Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Bài học từ trường đời của một doanh nhân

Thế là bỗng dưng tôi trở thành Doanh nhân, bất ngờ hơn nữa, còn được xếp vào hàng những Doanh nhân trẻ bởi tôi chỉ mới có nguồn thu đáng kể từ hơn một chục năm nay.

Chuyện bắt đầu khá dài dòng nhưng xin được tóm lược là cuối năm 1974, tôi bị chế độ cũ bắt đi lính, binh nghiệp mới kéo dài được mấy tháng đã chấm dứt. Sau 30-4-1975, do mới có cấp bậc binh nhì nên tôi chỉ đi cải tạo tập trung hơn năm tháng rồi được cho về. Bằng cấp chuyên môn chẳng có, vốn liếng tiền bạc cũng không, gia đình tôi mỗi người đóng góp một chút để giúp tôi mua một chiếc xích-lô làm phương tiện kiếm sống. Ngày ngày, hễ ai thuê là tôi chở họ đi, sang hèn giàu nghèo đều đi xích-lô chứ taxi hầu như chẳng có và cũng chẳng mấy ai dám chạy xe hơi như bây giờ. Tuy nhiên số khách đông nhất của tôi vẫn là các cháu học sinh, tôi nhận chở các cháu theo tháng nên giá cả cũng dễ chịu, nhất là đối với các gia đình nghèo. Do nhiều lần đi qua cổng trường mẫu giáo nên tôi nhận ra rằng cháu nào đi học nhờ ngoan ngoãn, được cô giáo cho cắm một lá cờ, thế nào khi ba má tới đón cũng nhõng nhẽo đòi mua một món đồ chơi nào đó. Nhưng đồ chơi lúc đó vừa đắt lại vừa hiếm, phần lớn các bậc cha mẹ đành phải hứa liều với con rằng lần sau sẽ mua.

Tôi nhớ rõ lúc mình còn phải đi lính, từng đến xã Thái Mỹ huyện Củ Chi và thấy ở đó có loại đất sét rất tốt có thể nặn thành đồ chơi, liền bỏ đạp xích-lô một ngày, đạp xe đạp lên tận Thái Mỹ chở về một bao đất sét và hý hoáy ngồi nặn đồ chơi. Trẻ nhỏ thích gì nhỉ ? Tôi kêu mấy cháu con nhà hàng xóm sang để cùng vui nặn đồ chơi. Hóa ra, cháu nào cũng thích những món đồ chơi màu mè sặc sỡ và nhất là có thể tự chuyển động được. Thấy tôi tạm nghỉ đạp xích-lô, nhiều người bảo tôi điên, ai lại dại dột đến thế, tuy nhiên tôi chỉ cười chứ không nói gì. Sau mấy hôm suy nghĩ, tôi quyết định nặn thật nhiều con cá bé xíu, ở giữa có lỗ xuyên dọc và tô đủ thứ màu. Xong, tôi dùng cành tre chuốt nhỏ, dài vừa tầm tay các cháu mẫu giáo, lấy sợi chỉ bện lại cho chắc, xuyên qua vài ba con cá rồi buộc hai đầu dây vào hai đầu cành tre, tạo thành một cánh cung đặc biệt. Hễ cầm cánh cung ấy ép nhẹ rồi buông ra, mấy con cá bằng đất sét tô đủ màu lắc lư như đang bơi. Cuối ngày, tôi đem thứ đồ chơi rẻ tiền nhưng hấp dẫn này đến trường mẫu giáo và chỉ chốc lát đã bán hết. Từ đó tôi chăm chỉ lên xã Phú Mỹ lấy đất sét và mua mấy cây trúc trên đó về sản xuất đồ chơi, khoản tiền kiếm được cũng không nhỏ.

"Dù ở trong hoàn cảnh nào, nếu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với gia đình và xã hội, nhất định chúng ta sẽ được đền đáp thỏa đáng."

Sang thời đổi mới, đồ chơi dành cho trẻ em quá nhiều, cơ sở sản xuất của tôi phải đóng cửa và tôi lại thất nghiệp, lại đạp xích-lô như cũ. Nhưng hàng loạt taxi nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vận chuyển, xích-lô dần dần ế ẩm, cảnh thất nghiệp lại tái diễn với tôi nhưng lúc này tôi là chủ một gia đình có ba con đang đi học, trách nhiệm lo toan nặng nề lắm. Tôi buồn cho phận mình, lặng lẽ lang thang khắp các đường phố. Một hôm tôi chợt nhận ra nhiều người rất cần vỏ bọc điện thoại di động nhưng mặt hàng thiết yếu này giá nhập khẩu quá cao. Tại sao mình không nghĩ ra cách chế vỏ bọc điện thoại di động phù hợp với thói quen sử dụng của người Việt Nam. Tôi mày mò tự chế với đủ loại vật liệu, vừa làm vừa tự hứa với mình là không làm hàng nhái, không hám lợi rồi sản xuất hàng quá kém chất lượng và phải có bảo hành đàng hoàng. Cơ duyên may mắn đã đưa tôi tới thành công dù vốn bỏ ra chẳng đáng bao nhiêu. Tôi xin thành lập một xưởng nhỏ chuyên sản xuất bao điện thoại di động và được cộng đồng gọi là Doanh nhân kể từ đó. Hóa ra, dù ở trong hoàn cảnh nào, nếu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với gia đình và xã hội, nhất định chúng ta sẽ được đền đáp thỏa đáng.

Giờ đây, nhiều loại bao điện thoại di động được các xướng chế tạo có quy mô lớn và công nghệ hiện đại đua nhau sản xuất nên cơ xưởng nhỏ của tôi đang thu hẹp dần. Tuy nhiên, tôi không thể thất bại và cam phận thất nghiệp như trước bởi vốn liếng quý giá nhất của tôi lúc này không phải tiền bạc mà là những bài học kinh nghiệm rút ra từ quá khứ của chính mình. Điều khiến cho tôi vui nhất là cậu con trai gần 30 tuổi của tôi vẫn ngày ngày cùng tôi đàm đạo về những việc nên làm và không nên làm khi bước vào thế giới sản xuất kinh doanh. Cháu vẫn thường nói rằng con rất yêu quý và tự hào về ba vì cuộc đời của ba đã để lại cho con quá nhiều bài học có giá trị. Cha con đồng lòng, gia đình chúng tôi sẽ mở một cơ sở sản xuất mới hơn và khác hơn, tất nhiên, người lo quản lý và điều hành chính là cậu con trai của tôi.
 
Chuyên gia Tâm lý
Thạc sĩ Lý Thị Mai

>>> Xem thêm: