Chăm sóc trẻ vị thành niên thời gian mắc COVID-19
Nếu trẻ vị thành niên không may mắc COVID-19, cha mẹ và trẻ có thể tham khảo những lời khuyên từ các chuyên gia để trang bị kiến thức, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Giải đáp câu hỏi thường gặp của trẻ về COVID-19
Trẻ vị thành niên có nhu cầu tìm hiểu kiến thức mạnh mẽ. Tương tự như người lớn, trẻ vẫn có nhu cầu muốn biết các thông tin cơ bản về triệu chứng, biến chứng, cách lây truyền và phòng chống COVID-19… theo cách phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Do đó, cha mẹ hãy dành thêm thời gian để nói chuyện với trẻ về đại dịch này. Trả lời câu hỏi của trẻ, chia sẻ sự thật về COVID-19 theo cách mà con có thể hiểu được. Hãy giúp trẻ giải đáp thắc mắc bằng cách giải thích đơn giản, dễ hiểu để trẻ dễ tiếp thu.
Bạn hãy thuyết phục con rằng chúng sẽ an toàn và sẽ không sao cả, dù trẻ chẳng may nhiễm virus Corona. Hãy cùng chia sẻ với con cách bạn đối phó với căng thẳng của chính mình, từ đó giúp trẻ vượt qua được căng thẳng. Nên hạn chế để trẻ tiếp xúc với tin tức về COVID-19 trên các phương tiện truyền thông xã hội, vì trẻ có thể hiểu sai những gì chúng nghe được và có thể sợ hãi những điều chúng không hiểu rõ.
Nhắc nhở, giúp con duy trì các thói quen học tập, thư giãn một cách đều đặn; nghỉ ngơi, ngủ, tập thể dục và ăn uống đầy đủ. Đồng thời kết nối với bạn bè và các thành viên trong gia đình một cách chặt chẽ hơn…
Trẻ cần lưu ý gì nếu không may bị COVID-19?
Trong tình huống này, những cảm giác buồn bã, lo lắng, bối rối, sợ hãi hoặc tức giận là điều bình thường diễn ra trong tâm lý của trẻ. Cha mẹ hãy trấn an trẻ, để trẻ biết rằng chúng không đơn độc. Trẻ nên nói chuyện với người mà trẻ tin tưởng như cha mẹ hoặc người lớn đáng tin cậy, để được hướng dẫn cách bảo vệ sức khỏe và bản thân. Việc đặt câu hỏi và lắng nghe thông tin từ các nguồn đáng tin cậy sẽ giúp trẻ vững tâm hơn.
Đồng thời, nếu đã nhiễm COVID-19, trẻ cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc bằng các dung dịch sát khuẩn. Không chạm tay vào mặt, mắt, mũi, miệng; không dùng chung cốc, thức ăn hoặc đồ uống với người khác.
Trẻ cần ý thức được việc chia sẻ với cha mẹ hoặc người thân nếu cảm thấy mệt mỏi, ốm và yêu cầu được ở nhà. Ngừng xem, đọc hoặc nghe tin tức, kể cả mạng xã hội về virus để tránh tâm lý hoang mang, vì việc nghe về sự lây lan của virus nhiều lần trong ngày có thể khiến phụ huynh và trẻ lo lắng hơn.
Hãy hướng dẫn trẻ cách tự chăm sóc cơ thể với việc hít thở sâu, vươn vai hoặc thiền định. Động viên con cố gắng ăn uống lành mạnh và cân bằng các bữa ăn, tập thể dục thường xuyên, ngủ nhiều và tránh các chất độc hại. Việc dành thời gian để thư giãn, kết hợp những việc con phải làm với những hoạt động con yêu thích cũng có ý nghĩa quan trọng.
Để giảm nguy cơ bị nhiễm hoặc lây lan COVID-19 cho bạn bè, người thân, trẻ có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa đơn giản như khử trùng tay thường xuyên, giữ khoảng cách ít nhất một mét với những người đang ho hoặc hắt hơi; tránh bắt tay, ôm và hôn khi chào hỏi ai đó. Tránh tụ tập nhiều người trong nhà, đảm bảo che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Hãy gọi cho viện y tế công cộng nơi đang cư trú nếu trẻ cảm thấy bất kỳ triệu chứng khác thường nào. Cha mẹ cũng đừng quên cửa thông gió thường xuyên, giữ gìn vệ sinh nơi ở, lau chùi các đồ vật như cửa và núm vặn, điện thoại di động, điều khiển từ xa, các vật dụng tương tự bằng chất khử trùng. Tất cả các thành viên trong gia đình nên có khăn tắm riêng và áp dụng các biện pháp phòng tránh.
Khuyến nghị đối với phụ huynh khi trẻ nhiễm bệnh
Trẻ em và thanh thiếu niên thường phản ứng theo cách giống như những người lớn xung quanh chúng. Do đó, tâm lý và hành động của phụ huynh cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và khả năng phục hồi bệnh của trẻ.
Khi phát hiện trẻ nghi nhiễm hoặc đã nhiễm COVID-19, cha mẹ cần bình tĩnh xác định mức độ bệnh của con. Nếu trẻ mắc bệnh mức độ nhẹ, việc điều trị tại nhà là chìa khóa giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ cũng như hạn chế quá tải y tế không cần thiết, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh khác từ bệnh viện.
Sự bình tĩnh, tự tin để xử lý vấn đề của phụ huynh là cách hỗ trợ tốt nhất giúp trẻ điều trị, phục hồi tốt hơn. Nếu trẻ điều trị tại nhà, cha mẹ cần chuẩn bị thuốc men, vitamin cho trẻ, nhiệt kế, vật dụng y tế cần thiết để đo nồng độ oxy trong máu. Xây dựng chế độ ăn uống đa dạng, nhiều loại thực phẩm như trái cây, rau, trứng, cá, thịt, sữa… cho trẻ. Đồng thời, hãy khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn.
Bên cạnh đó, không phải tất cả thanh thiếu niên đều phản ứng với căng thẳng theo cách giống nhau. Tùy theo tính cách, con bạn có thể lo lắng hoặc buồn bã quá mức, khó chịu và có các hành vi phản ứng thái quá, không muốn đi học, không tập trung hoặc tránh xa các hoạt động mà chúng từng yêu thích… Khi đó, hãy bình tĩnh giải thích cho trẻ về căn bệnh, đồng thời trở thành chỗ dựa cho trẻ. Tạo không khí vui tươi, thoải mái để con cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi phải cách ly tại nhà. Đồng thời, hướng dẫn con bạn các bài tập vận động thường xuyên để nâng cao sức khỏe.
Nếu gia đình có người cao tuổi, nhất là người đang mắc các bệnh mãn tính như huyết áp cao, bệnh tim hoặc tiểu đường, hãy tách họ tránh tiếp xúc gần với trẻ bị nhiễm COVID-19, vì họ có nhiều khả năng phát triển bệnh nặng hơn.
Hầu hết trẻ có thể tự hồi phục sau 1 – 2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh tình diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế để tránh những biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi con có bất cứ biểu hiện nào ngoài triệu chứng thông thường, cha mẹ hãy đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.