tai-sao-nen-lap-di-chuc-khi-con-tre
Blog Nhịp Sống Khỏe

Tại sao nên trau chuốt “kết bài của đời người” khi còn trẻ

Gần đây cộng đồng mạng xôn xao về “di chúc xóa nợ cho bạn bè” của một người vừa bước qua tuổi 30. Trái ngược với văn hóa Á Đông cho rằng việc lập di chúc khi còn trẻ sẽ gặp xui xẻo, các nước phương Tây việc chuẩn bị chu toàn cho bản thân, gia đình sau khi qua đời từ khi còn trẻ lại rất phổ biến. Hãy cùng tìm hiểu lý do phía sau những bản “di chúc được trẻ hoá” này nhé!

Yên tâm về “hậu phương”

Với nhiều bạn trẻ hiện nay, di chúc không chỉ là một công cụ pháp lý mà còn được xem như một phương thức biểu lộ tình cảm với người thân, bạn bè. Đó là nơi họ để lại những di ngôn tốt đẹp, yêu thương - những lời mà bình thường khó có thể nói trực tiếp với người thân.

Việc lập di chúc từ sớm rất cần thiết, nhất là với những người làm nghề đặc thù như quân nhân, công an. Thực tế, ai cũng muốn được an tâm về người thân ở nhà, và di chúc chính là một giải pháp giúp bạn bảo đảm điều đó. Lập di chúc, lên kế hoạch cho các di sản của bản thân, ủy quyền cho người thân khi cần, ... đều là những việc thiết thực để bạn có thể an tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ nơi xa mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho người thân yêu.

Giúp người “ở lại” tránh các rắc rối pháp lý

Việc lo tính trước phần tài sản thừa kế thông qua di chúc sẽ giúp gia đình bạn tránh được những vấn đề tranh chấp pháp lý kéo dài. Chị Khánh Hà (27 tuổi, TPHCM) chia sẻ: “Ngày đó ba tính để lại cho mình một căn nhà nhỏ ở ngoại ô. Nhưng ba qua đời đột ngột nên căn nhà cũng theo đó mà bị rơi vào tranh chấp. Từ đó tới nay cũng cả chục năm rồi mà mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu. Nhiều khi nghĩ, giá như ngày đó ba để lại di chúc sớm thì gia đình đã không rắc rối tới vậy.”

Trước các nguy cơ tranh chấp, nhiều người dần có cái nhìn sâu rộng hơn về bản thân, trách nhiệm với gia đình và quyết định lập di chúc. Ngoài ra, khi một ai đó qua đời mà không để lại di chúc, toàn bộ di sản của họ sẽ được chia lại cho gia đình thông qua một thủ tục tòa án được gọi là chứng thực di chúc. Quy trình này thường kéo dài rất lâu, khiến gia đình người đã khuất không thể tiếp cận phần tài sản để lại. Vì vậy, một bản di chúc sớm sẽ giúp tài sản tới được đúng người nhận, không bị cản trở bởi những quy trình phức tạp.

Để lại chỉ dẫn cho các “tài sản” mạng xã hội

Hãy thử nghĩ: các tài khoản mạng xã hội, những bức ảnh và kỷ niệm của bạn sẽ ra sao một ngày bạn không còn nữa? Vấn đề này sẽ còn phức tạp hơn với người kinh doanh online khi tài khoản mạng xã hội không được thừa kế hay chuyển giao đồng nghĩa với việc chạy quảng cáo, các giao dịch online bị ngưng trệ. Ý thức được giá trị của những “tài sản” mạng xã hội đó, bạn hoàn toàn có thể giúp người thân của mình bớt bối rối hơn thông qua một bản di chúc chủ động từ khi còn sớm.

Chủ động quyên tặng tài sản theo ý mình

Nếu một người ra đi mà không để lại di chúc, tài sản của họ sẽ được phân chia theo sự chỉ định của luật pháp. Đương nhiên, không ai muốn đặt quyền quyết định di sản của mình vào tay một người khác. Đó là lý do ngày càng nhiều người ý thức hơn về việc sớm lập di chúc. Bạn có thể tùy ý lựa chọn dành tặng tài sản cho một ai đó trong gia đình, một người bạn thân thiết, hay một tổ chức từ thiện mà bạn cảm thấy tin tưởng.

Sẵn sàng giải pháp cho bản thân và gia đình

Những câu chuyện gây tranh cãi trên báo chí về cách gia đình, y bác sĩ đối xử với những bệnh nhân sống thực vật khiến nhiều người bắt đầu suy nghĩ về việc lập di ngôn từ sớm. Một bản di chúc y khoa không những sẽ giải thoát bản thân người bệnh khỏi những tình trạng đau đớn kéo dài không mong muốn, mà còn giúp người thân của họ cảm thấy nhẹ lòng hơn. Khi viết di chúc y khoa, hãy viết chỉ thị chăm sóc sức khỏe và cả giấy ủy quyền tài chính. Thậm chí, nhiều người còn đăng ký hiến tạng như một cách để lại tài sản quý giá cho cuộc đời.

Xóa bỏ ràng buộc tiêu cực với người thân

Nếu như nhiều người lựa chọn viết di chúc nhằm để lại di sản tốt đẹp tới đúng người yêu thương, thì một số người lại lựa chọn dùng cách đó để xóa đi những “tài sản” tiêu cực. Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Minh khi để lại di chúc vào năm 32 tuổi, với điều khoản đầu tiên là: “Xóa mọi khoản nợ đã cho mượn”. “Bản di chúc như một con dao, tôi dùng để cắt đứt mọi ràng buộc tiêu cực với mọi người, để lại trong mối quan hệ với người xung quanh chỉ là một thứ tình cảm thuần nhất” - anh Minh chia sẻ.

Có thêm thời gian cân nhắc, điều chỉnh bản di chúc cho phù hợp

Một lợi ích khác của việc viết di chúc từ sớm là bạn có quãng thời gian đủ dài để suy nghĩ, cân nhắc và thay đổi di ngôn của mình. Đặc biệt, trong giai đoạn nhiều bất ổn như hiện nay, chúng ta đều khó có thể biết và đối phó được với những bất ngờ sẽ xảy đến. Nhưng bạn có thể sớm chuẩn bị cho mọi trường hợp, thậm chí cả viễn cảnh xấu nhất.

Kết thúc mỗi cấp học, chúng ta lại viết cho nhau những lời lưu bút cùng lời hứa tốt đẹp về tương lai phía trước. Vậy thì, kết thúc lớp học trường đời, bạn sẽ để lại gì cho người thân yêu, cho cuộc đời và cho chính bản thân? Đối với nhiều người, di chúc chính là một “kết bài” như thế. Lập di chúc sớm chính là cách để chúng ta trau chuốt cái kết ấy sao cho vừa vặn nhất.

>>> Xem thêm: