5 cách giúp con thêm yêu môn kỹ thuật
Blog Nhịp Sống Khỏe

5 cách giúp con thêm yêu môn kỹ thuật

Bạn nhận thấy con mình đặc biệt thích thú với các môn khoa học tự nhiên? Hãy cùng Prudential giúp con phát triển năng khiếu một cách dễ dàng hơn qua phương pháp STEM nhé!

STEM (Science – Technology – Engineering – Math) là phương pháp giảng dạy liên môn, giúp trẻ học Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học dựa trên việc giải quyết các vấn đề thực tế, thông qua trò chơi hoặc các hoạt động hàng ngày. Phương pháp này được phát triển trên nguyên tắc kết hợp nhiều môn khoa học tự nhiên dưới góc nhìn sáng tạo, dễ hiểu nhưng vẫn có sự tập trung vào từng phân môn. STEM đề cao tính thực hành và ứng dụng, bố mẹ có thể cùng giúp con vun đắp niềm yêu thích các môn khoa học tự nhiên.

Học lý thuyết cơ bản bằng các trò chơi đơn giản

Chúng ta đều hiểu rằng: để thực hành và phát triển chuyên môn trong bất cứ môn học nào điều đầu tiên là phải xây dựng nền tảng từ lý thuyết cơ bản. Tuy nhiên, lý thuyết cơ bản kỹ thuật không hề “dễ nuốt” đối với trẻ! Và làm thế nào để vừa dạy cho con hiểu và yêu thích những phần lý thuyết khô khan đó tưởng không phức tạp nhưng lại… phức tạp không tưởng.

>>> Có thể bạn quan tâm: Những hoạt động giúp con nâng cao khả năng tự học

Thật ra, điều đó không hề khó trong thời đại công nghệ này, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm các trang thông tin lý thuyết kỹ thuật được thiết kế như các trò chơi, ví dụ trang code.org và scratch.mit.edu giúp trẻ hứng thú hơn với hình ảnh, video sinh động.

Ngoài ra, chúng ta có thể cho trẻ tìm hiểu về kiến thức xây dựng và chơi game ngay sau đó như Mario Maker, Bloxels. Các món đồ chơi ngày nay cũng được cải tiến để trẻ dễ nhận biết cách thức lắp ráp robot như Snap Circuits, Little Bits, hoặc LEGO Mindstorms, Ozobot, Dash and Dot.

Ai bảo học kỹ thuật là không được sáng tạo?

Sự sáng tạo là yếu tố cần thiết để tạo nên những bứt phá. Hãy để con tự do sáng tạo, bố mẹ hãy để con tự lắp ráp mô hình, chơi game theo trí tưởng tượng của mình. Có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì nhóc cứ mãi miết với những thỏi lego cả ngày nhưng lại chẳng ra hình thù gì; cũng có lúc bạn không hiểu trẻ đang sắp các món đồ chơi theo thứ tự nào nhưng đừng “xắn tay” vào góp ý hoặc hướng dẫn con phải làm thế nào cho đúng khi trẻ đang tự do làm điều mình nghĩ. Hãy để con tự khám phá, nếu rảnh bạn có thể làm là ngồi bên cạnh, quan sát và hỏi trẻ đang nghĩ gì. Tất nhiên, trẻ sẽ cảm thấy vui hơn khi có một người “trợ tá” đang cùng biến ý tưởng của trẻ thành hiện thực. Trí tưởng tượng không hề có đúng sai, bạn có thể cùng trẻ “tổng kết” lại buổi lắp ghép mô hình để trẻ hiểu trò chơi có thể tốt hơn nếu lần sau làm theo cách khác.

>>> Đừng bỏ lỡ: Làm thế nào để trở thành người bạn đồng hành thân thiết cùng con?

Hãy để trẻ tự do sáng tạo theo trí tưởng tượng

Thay vì dạy bảo, hãy truyền cảm hứng cho con

Một sự thật dễ nhận thấy là trẻ hào hứng hơn với những điều mắt thấy tai nghe hơn là ngồi nghe những thông tin về con quay, trục xoắc, khớp nối, đinh ốc…

Thay vì hướng dẫn con nên ghép phần nền móng cho ngôi nhà trước khi lắp mái nhà, hãy cho trẻ xem nhiều video hướng dẫn khác nhau, những mô hình đã thực hiện trước đó, bạn sẽ thấy trẻ nhanh chóng thích thú và muốn tự tay mình làm ngay.

Sau khi trẻ đã nắm được nguyên tắc thực hiện, hãy cùng con hệ thống lại những thông tin đó và hỏi thử xem bây giờ con sẽ kết nối chúng thế nào, con sẽ làm gì trước tiên cho “dự án” của mình…

Việc tiếp theo của bạn là chuẩn bị dụng cụ và để bé tự tay biến ý tưởng thành hiện thực.

Bắt đầu bằng mô hình nhỏ, sau này con sẽ trở thành kỹ sư to

Trẻ con mà, sự hào hứng khi bắt đầu lắp ghép một mô hình sẽ nhanh chóng tắt đi khi con phát hiện ra trò mình đang chơi… khó quá. Đừng vội vàng, hãy để con bắt đầu với mô hình đơn giản, dễ hoàn thành để trẻ cảm thấy vừa chinh phục được một thử thách, từ đó hào hứng để tiếp tục “dự án” tiếp theo. Không chỉ riêng bộ môn kỹ thuật, bất kỳ thành quả nào cũng đến từ việc giải quyết các vấn đề. Hãy cho phép trẻ thử và sai, rồi tiếp tục hoàn thiện dự án của mình. Điều đó giúp trẻ biết được cách tự khuyến khích mình khi gặp các vấn đề.

Chia sẻ thành quả để nhận lại sự động viên

Đừng ngại chia sẻ thành quả của con với bạn bè, người thân, dù đó chỉ là lắp ghép một con mô hình đơn giản. Bạn có thể tranh thủ “khoe” với khách đến nhà, cho trẻ mang tác phẩm của mình đến lớp, hoặc ghi hình và chia sẻ quá trình thực hiện dự án trên mạng xã hội. Việc này giúp trẻ cảm thấy nỗ lực của mình được ghi nhận. Và đừng quên, cho trẻ thấy phản ứng tích cực của người xem để cảm thấy tự hào, có thêm động lực, cảm hứng để thực hiện những điều lớn hơn.

Chia sẻ thành quả giúp trẻ cảm thấy tự hào và có thêm động lực

Với 5 bí quyết trên, bố mẹ có thể chuẩn bị cho trẻ nền tảng để theo đuổi niềm yêu thích kỹ thuật của mình. Nếu trẻ không yêu thích các môn kỹ thuật thì những kiến thức nền tảng và kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ là những điều con học được qua những hoạt động này. Ngay bây giờ, hãy thử gợi ý và cùng trẻ thực hiện một dự án “vừa chơi vừa học” môn Kỹ Thuật và những môn khác trong nhóm chủ đề STEM.

>>> Bài viết cùng chủ đề: