3 độ tuổi ở nữ giới và những rủi ro tấn công tiềm ẩn
Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, những trải nghiệm sống tiêu cực như bị bạo hành, xâm hại, mất việc hay bị cô lập,… khiến nữ giới trải qua nhiều giai đoạn tâm lý bất ổn, là nguyên nhân dẫn đến các hành vi tự hại bản thân. Có ba độ tuổi ở nữ giới mà mỗi độ tuổi đều có những rủi ro thầm lặng cần được cộng đồng thấu hiểu.
1. Trẻ em gái (chưa đủ tuổi vị thành niên)
Trẻ em gái chưa đủ tuổi vị thành niên là đối tượng dễ gặp phải những rủi ro nguy cấp như bị bạo hành gia đình, bị xâm hại. Một số em bị người thân bỏ mặc trong độ tuổi cần được giáo dục đầy đủ, đến trường thì gặp phải rủi ro bạo lực học đường. Vì các em còn quá nhỏ, chưa đủ nhận thức để phân biệt được việc làm sai trái của kẻ xấu nên dễ bị thao túng. Những người các em tiếp xúc, dù lạ hay quen trong bất cứ môi trường nào,… cũng có thể là mối đe dọa tiềm ẩn. Hậu quả sau những rủi ro ấy là muôn vàn tổn thương tâm lý khó xóa nhòa. Nỗi đau đó theo chân các em lớn lên, thậm chí đeo bám cả một đời.
2. Thiếu nữ và phụ nữ trẻ tuổi
Nữ giới trong độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi đều có tư duy, bản lĩnh của người trưởng thành, song cũng không tránh khỏi những nguy cơ như: Bị bạo hành gia đình, bị quấy rối, tấn công tình dục, chống chọi các bệnh phổ biến ở nữ giới hay đối diện với bất bình đẳng giới trong công việc.
Những rủi ro tấn công có thể đến từ chính gia đình hay các môi trường làm việc xung quanh. Sự yếu thế về sức mạnh thể lý là nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị nhắm đến… Ở độ tuổi này, nữ giới vừa phải cảnh giác với rủi ro bạo hành, vừa phải đấu tranh cho công bằng trong công việc. Bởi những bất bình đẳng trong tổ chức sẽ từ từ bào mòn động lực khiến chị em chẳng còn lửa để phát triển, thăng tiến trong sự nghiệp nữa.
3. Phụ nữ tuổi xế chiều
Ngoài những rủi ro đã đề cập ở trên, sau tuổi 50, phụ nữ còn đối mặt các căn bệnh do tuổi già gây ra. Bên cạnh đó là rủi ro bị lừa gạt qua mạng xã hội, bị dẫn dắt tham gia các hội nhóm ảo, lừa đảo chuyển tiền,… Phụ nữ vốn đã sống tình cảm, thêm phần nhẹ dạ cả tin nên ở cái tuổi gần đất xa trời, họ khó mà nhận ra hoặc phản kháng lại những chiêu trò của kẻ xấu. Khi mọi chuyện vỡ lẽ, họ thường có xu hướng mặc cảm, xấu hổ không dám chia sẻ với người thân vì sợ mình sẽ trở thành gánh nặng trong mắt con cái.
Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, khi phái yếu gặp rủi ro, điều cần làm không phải là phân tích đúng sai, mà là tìm cách giúp họ vượt qua những sang chấn từ câu chuyện đó. Quan tâm, hỗ trợ, giúp họ nhận diện những dấu hiệu xấu chính là trách nhiệm của mỗi người trong xã hội! Đón xem bài viết tiếp theo của Prudential để biết cách bảo vệ những người phụ nữ yêu thương của mình bạn nhé!