Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Giày cao gót - Con dao hai lưỡi của phái đẹp

Với phái đẹp, những đôi giày cao gót luôn mang một sức hút khó cưỡng! Chúng khiến đôi chân của bạn trông thon dài hơn và từ đó tôn lên vóc dáng thanh thoát, uyển chuyển. Tuy nhiên, bạn có biết rằng việc mang những đôi giày cao gót quý phái tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khoẻ?

3 tác hại lâu dài của giày cao gót mà có thể bạn chưa biết đến

1. Đau nhức khớp gối và thoái hóa khớp

Trong một thử nghiệm giải phẫu học tại Đại học bang Iowa (Mỹ), 15 cô gái mỗi cô được cho mang ba loại giày có chiều cao khác nhau: giày đế bằng, đế cao 5 cm và đế cao 9 cm. Bằng camera chuyên dụng và các thiết bị đo lực tác động lên khớp gối và gót chân, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng chiều cao của giày tỉ lệ nghịch với tốc độ bước chân và tỉ lệ thuận với lực ép lên các khớp. Điều đó có nghĩa rằng khi mang giày cao gót, bạn sẽ di chuyển chậm hơn, đồng thời các khớp xương ở gối và gót chân liên tục phải chịu lực tác động dẫn đến việc dễ dẫn đến tê mỏi thậm chí chấn thương. Việc mang giày cao gót trong thời gian dài còn làm thoái hóa khớp và viêm khớp mãn tính. Và, gót càng cao, nguy cơ càng lớn. 

2. Biến dạng chân và bàn chân

Nếu bạn đã từng sống một ngày trong đôi giày cao gót, hẳn bạn đã từng phải cắn răng chịu đựng sự đau rát và nhức mỏi ở đôi chân của mình. Điều này phát sinh từ cấu trúc của giày cố tình nâng cao phần gót làm cho trọng lượng cơ thể của bạn đổ dồn vào phía mũi chân dẫn đến tình trạng đau nhức. Ngoài ra, mũi giày hẹp còn có thể dẫn đến nguy cơ phồng rộp và lâu ngày có thể làm biến dạng ngón chân, đặc biệt là ngón cái do đây ngón dài nhất và tiếp xúc với giày nhiều nhất.

Không chỉ tác động trực tiếp và gây đau nhức ngón chân, cấu trúc thiếu cân bằng của giày cao gót còn dẫn đến hiện tượng nổi gân tại mu bàn chân và làm cong mắt cá chân gây mất thẩm mỹ. Phần bắp chân của bạn cũng phải chịu tác động từ việc cố gắng di chuyển trong trạng thái trọng tâm dồn ra phía trước. Chính vì vậy hiện tượng căng chằng và nhức mỏi phần cơ bắp chân là không thể tránh khỏi ở các quý cô thích diện giày cao gót.

>>> Có thể bạn quan tâm: Mách bạn 5 "bệnh lý" bàn chân phổ biến và cách chữa trị

3. Đau đốt sống lưng

Bạn có thể thường nghe nói rằng giày cao gót có thể giúp phụ nữ sửa dáng đi. Thật vậy, để giữ thăng bằng được trên những đôi giày cao gót thanh mảnh, bạn sẽ tự động điều chỉnh cơ thể và dáng đứng: thẳng sống lưng, ngực hơi ưỡn về phía trước, khi đi sẽ hơi ngả về phía sau để cân bằng với trọng lực đang hướng về phía trước. Để có được dáng đi gợi cảm này, các cơ ở thắt lưng và vùng hông của bạn sẽ phải chịu nhiều áp lực, gây đau nhức vùng lưng dưới. Không chỉ vậy, việc cố lấy thăng bằng khi di chuyển trên đôi giày cao gót còn khiến lệch xương chậu và ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống.

>>> Đừng bỏ lỡ: 8 bước giúp bạn bảo vệ "trụ cột" của cơ thể

Một số gợi ý để bạn hạn chế tác hại khi mang giày cao gót

  • Tự massage chân sau một thời gian đi giày cao gót
  • Ngâm chân nước nóng khoảng 10-15 phút để đẩy mạnh lưu thông máu
  • Chỉ mang giày cao gót khi cần thiết (đi hội nghị, tiệc cưới…) và luôn có Phương-Án-B: một đôi dép kẹp
  • Chọn đúng giày: phù hợp vóc dáng (dáng thấp càng không nên mang một đôi giày quá cao và đồ sộ). Bạn có thể dùng công thức sau để chọn giày: chiều dài của bàn chân (đơn vị cm) chia cho 7 sẽ là chiều cao gót giày bạn nên sở hữu. Ví dụ, nếu chân bạn đo được 28 cm, thì chiều cao gót giày của bạn sẽ là 28:7 = 4 cm
  • Chọn giày đế mềm để có độ đàn hồi hạn chế đau chân

 

Chúc bạn có được đôi giày cao gót hợp dáng và tốt cho sức khoẻ với những gợi ý từ Prudential nhé!