Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Đọc vị đối phương qua hành động, bạn đã thử chưa?

Bạn chuẩn bị có một cuộc gặp gỡ với đối tác làm ăn quan trọng. Hẳn là bạn rất muốn biết đối tác thật sự nghĩ gì về kế hoạch kinh doanh của bạn, đúng không nào? Có thể họ rất thích ý tưởng của bạn nhưng vẫn giữ một thái độ nhã nhặn và không vồ vập. Cũng có thể họ không hứng thú với dự định của bạn nhưng vẫn lịch sự lắng nghe từ đầu đến cuối.

Nếu biết được các quy tắc đọc vị ngôn ngữ cơ thể của người đối diện, bạn sẽ có thể đoán được cảm xúc của họ dù không thể hiện trong lời nói. Theo một nghiên cứu của Đại học California, một người chỉ có thể truyền tải tối đa 7% cảm xúc thật trong lời nói, nhưng khả năng này ở ngôn ngữ cơ thể lại lên đến 55%. Prudential sẽ mách cho bạn ý nghĩa của một số ngôn ngữ cơ thể để có thể phần nào đoán được suy nghĩ của đối phương nhé:

1. Khoanh tay hay bắt chéo chân

Khoanh tay và bắt chéo chân là những hành động mang tính phòng thủ của cơ thể. Điều này có thể cho thấy người đối diện không đồng tình với bạn đang nói. Mặc dù có thể họ luôn tươi cười và bắt nhịp với cuộc hội thoại, việc khoanh tay hoặc bắt chéo chân cho thấy thật sự họ không cởi mở với những ý kiến bạn đưa ra hoặc thậm chí có ý nghĩ phản đối.

Một nghiên cứu của Gerard và Henry, tác giả của cuốn sách “Cách đọc tâm tư con người như đọc sách” (How to read a person like a book), trên 2.000 cuộc thương lượng cho thấy những cuộc trò chuyện mà không một ai bắt chéo chân sẽ đạt được mục đích giao tiếp tốt hơn là những người có hành vi này. Về tâm lý học, bắt chéo chân là tín hiệu của sự phòng thủ về cảm xúc và suy nghĩ đối với những gì đang diễn ra trước mắt họ.

2. Nụ cười tạo dấu chân chim ở đuôi mắt

Bạn biết không, có một điều rất hay về nụ cười đó là miệng có thể cười giả tạo nhưng đôi mắt thì không.

Mọi người thường dùng nụ cười để che dấu những gì họ thực sự đang suy nghĩ và cảm nhận, nhưng những nụ cười giả tạo này sẽ thể hiện rất rõ trên đôi mắt. Theo các nghiên cứu về tâm lý học, những nụ cười chân thành sẽ tạo dấu chân chim ở đuôi mắt và mắt người ấy sẽ hơi nhỏ lại. Vậy nên, nếu muốn biết nụ cười của đối tác có thật hay không, bạn hãy chú ý đến đôi mắt của họ nhé.

>>> Có thể bạn quan tâm: Vì sao chúng ta nên hào phóng hơn với nụ cười?

3. Nhướng chân mày

Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng con người thường có khuynh hướng nhướng chân mày khi có cảm xúc ngạc nhiên, lo lắng hoặc sợ hãi. Trong lần gặp gỡ bạn bè tiếp theo, bạn hãy thử cố nhướng chân mày khi tán gẫu xem nhé. Bạn sẽ nhận ra việc này rất khó để thực hiện, vì bạn đang rất thoải mái và thư giãn, không có một chút lo lắng hay sợ hãi nào. Vì vậy, trong cuộc đối thoại, hãy chú ý đến chân mày của đối phương để đoán người ấy liệu có đang giấu bạn điều gì không nhé. Nếu họ đang giới thiệu cho bạn một cơ hội nhưng lại liên tục nhướng chân mày, bạn có thể sẽ phải cần suy xét lại tính khả thi và các rủi ro tiềm ẩn trong cơ hội đó đấy.

>>> Khám phá ngay 7 sự thật về cảm xúc của con người mà bạn không ngờ tới TẠI ĐÂY

4. Gật đầu liên tục

Gật đầu khi đối thoại được xem như phép xã giao cơ bản thể hiện sự tập trung của một người đến câu chuyện của đối phương. Tuy nhiên, nếu đối phương gật đầu liên tục với tần suất “lạ” thì có thể họ đang lo lắng không biết bạn nghĩ gì về họ hay bạn đang nghi ngờ khả năng bắt kịp hướng dẫn của bạn. Vì vậy, khi bạn trò chuyện cùng đối tác và phát hiện họ gật đầu liên tục, hãy nói chậm lại một chút và thường xuyên đặt câu hỏi với họ về vấn đề bạn đang nói để chắc rằng đối phương vẫn đang chú ý đến câu chuyện của bạn.

>>> Đừng bỏ lỡ: 12 hành động đơn giản giúp bạn cải thiện mối quan hệ một cách hiệu quả