Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Làm sao để suy nghĩ tích cực giữa thế giới ảo đầy thị phi?

Mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Bên cạnh những giá trị giải trí, những thông tin ở “thế giới ảo” đôi khi sẽ “lèo lái” suy nghĩ của chúng ta cuốn theo những thông tin trái chiều, những góc nhìn tiêu cực. Tham khảo ngay những cách giữ được suy nghĩ sáng suốt, trái tim ấm áp và một tinh thần tích cực giữa rất nhiều thông tin thị phi từ mạng xã hội nhé!

Digital detox – liệu pháp “thả lỏng” cho tâm trí

Công nghệ ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Song sự tham gia, tương tác và phụ thuộc đôi lúc thiếu kiểm soát vào công nghệ thông qua các thiết bị điện tử như điện thoại, laptop... làm ảnh hưởng đến tâm trí nhiều hơn ta nghĩ. Ánh sáng từ màn hình, thông báo liên tục “ting ting” của các ứng dụng mạng xã hội, sự bất an khi không thể cầm điện thoại để kiểm tra cuộc gọi và tin nhắn... khiến chúng ta dần trở thành “nô lệ” của chiếc điện thoại nói chung và mạng xã hội nói riêng lúc nào không biết.

Chính vì thế, đôi lúc bạn cần dành thời gian thực hiện digital detox để bản thân mình không bị “lạc trôi” theo thế giới thông tin của mạng xã hội và các ứng dụng điện thoại. Digital detox đơn giản là tắt thông báo từ các ứng dụng trên điện thoại, cài đặt giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội, hạn chế cầm điện thoại trong bữa ăn hay trước khi đi ngủ, tăng cường tham gia hoạt động thể chất như tập luyện thể dục – thể thao, đi du lịch,… và tận hưởng từng khoảnh khắc đời thật và tạm “thanh lọc” đi sự ảnh hưởng của công nghệ đến đời sống tâm hồn. Ví dụ hết sức đơn giản mà bạn có thể bắt đầu ngay chính là: hãy yên bình ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên, hoặc thưởng thức hương vị của bữa ăn một cách trọn vẹn, thay vì chụp hình đăng lên Facebook như thói quen trước đây.

Chọn lọc nguồn thông tin để tiếp thu

Sự phát triển của mạng xã hội đã biến đây trở thành nguồn chia sẻ và lan tỏa tin tức một cách mạnh mẽ. Trong một môi trường “mở” – nơi bất kỳ ai cũng có thể tự do chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc đưa thông tin không chính thống, thông tin không được xác thực và tiêu cực rất dễ tấn công đến tâm lý của người tiếp nhận thông tin.

Để chống lại “fake news” – tin tức giả, mỗi chúng ta nên tự đặt câu hỏi và xây dựng lối tư duy phản biện. Thực hiện một số thao tác như: đối chiếu nguồn thông tin, tham khảo trên báo chính thống sẽ giúp bạn dễ dàng tránh được những thông tin không đáng tin cậy. Là một công dân mạng xã hội hiện đại và hiểu biết, bạn hãy mạnh dạn “unfollow” – bỏ theo dõi những kênh lan truyền tin giả, không tương tác, lan truyền những thông tin không có nguồn gốc chính thống, chung tay vào “cuộc chiến” chống thông tin giả nhé!

Nói “không” với bình luận tiêu cực

Mạng xã hội là không gian để tương tác và cũng là nơi để mọi người thể hiện cá tính, quan điểm cá nhân một cách dễ dàng. Một trong những cách để thể hiện chính kiến và cho thấy sự hiện diện của bản thân trên mạng xã hội là để lại bình luận. Nhưng không phải bình luận nào cũng mang tính xây dựng tích cực. Dù vô tình hay cố ý, những bình luận tiêu cực và mang tính chất công kích tâm lý cá nhân sẽ tác động trực tiếp đến người tiếp nhận và để lại cho họ những tổn thương tâm lý dù lớn, dù nhỏ.

Chính vì thế, khi bị những bình luận tiêu cực tấn công, bạn có quyền được “đứng ngoài” những ảnh hưởng này bằng cách ẩn, xóa hoặc chặn đi những “tác nhân” tấn công đến tâm lý và tinh thần của bạn. Hãy nhớ rằng: bạn nên nhận được sự vui vẻ và giải khuây khi sử dụng bất kỳ một ứng dụng giải trí nào, thay vì cảm giác khó chịu và sự tổn thương. Tiếp nhận những bình luận một cách tỉnh táo và có chọn lọc. Và đừng “góp một tay” hay một bình luận vào những phong trào “ném đá” trên mạng xã hội vì sự lôi cuốn của những cảm xúc tiêu cực từ bản thân nhé.

Những vấn đề cá nhân: Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chia sẻ

“Bạn đang nghĩ gì?” – Đây là câu hỏi quen thuộc mỗi khi chúng ta sử dụng mạng xã hội. Ngay từ những ngày đầu sáng lập, mạng xã hội đã được lập ra với mục đích chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của người dùng. Thế nhưng, việc chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân hay vấn đề của bản thân lại là “con dao hai lưỡi”, bởi trang cá nhân chính là tấm gương phản chiếu của chính bạn. Bạn hoàn toàn có thể nhận về đánh giá hoặc nhận xét từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay đối tác chỉ từ những nội dung mà bạn chia sẻ.

Trước khi chọn “nói” về một chủ đề trên mạng xã hội, bạn nên tự đặt ra cho mình những câu hỏi: “Mình có nên chia sẻ nội dung này không?”, “Chia sẻ nội dung này có ảnh hưởng đến an toàn cuộc sống thực của mình không?”, “Nội dung này có gây ảnh hưởng tiêu cực đến bất kỳ ai hay không?”... Hãy nhớ 3 nguyên tắc trước khi chia sẻ một nội dung trên trang cá nhân: đúng nội dung – đúng hoàn cảnh – đúng đối tượng.

Với những gợi ý trên, Prudential hy vọng bạn sẽ luôn giữ được tâm trạng tích cực khi sử dụng công nghệ và các ứng dụng mạng xã hội nhé! Chia sẻ bài viết cho bạn bè, người thân ngay nếu bạn thấy thông tin này hữu ích.

>>> Xem thêm: