Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Bảo vệ ánh mắt trẻ thơ trước tật khúc xạ

Trước thực trạng cận thị học đường đang có xu hướng tăng nhanh tại Việt Nam, Prudential phát triển bộ tài liệu bao gồm tập truyện tranh và chuỗi phim hoạt hình giúp trẻ em bậc tiểu học nhận biết các tật khúc xạ, hướng dẫn các phương pháp chăm sóc và bảo vệ mắt.

Cuộc sống hiện đại với việc sử dụng các thiết bị điện tử ngày càng nhiều khiến cho tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở lứa tuổi học đường tăng vọt. Trước thực trạng cận thị học đường đang có xu hướng tăng nhanh tại Việt Nam, ngày 22/09/2017 Prudential Việt Nam đã ký kết thỏa thuận tài trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thực hiện dự án “Ánh mắt trẻ thơ”. Dự án góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, bao gồm các hoạt động nhằm trang bị kiến thức để các bé có thể chủ động kiểm tra thị lực và chương trình khám mắt miễn phí để kịp thời phát hiện các vấn đề về tật khúc xạ cho trẻ tiểu học và có biện pháp can thiệp kịp thời đối với các em có dấu hiệu bị dị tật mắt.

Năm 2020, Prudential Việt Nam phát triển bộ tài liệu bao gồm tập truyện tranh và chuỗi phim hoạt hình giúp trẻ em bậc tiểu học nhận biết các tật khúc xạ, hướng dẫn các phương pháp chăm sóc và bảo vệ mắt. Bộ tài liệu có nội dung giáo dục dễ hiểu, thiết thực, minh hoạ gần gũi, đáng yêu, phù hợp với tâm lý của trẻ và mối quan tâm của giáo viên và gia đình. Hãy cùng Prudential tìm hiểu về tật khúc xạ và cách phòng ngừa các tật khúc xạ để giữ cho bé đôi mắt sáng khỏe ngay sau đây nhé!

1. Biểu hiện của tật khúc xạ

Để không ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển của trẻ, bạn hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ nhãn khoa nếu phát hiện con có những biểu hiệu sau đây:

  • Nheo mắt khi nhìn đồ vật: Đây là dấu hiệu điển hình nhất chứng tỏ con bạn có thể đã bị cận thị hay viễn thị. Nheo mắt là hành động bản năng để bé điều chỉnh lại tầm nhìn của mình.
  • Dụi mắt thường xuyên: Dụi mắt có thể là hành động bộc phát khi trẻ cảm thấy mệt hay bực tức điều gì đó. Tuy nhiên, nếu con cần dụi mắt nhiều lần mới có thể quan sát rõ một vật gì đó thì bạn hãy đưa bé đi khám ngay nhé.
  • Nhạy cảm với ánh sáng: Nếu ánh sáng mặt trời, ánh sáng từ bóng đèn bình thường khiến trẻ lóa mắt hoặc đau đầu thì đó có thể là dấu hiệu trẻ đã mắc phải bệnh lý nào đó về mắt rồi đấy.

 

2. Các tật khúc xạ thường gặp

  • Cận thị: Cận thị là tật khúc xạ thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất (66%) trong các loại tật khúc xạ học đường. Khi bị cận thị, bé chỉ nhìn rõ các vật ở gần và thường phải nheo mắt để nhìn rõ nếu đồ vật ở xa. Cận thị quá nặng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ ở trẻ sau này, đặc biệt nếu để bệnh biến chứng nặng, có thể gây thoái hóa võng mạc, dẫn đến mù lòa.
  • Viễn thị: Trái ngược với cận thị, tật viễn thị sẽ khiến mắt nhìn xa rõ hơn nhìn gần. Tuy nhiên, khi viễn thị nặng thì dù nhìn đồ vật ở xa hay gần đều sẽ bị mờ. Đối với trẻ ở độ tuổi đi học, nếu viễn thị không được điều chỉnh sớm sẽ làm giảm chức năng thị giác, ảnh hưởng đến sự tiếp thu của trẻ và gây cảm giác không thoải mái cho trẻ.
  • Loạn thị: Loạn thị thường đi kèm với cận thị hoặc viễn thị, có biểu hiện là làm mờ tầm nhìn ở mọi khoảng cách và khiến cho bề mặt vật thể bị cong hoặc biến đổi thành hình dạng tương tự trong phạm vi nhìn. Trẻ bị loạn thị thường bị mờ khi nhìn lên bảng hay đọc nhầm, ví dụ như chữ H đọc thành chữ N, chữ I đọc thành chữ T…

 

Để hiểu rõ hơn về các tật khúc xạ, hãy cùng con tìm hiểu cụ thể trong video vui nhộn, dễ hiểu sau đây:

Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây nên các tật khúc xạ, tuy nhiên bên cạnh yếu tố di truyền thì việc sử dụng mắt không hợp lý như xem thiết bị điện tử quá nhiều, đọc sách sai tư thế hay trong điều kiện thiếu ánh sáng, ăn uống không đủ chất… được xem là những nguyên nhân chính gây ra các tật khúc xạ.

3. Phòng ngừa tật khúc xạ cho trẻ

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, thay vì để trẻ phải mang cặp mắt kính nặng nề, vướng víu thì tốt nhất bạn nên tham khảo các biện pháp chăm sóc mắt hiệu quả cho trẻ sau đây:

  • Giữ khoảng cách đọc, viết phù hợp: Khoảng cách lý tưởng để đọc sách cho trẻ là 25cm từ mắt đến mặt trang sách đối với bậc tiểu học và 30-40cm đối với cấp trung học cơ sở trở lên.
  • Đảm bảo góc học tập của con đầy đủ ánh sáng: Góc học tập nên được bố trí gần cửa sổ. Nếu trẻ học bài ban đêm thì đèn bàn cần có chụp phản chiếu, tránh để ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt bé.
  • Không sử dụng thiết bị điện tử quá lâu: Hạn chế cho trẻ xem thiết bị điện tử quá một giờ đồng hồ liên tục. Với tivi, bạn cần đảm bảo bé ngồi cách màn hình 3-3.5m; với các thiết bị như smartphone hay máy tính bảng, khoảng cách từ màn hình tới mắt ít nhất một cánh tay trẻ em.
  • Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt: Dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng để phòng ngừa các tật khúc xạ. Cha mẹ hãy bổ sung cho trẻ các dưỡng chất có lợi, bao gồm thực phẩm giàu vitamin A (sữa, dầu cá, lòng đỏ trứng…), thực phẩm chứa kẽm và canxi (hải sản, rau câu, quả bơ…).
  • Rèn luyện thể thao thường xuyên: Tích cực cho con tham gia các hoạt động ngoài trời và rèn luyện thể thao để mắt được thư giãn.
  • Tập thể dục cho đôi mắt: Hãy cùng con luyện tập các bài tập massage mắt đơn giản mà hiệu quả trong video dưới đây để đôi mắt được thư giãn sau một ngày hoạt động mệt mỏi:
  • Tầm soát tật khúc xạ định kỳ: Cho trẻ đi khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ.

 

Cùng Prudential bảo vệ ánh mắt trẻ thơ ngay từ hôm nay bằng cách thực hiện đầy đủ các biện pháp chăm sóc mắt cho trẻ bạn nhé!

>>> Xem thêm: