường tập trung làm giảm triệu chứng nhằm ngăn ngừa bệnh trở nặng. Tùy theo mức độ bệnh mà trẻ sẽ được điều trị dựa trên các biện pháp phù hợp khác nhau như sử dụng thuốc chống viêm, điều hòa miễn dịch hay truyền dịch nếu cần thiết. Trong trường hợp trở nặng và nguy kịch, trẻ sẽ được điều trị hồi sức và hỗ trợ chức năng các cơ quan. Hầu hết các trẻ bị MIS-C hậu COVID-19 sau khi được điều trị khỏi đều không để lại di chứng lâu dài. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng cụ thể sau khi khỏi bệnh mà bác sĩ sẽ tiếp tục kê đơn thuốc và chỉ định tái khám định kì để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Chế độ chăm sóc phụ huynh nên tuần thủ nhằm phòng tránh hậu COVID-19 cho con trẻ

Giai đoạn hậu COVID-19, các bậc cha mẹ nên tập trung chủ yếu vào việc bổ sung chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống khoa học để cải thiện các triệu chứng và tăng cường miễn dịch cho trẻ. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, trẻ được khuyến cáo nên tham gia các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi và giải trí lành mạnh để cải thiện sức khỏe tinh thần.

Cha mẹ cũng đừng quên rằng việc hoàn thành tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ theo khuyến cáo từ Bộ Y tế là hết sức cần thiết. Đây được xem là biện pháp tốt nhất giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ và góp phần làm giảm tình trạng trở nặng của các biến chứng sau khi khỏi bệnh. Đối với những trẻ không nằm trong độ tuổi quy định, các bậc phụ huynh có thể bảo vệ con bằng cách nghiêm túc thực hiện 5K, giữ môi trường xung quanh sạch sẽ và hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người trong trường hợp không cần thiết.