tâm lý hậu covid, sức khỏe tinh thần
Blog Nhịp Sống Khỏe

Hỗ trợ người thân vượt qua tổn thương tâm lý hậu COVID-19

Trải qua thời kì dịch bệnh kéo dài, không ít người bên cạnh chúng ta ngoài bị ảnh hưởng sức khoẻ còn chịu tổn thương về mặt tâm lý. Làm sao để hỗ trợ người thân, bạn bè vượt qua di chứng hậu Covid-19 để trở lại cuộc sống “bình thường mới” với tinh thần tích cực hơn?

Mỗi người trong chúng ta có cách ứng phó khác nhau trước một căn bệnh kéo dài hoặc khi tình trạng căng thẳng, lo lắng xảy đến với cơ thể. Bước sang giai đoạn Covid-19 dần được kiểm soát, trong khi một số người có thể thích nghi nhanh chóng với cuộc sống “bình thường mới”, vẫn có nhiều người chưa thể vượt qua ngay lập tức những tổn thương về mặt sức khỏe và tinh thần mà họ đã và đang đối mặt. Nếu bạn bè, người thân yêu của chúng ta đang gặp phải những vấn đề này, hãy tham khảo những gợi ý sau để giúp họ giảm bớt gánh nặng tâm lý sau đại dịch nhé!

Lắng nghe với sự kiên nhẫn, thấu hiểu

Việc đại dịch Covid-19 kéo dài “âm ỉ” dễ khiến tâm lý con người trở nên căng thẳng và bối rối. Lúc này, sự thấu hiểu và đồng cảm đến từ người thân – với “chìa khóa” nằm ở sự “lắng nghe” sẽ giúp bệnh nhân vơi đi cảm giác bị cô lập.

Khi lắng nghe, hãy đưa ra phản hồi để bệnh nhân biết rằng những câu chuyện và trải nghiệm của mình đang thật sự được quan tâm và chia sẻ. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý tránh những từ ngữ mang tính chủ quan, thay vào đó, hãy giúp bệnh nhân cảm nhận sự tích cực và cảm thông trong quá trình giao tiếp. Ví dụ, thay vì nói rằng: “Đừng lo lắng quá!”, “Chuyện đâu còn có đó!”, hãy thử cách nói khác, như: “Mình đang nghe đây!”, “Mình hiểu rồi!”, “Cảm giác bạn đang trải qua thật không dễ chịu chút nào!”.

Đừng quên rằng lắng nghe với sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn sẽ là “liều thuốc” giúp người thân của chúng ta vượt qua rào cản tâm lý nhanh chóng hơn.

Trò chuyện để hiểu hơn về những vấn đề, lo lắng của họ

Mỗi cá nhân có những nhu cầu được giúp đỡ không giống nhau, nhưng tựu trung lại, chất lượng cuộc trò chuyện sẽ quyết định những vấn đề, lo lắng bệnh nhân đang trải qua có được giải quyết hay không. Để cuộc trò chuyện mang lại kết nối, từ đó tìm ra điều bệnh nhân thật sự cần để vượt qua rào cản tâm lý đang hiện hữu, hãy thử nhiều câu hỏi khác nhau về trải nghiệm và cảm xúc của bệnh nhân. Chúng ta có thể bắt đầu với những câu hỏi chung như: “Ngày hôm nay như thế nào?”, rồi dần thu hẹp câu hỏi cho đến khi chúng ta nhìn ra bệnh nhân đang cần giúp đỡ điều gì để tâm trạng được cải thiện.

Hỗ trợ, đáp ứng đúng nhu cầu

Sau khi đã lắng nghe và tìm ra sự giúp đỡ bệnh nhân thật sự cần, hãy tiếp tục ở bên cạnh để hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn. Nếu một số người mong muốn được lắng nghe và chia sẻ về trải nghiệm, cảm xúc, thì số khác lại cần được giúp nhiều hơn là chỉ trò chuyện, như giúp việc nhà, làm việc vặt…

Sẽ có những lúc chúng ta không thể hỗ trợ chính xác điều bệnh nhân cần và chúng ta nên thẳng thắn chia sẻ điều đó – những việc chúng ta có thể hoặc không thể giúp. Thay vào đó, chúng ta có thể đề xuất những cách khác để giúp người thân, bạn bè của mình, như: “Mình hiểu là bạn cần người để trò chuyện, nhưng hiện tại mình đang có công việc. Nên chúng ta hãy gặp nhau vào tối nay nhé”.

Đừng quên rằng duy trì giao tiếp hiệu quả và tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng vượt qua tổn thương tâm lý hậu Covid-19 để tiếp tục cuộc sống với tinh thần tích cực hơn.