Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Con bạn được gì khi học chơi đàn?

Học chơi các loại nhạc cụ không chỉ giúp trẻ tăng khả năng cảm âm, mà còn giúp phát triển kỹ năng học tậpgiao tiếp xã hội. Nếu bạn đang ngần ngại không biết có nên chọn môn âm nhạc vào các môn ngoại khóa của con không thì hãy cùng Prudential tìm hiểu những lợi ích tuyệt vời của việc học nhạc nhé!

Chơi đàn giúp trẻ học tập tốt hơn

Âm nhạc và Toán học có mối liên hệ khá mật thiết. “Có thể nói, âm nhạc tạo ra những kết nối mạnh mẽ hơn trong não ở mảng tư duy Toán học – từ đó giúp trẻ học tốt hơn” – Lynn Kleiner, người sáng lập Học viện Âm nhạc Rhapsody tại California chia sẻ. “Khi học về tiết tấu, giai điệu và thanh âm, trẻ sẽ hiểu hơn về phép chia, phân số và công thức toán”, Mary Larew, giảng viên violon tại Trường Neighborhood Music tại Connecticut chia sẻ, “khi đã quen tai với một bài hát, trẻ bắt đầu nhẩm lại giai điệu – vốn đòi hỏi vận dụng từ trí nhớ ngắn hạn đến dài hạn. Đó là một kỹ thuật ghi nhớ mà sau này trẻ có thể áp dụng để phát triển các kỹ năng ghi nhớ khác”. 

>>> Có thể bạn quan tâm: Làm thế nào để toán học trở nên thú vị trong mắt trẻ?

Không chỉ vậy, các lớp học nhạc cụ còn giúp trẻ làm quen với môn Vật lý. Ví dụ, gảy dây đàn guitar hay violin còn cho trẻ dễ hình dung về hiện tượng cộng hưởng âm và sóng dừng khi học Vật lý. Bên cạnh đó, các nhạc cụ không dây - như trống hay sáo - cũng giúp trẻ khám phá những nguyên tắc khoa học kể trên. 

Giúp cơ thể trẻ linh hoạt hơn

Học chơi các nhạc cụ thuộc bộ gõ còn giúp trẻ phát triển kỹ năng phối hợp và vận động bởi việc tập luyện đòi hỏi sự kết hợp của bàn tay, cánh tay và bàn chân. “Những nhạc cụ kiểu này khá phù hợp với các em hiếu động” – Quản lý chương trình “Thời thơ ấu” Kristen Regester, Trường học Âm nhạc Cộng đồng tại Chicago chia sẻ. 

Nhạc cụ dây và nhạc cụ có bàn phím, như violin và piano, đòi hỏi bạn cùng lúc vận động cả tay trái và tay phải theo hai cách khác nhau. “Nó giống như bạn xoa đầu và vỗ bụng cùng một lúc” – Regester nói. 

Học chơi nhạc cụ không chỉ giúp trẻ thuận cả hai tay, thực hiện những động tác phối hợp khó, đặc biệt là khi tham gia các hoạt động thể chất, trẻ sẽ có được kỹ năng phối hợp các bộ phận cơ thể, ước lượng thời gian chính xác và phản xạ tốt trong việc thực hiện các động tác, như múa, khiêu vũ, chuyền bóng, ...

Phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ

Khi học nhạc theo nhóm, trẻ cần tương tác, giao tiếp và phối hợp nhịp nhàng để tạo làm nên giai điệu hài hòa. Nếu đánh đàn quá to hay quá nhanh, con cần điều chỉnh lại để phù hợp với cả dàn nhạc. “Hiểu được trách nhiệm của mình trong tổng thể công việc là một kỹ năng quan trọng mà trẻ cần luyện tập”, Regester nhận xét. Nhờ vậy, trẻ dần dần thành thạo kỹ năng làm việc nhóm.  

Một số trường dạy nhạc tổ chức những giờ học nhạc theo nhóm, giáo viên sẽ hướng dẫn cách chơi theo nhóm và giao một ‘bài tập’ cần thực hiện cùng nhau. Đồng thời, mỗi học viên trong từng nhóm đều được phân công một nhiệm vụ khác nhau để đóng góp vào bài tập đó. Vì vậy, dù làm gì, trẻ cũng cần chú ý đóng góp cho mục tiêu chung. “Đó là mô hình thu nhỏ cho những mối tương tác thực sự trong xã hội” – Kleiner chia sẻ – “Chúng ta luôn cần luyện tập kỹ năng tương tác theo nhóm và giải quyết vấn đề”.

Giúp trẻ sống có kỷ luật và biết kiên nhẫn

Chơi nhạc cụ dạy trẻ biết trì kiểm soát cảm xúc của mình. “Những giờ học riêng và thời gian luyện tập ở nhà đòi hỏi trẻ tập trung cao độ mỗi 10 phút một” – Larew cho biết. Chẳng hạn violin, trước khi kéo dây đàn, trẻ phải học cách cầm đàn, giữ dây, và cách đứng sao cho đúng. Bên cạnh đó, khi xác định một mục tiêu cụ thể như nhớ được cách đàn một bản nhạc hoàn chỉnh hoặc biểu diễn cùng dàn nhạc trên sân khấu, con sẽ kiên nhẫn tập luyện nhiều giờ, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Chính điều đó giúp trẻ có được tính kiên trì và kỷ luật với bản thân. 

Hơn thế, nếu là thành viên trong dàn nhạc, trẻ sẽ học được sự kiên nhẫn đợi đến lượt mình và làm sao để phối hợp đồng điệu với mọi người. Trong lúc chờ đợi chính là lúc con lắng nghe phần chơi của các bạn cùng lớp. Từ đó, trẻ rèn luyện được cách tôn trọng người khác, cách giữ yên lặng và tập trung trong một khoảng thời gian nhất định. 

>>> Bài viết có liên quan: Biết quan tâm đến người khác, trẻ sẽ trở thành người tử tế

Giúp trẻ xây dựng sự tự tin

Không gian lớp học giống như một diễn đàn mở, nơi trẻ có thể học cách nói lên suy nghĩ và nhận ý kiến từ bạn bè và tất nhiên, không phải lúc nào con cũng nhận được những lời khen. Sau những giờ học nhóm, trẻ sẽ nhận ra rằng không ai là hoàn hảo, và ai cũng có thể trở nên tốt hơn. Ông Regester cho biết “Nếu bố mẹ và giáo viên khéo léo biến những phê bình tiêu cực thành thay đổi tích cực, trẻ sẽ tự tin hơn rất nhiều”. Chưa dừng ở đó, “biểu diễn trước đám đông là một kỹ năng quan trọng của những người chơi nhạc. Kỹ năng đó rất dễ chuyển thành khả năng diễn thuyết trước đám đông”. Khi đạt được mức độ thành thạo nhất định trong việc trình diễn trước đám đông, trẻ sẽ dễ dàng trở nên nổi bật so với bạn bè cùng trang lứa với khả năng diễn thuyết đầy tự tin. 

>>> Đừng bỏ lỡ: Sự tự tin của con bắt nguồn từ cha mẹ

Làm giàu vốn văn hóa của trẻ

Khi tập nhiều loại đàn, trẻ có cơ hội khám phá những câu chuyện văn hóa thú vị đằng sau mỗi nhạc cụ. Ví dụ, trống bongos và timbales (trống định âm) sẽ đưa trẻ đến gần hơn với văn hóa Châu Phi và Cuba. Đàn vĩ cầm hiện đại bắt nguồn từ Ý, nhưng các trẻ học kéo vĩ cầm sẽ dễ dàng có kiến thức về cây vĩ cầm cổ điển xuất xứ từ Đức và Áo. Hơn thế, việc chơi thành thạo một nhạc cụ có tính linh hoạt cao (như violin, piano), trẻ không chỉ biết về nhạc cổ điển, mà còn học cách chơi biến tấu với nhạc Jazz cơ bản. Được tiếp thu kiến thức về nhiều nền văn hóa khác nhau từ nhỏ sẽ giúp trẻ có trí tưởng tượng phong phú hơn, cũng như được khơi tình yêu học hỏi, sự tò mò, và mong muốn khám phá những kiến thức mới lạ.

Những câu hỏi dành cho ba mẹ trước khi cho trẻ học đàn:

1.    Con bạn có hào hứng về nhạc cụ đó không? Trẻ có thích âm thanh và cảm giác khi nghe nhạc cụ đó? 

2.    Nhạc cụ này có quá nhàm chán hay quá thử thách với trẻ không? Tuy chưa có kết luận khoa học về việc nhạc cụ nào là tốt nhất cho trẻ, nhưng đa số giảng viên âm nhạc đều đồng ý rằng những nhạc cụ phổ biến và dễ học nhất là piano, bộ gõ (trống, xylophone – mộc cầm), bộ hơi (sáo), guitar, vĩ cầm.

3.    Tính cách con bạn có hợp với nhạc cụ đó không?

4.    Con bạn có đặc biệt quan tâm đến một dòng nhạc nào đó? Hãy lưu tâm đến thể loại đó khi lựa chọn nhạc cụ cho con – bởi mỗi nhạc cụ sẽ chơi hay nhất với vài dòng nhạc nhất định. 

5.    Con bạn có thể sẽ chơi nhạc cụ đó hàng giờ ở nhà. Bạn có chắc chắn bản thân sẽ không cảm thấy phiền khi nghe suốt âm thanh đó? 

6.    Khả năng tài chính của bạn có đủ để chi trả cho nhạc cụ và chi phí bảo trì nhạc cụ?

>>> Xem thêm: