Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Đồng tiền vô hình - Dạy con sử dụng thẻ ngân hàng hiệu quả

Cô bạn tôi, một ngày tá hỏa nhìn con cắt thẻ ngân hàng làm đồ chơi. Một anh bạn khác còn kém may mắn hơn khi phát hiện ra gần chục triệu trong tài khoản "không cánh mà bay", chỉ vì bé con ở nhà nghịch iPad nhấn mua giỏ hàng to đùng trên mạng.

Sẽ không bao giờ là quá sớm để bạn dạy con sử dụng thành thạo thẻ ngân hàng, bởi thanh toán trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Cùng xem những gợi ý sau đây từ Prudential nhé!

1. “Đồng tiền vô hình”

Mở đầu bài học, hãy cùng con xem clip dưới đây để thấy các bạn Cha Ching đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi “quẹt thẻ” quá tay như thế nào nhé:

Xem xong clip, hẳn bé nhà bạn đã hình dung được phần nào cách sử dụng “đồng tiền vô hình” rồi chứ? Hãy giải thích cho con hiểu, thay vì cất tiền mặt trong ví, mình sẽ mở một tài khoản ngân hàng để lưu trữ số tiền có được. Tài khoản này không nhìn thấy hay chạm vào được, con chỉ có thể kiểm soát lượng tiền bên trong khi đăng nhập vào website ngân hàng hoặc ra cây ATM, chính vì vậy, đây là những “đồng tiền vô hình”. Tài khoản ngân hàng hoạt động tương tự một cái bể nước nhưng dùng để chứa tiền, trong đó ngân hàng sẽ trao ta một tấm thẻ - chính là khóa van giúp đóng mở “bể trữ tiền” đó. Mỗi khi mua hàng, thay vì trả tiền mặt mình sẽ quẹt thẻ, “van” hé ra, số tiền cần trả sẽ tự động chảy từ bể trữ tiền nhà mình tới bể trữ tiền của cửa hàng. “Quẹt thẻ” là cách sử dụng đơn giản và dễ thấy nhất của đồng tiền vô hình, ngoài ra còn rất nhiều ứng dụng khác sẽ được Prudential bật mí trong các phần dưới đây.

2. Có nên dạy con cách sử dụng thẻ và “đồng tiền vô hình”?

Có thể bạn sẽ nghĩ: Con còn nhỏ cứ đưa tiền mặt cho dễ quản lý, thẻ ngân hàng lớn lên dùng sau. Thực tế, dạy con sử dụng thẻ không chỉ giúp bạn tránh được những trường hợp oái oăm như phần mở đầu, mà còn giúp trẻ suy nghĩ thấu đáo trong chi tiêu từ bé; từ đó gây dựng tính độc lập và khả năng quản lý tài chính của con khi trưởng thành. Xã hội ngày càng phát triển, việc sử dụng thẻ đang dần thay thế tiền mặt bởi thẻ ngân hàng có rất nhiều lợi ích vượt trội: giúp thanh toán từ xa, cất trữ tiền tiện lợi, gửi rút tiền nhanh chóng, an toàn hơn khi đi xa…. Hãy hình dung một ngày bé đi du học, bạn sẽ mong con cầm tấm thẻ ngân hàng gọn nhẹ thay vì xách một vali đầy tiền mặt qua nộp học phí chứ?

Một trong các quy định của ngân hàng là người đứng tên lập thẻ cần đủ 18 tuổi, tuy nhiên bạn vẫn có thể cho con làm quen với thẻ từ sớm bằng việc lập một thẻ phụ cho con liên kết với thẻ chính của bố mẹ. Qua thẻ phụ đó, bạn vừa có thể “gián tiếp” quản lý cách con sử dụng tiền, vừa an tâm hơn khi con luôn có khoản dự trữ bên mình.

>>> Có thể bạn quan tâm: Làm thế nào để dạy con tự lập trong chi tiêu?

3. Thực hành hướng dẫn bé cách sử dụng thẻ

Khi cả bạn và bé đều thấy rõ tác dụng của “đồng tiền vô hình”, hãy giúp bé thực hành dựa trên các gợi ý sau của Prudential nhé:

  • Rút tiền tại ATM: Dù có rất nhiều tiện ích, thẻ ngân hàng chưa thể thay thế tiền mặt trong mọi trường hợp. Hãy giúp con ghi nhớ những tình huống thẻ ngân hàng bị “vô hiệu hóa” như khi đi mua hàng tạp hóa, trả tiền gửi xe, đi chợ, mua quà từ gánh hàng rong… và từ đó hướng dẫn bé cách rút tiền từ ATM. Bên cạnh đó, con cũng cần nắm chắc những nguyên tắc bảo mật cơ bản tại cây rút tiền như rủ người thân đi cùng, quan sát kỹ trước và sau khi vào phòng máy, lấy tay che khi bấm mã PIN, chỉ rút tiền mặt vừa đủ dùng, gọi điện thoại trợ giúp khi bị nuốt thẻ… Và dù con đã thuộc lòng các biện pháp tự bảo vệ, hãy luôn nhắc con tranh thủ rút tiền mỗi khi đi cùng bố mẹ để hỗ trợ bé kịp thời nhé!
  • Mua sắm online: Hãy để con quan sát mỗi khi bạn thanh toán trực tuyến như đặt vé máy bay hay mua hàng qua các trang thương mại điện tử như Tiki, Adayroi, Zalora, Lazada… Bé sẽ nhận thấy thay vì ra tận cửa hàng chọn đồ, giờ đây mọi việc mua sắm đều có thể thực hiện tại nhà với sự trợ giúp của “đồng tiền vô hình”. Và bạn biết không, ngay cả bảo hiểm cũng có thể mua online được rồi đó!

 

  • “Quẹt thẻ”: hãy để con quan sát bố mẹ trả tiền bằng thẻ thay vì tiền mặt khi đi siêu thị, đi chơi, đi ăn nhà hàng… và giải thích cho bé những ưu điểm của việc dùng thẻ: “Bi biết không, tờ tiền này qua tay bao nhiêu người, nên dễ bị rách, bị mờ số và lại còn chứa rất nhiều vi trùng đấy. Giờ mình dùng thẻ, vừa gọn vừa bền lại vệ sinh hơn con ha” “Nhờ có thẻ này mẹ không cần mang cả xấp tiền mỗi khi ra ngoài nữa. Hồi trước rơi ví là mất luôn cục tiền, giờ nếu nhỡ mất ví kẻ trộm cũng không dùng thẻ rút tiền được vì mình có mã PIN riêng. Mẹ chỉ cần ra ngân hàng nhờ khóa thẻ này lại, và xin cấp thẻ mới là xong, siêu an toàn con nhỉ!”

 

  • Trả tiền điện, nước, điện thoại, truyền hình cáp: Bạn còn nhớ không, trước kia mỗi lần thu các khoản này nhân viên công ty điện hay nước sẽ tới gõ cửa từng nhà. Nếu không may gặp khi chủ nhà đi vắng, họ sẽ phải quay lại vào hôm sau, nếu chủ nhà đi công tác cả tháng các dịch vụ trên sẽ tự động cắt do không được trả đúng hạn. Giờ với Internet Banking, ngay cả bé cũng có thể giúp bạn trả các loại phí này chỉ với vài thao tác trên máy tính. Ngoài ra, bạn hãy khuyến khích con thực hành nạp thẻ điện thoại trực tuyến thay vì đi mua thẻ cào, việc này sẽ giúp bé tiết kiệm kha khá thời gian đó!
  • Quản lý “đồng tiền vô hình” với mobile banking: tác dụng phụ lớn nhất của thẻ ngân hàng là bạn dễ quẹt thẻ quá tay do không kiểm soát được số tiền mình còn lại trong tài khoản. Để tránh rơi vào tình trạng “rỗng túi”, trước khi cho con sử dụng thẻ phụ hãy hướng dẫn con cài đặt mobile banking để nhận tin nhắn báo về sau mỗi lần thanh toán qua thẻ. Bằng cách này, con sẽ luôn nắm được số tiền mình đã chi và số dư còn lại để tự điều chỉnh chi tiêu cho phù hợp.

 

>>> Xem thêm:

Cha-Ching là loạt phim hoạt hình giáo dục kĩ năng tài chính do Prudential phát triển dành cho trẻ em từ 7-12 tuổi. Thông qua các bộ phim hoạt hình âm nhạc vui nhộn, các em sẽ được học cách đưa ra các quyết định tài chính của mình để đạt được mục tiêu cá nhân và thực hiện ước mơ trong tương lai.