Nương tựa đâu xa ngoài chính ta
Gần đây, trong cộng đồng dấy lên tranh luận rằng nên nương tựa vào đâu để có đời sống an nhàn, sung túc. Chúng ta có thể thử tham khảo tư tưởng “nương tựa vào chính mình” trong đạo Phật để dễ dàng hơn trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc.
Trong Kinh Tương ưng V, chương 3, phẩm Ambapàli, phần Bệnh, Đức Phật đã có lời dạy: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác”.
Lời Phật dạy ẩn chứa những triết lý sâu xa, nhưng ít người trong chúng ta dám làm theo lời dạy đó. Chúng ta có xu hướng nương tựa vào những “vật ngoại thân” như tiền bạc, địa vị, danh tiếng, sắc đẹp… mà quên đi những giá trị nguyên bản như sức khỏe, sự an vui trong tâm hồn… Cho đến khi những biến cố cuộc sống ập đến và chúng ta thêm cảm nhận sâu sắc lời Đức Phật dạy.
Để nương tựa vào chính mình hiệu quả, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp sau.
Giữ tâm an lạc trước những biến động cuộc sống
Cuộc sống của mỗi người đều phải trải qua những biến động, dù lớn hay nhỏ, dù ít hay nhiều. Trước những khó khăn, sự cứu rỗi thật là quý giá. Tuy Nhiên, Đức Phật không dạy học trò của Ngài trông chờ vào sự cứu rỗi của một bậc bề trên nào. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật nói: “Chính ta là kẻ cứu rỗi của ta. Không ai khác có thể là kẻ cứu rỗi của ta”. Điều Ngài muốn nhấn mạnh chính là: chúng ta là kẻ cứu chuộc chính mình.
Và để “cứu rỗi chính mình”, điều đầu tiên chúng ta cần làm chính là loại trừ phiền não, giữ tâm an lạc. Chúng ta không thể kiểm soát những điều không như ý trong đời, nhưng có thể kiểm soát được suy nghĩ và hành động của mình. Hãy học cách ngừng làm sống lại nỗi đau trong quá khứ hay vọng tưởng về tương lai, cũng như dũng cảm bước tiếp để nắm giữ hạnh phúc trong hiện tại. Chấp nhận mọi thứ, mọi người như chính nó vốn vậy và chúng ta có thể cảm thấy thoải mái hơn vì đã buông bỏ nỗ lực kiểm soát tất cả trong vô vọng. Chúng ta cũng có thể học cách buông bỏ những thứ mà ta quyến luyến để vươn tới tâm hồn tự do, thanh thản và yên bình hơn bao giờ hết.
Sở hữu ít đi hạnh phúc nhiều hơn
Cầm trên tay chiếc điện thoại đời mới nhất, thường xuyên “mở hộp” những mẫu túi xách thời thượng nhất, mua một bộ quần áo mới mỗi ngày… nhưng vẫn thường xuyên cảm thấy “chưa đủ” để rồi lại khỏa lấp nỗi buồn bằng cách đặt mua những món hàng mới. Bạn có thấy câu chuyện này quen thuộc không? Đó chính là cách chủ nghĩa tiêu dùng hoạt động và ngày càng phổ biến trong đời sống của chúng ta.
Trước đây, sở hữu nhiều của cải từng được xem là thước đo của thành công và hạnh phúc. Nhưng giờ đây, khi những giá trị bên trong như một tâm hồn tự do và yên vui “lên ngôi”, thì mọi người bắt đầu quan tâm hơn đến lối sống tối giản. Sống tối giản có thể hiểu đơn giản là xây dựng lối sống phù hợp với chính mình, sống có ý thức về những gì mình đang sở hữu và ưu tiên điều có ý nghĩa với mình nhất, loại bỏ những điều khiến ta xao nhãng khỏi những thứ thật sự quan trọng. Sống tối giản không phải là vứt bỏ càng nhiều càng tốt. Mục tiêu chân chính của lối sống này hướng đến niềm vui và hạnh phúc, những điều có ý nghĩa vượt xa của cải vật chất.
Tỉnh thức trầm lặng
Theo Đức Phật, nếu muốn trở về với bản tâm trong sáng của chính mình, chúng ta nên giảm thiểu những xao động bất an của cuộc sống bên ngoài và tìm về với cuộc sống tĩnh lặng. Không nhất thiết phải lánh xa cuộc sống bình thường, tìm về nơi núi cao rừng sâu, chúng ta vẫn có thể là người “tỉnh thức trầm lặng” giữa thường nhật.
Hãy kết thân với những người trầm lặng; chọn nghe - đọc - thấy những nguồn thông tin tích cực, tốt đẹp và an lành; tránh xa những tranh chấp vô nghĩa khiến nội tâm xao động bất an… Trong tĩnh lặng, chúng ta có thể giao tiếp với nội tâm của chính mình, xem xét thấu đáo vấn đề và hoàn thiện kế hoạch đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
Khi thực hành tốt việc nương tựa vào chính mình, mỗi người trong chúng ta có thể tìm thấy nguồn sức mạnh lớn lao từ nội tâm mà không cần đến một ngôi chùa, một vị vĩ nhân hay một thế lực nào khác. Từ đó, chúng ta có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp cho chính mình cũng như cho những người xung quanh.