Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Bí quyết cân bằng tài chính trong thời gian chuyển việc

Chuyển việc là trải nghiệm mà hầu hết ai cũng trải qua ít nhất một lần trong đời. Thay đổi để sự nghiệp để tìm cơ hội thăng tiến là cần thiết, nhưng việc chuyển từ công ty này sang công ty khác hoặc từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác chưa bao giờ là điều dễ dàng. Trong giai đoạn nhạy cảm này, bạn cần chuẩn bị kế hoạch hợp lý để tránh vướng phải các khủng hoảng tài chính.

Bạn sẽ đối mặt với điều gì khi chuyển việc?

1. Mất cân bằng tài chính

Đa số quyết định nghỉ việc đồng nghĩa với mất đi nguồn thu nhập ổn định. Khi đó, bạn cần cắt giảm chi tiêu hàng tháng để có thể chi trả những chi phí cố định cơ bản. Hơn nữa, trong trường hợp khoảng thời gian chuyển việc kéo dài hơn so với dự tính, việc liên tục chi tiêu mà không có thu nhập ổn định sẽ tạo áp lực không nhỏ lên tình hình tài chính của bạn.

2. Ảnh hưởng đến kế hoạch tiết kiệm 

Mất đi nguồn thu nhập chính có thể làm gián đoạn kế hoạch tiết kiệm của bạn. Không chỉ vậy, khi kỳ nghỉ việc kéo dài và bạn không kịp xoay xở cho sinh hoạt phí, bạn có thể phải trích quỹ tiết kiệm của mình ra để chi trả nhu cầu tiêu dùng cơ bản. Khoản tiết kiệm của bạn không những không tăng lên được, ngược lại còn có thể bị thâm hụt. 

3. Áp lực nhân đôi từ những tình huống bất ngờ

Khi khả năng tài chính chưa vững vàng trở lại, những tình huống bất khả kháng có thể xảy đến và khiến bạn trở tay không kịp. Những chi phí phát sinh từ một tai nạn bất ngờ sẽ làm tăng áp lực tài chính, đặc biệt là khi bảo hiểm y tế của bạn bị vô hiệu hóa trong thời gian chuyển việc. 

Để giai đoạn chuyển việc nhẹ nhàng hơn, chúng ta nên sắp xếp tài chính bằng những cách sau đây:

1. Tạo nhiều hơn một nguồn thu nhập 

Việc đa dạng hóa nguồn thu nhập không chỉ giúp bạn gia tăng tài sản trong thời gian công việc ổn định mà còn làm gia tăng tốc độ và mức độ tích lũy, chuẩn bị thật tốt cho giai đoạn chuyển việc. 

Vì vậy, bạn nên xây dựng nền tảng tài chính vững chắc bằng cách tạo ra và duy trì nhiều nguồn thu nhập bổ sung, ví dụ như làm nghề tự do, làm thêm giờ hoặc đầu tư chứng khoán, bất động sản. Hãy học cách quản lý thời gian để đa dạng hóa công việc và sớm chuẩn bị tài chính cho thời gian chuyển việc.

2. Tiết kiệm nhiều hơn

Quá trình tìm kiếm và ứng tuyển công việc mới có thể kéo dài hơn so với dự tính của bạn. Trước khi đặt bút ký vào đơn xin nghỉ việc, bạn nên đảm bảo quỹ tiết kiệm của mình có thể chi trả được cho khoảng 6 tháng sinh hoạt phí cơ bản. Quỹ tiết kiệm càng dồi dào càng giúp bạn giảm thiểu áp lực tài chính.

Bạn có thể tích lũy thêm một phần tiền lương, các khoản tiền thưởng, thu nhập bổ sung hoặc lợi nhuận từ việc kinh doanh vào quỹ tiết kiệm để hỗ trợ thêm khi cần.

>>> Đừng bỏ lỡ: Những động cơ để tiết kiệm mà có thể bạn chưa nhận ra

3. Lập ngân sách cho tương lai

Nếu bạn chưa biết cách theo dõi tài chính thì việc lập một danh sách để quản lý chi tiêu và ngân sách cho các loại phí cơ bản là rất cần thiết. Bạn nên chủ động sắp xếp chi phí sinh hoạt của mình trước khi từ bỏ nguồn thu nhập ổn định từ công việc cũ hay chấp nhận một nguồn cung tài chính khác từ công việc mới. 

Bên cạnh đó, hãy cân nhắc đến những thay đổi về thu nhập và chi phí hằng tháng sau khi bạn đã ổn định công việc mới như chi phí di chuyển, phí sinh hoạt hay phí chăm sóc sức khỏe... Khi lập ngân sách, chúng ta luôn hy vọng vào trường hợp khả quan nhất nhưng bạn cũng nên chuẩn bị cho cả những tình huống bất ngờ. 

Dù không thể lên kế hoạch chi tiết cho mọi thứ nhưng việc dự đoán và lên kế hoạch sớm sẽ hỗ trợ bạn nhiều hơn. Prudential mong rằng những lời khuyên trên sẽ giúp bạn cân bằng tài chính và chuẩn bị tâm thế thật tự tin để tiến thêm một bước trong sự nghiệp. 

>>> Xem thêm: