Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Con có đang chi tiêu quá tay?

Con gái bạn bước vào tuổi dậy thì “sớm năng chiều mưa”, nàng không chịu để bố mẹ chọn mua váy áo như trước: “Xấu lắm con không dùng đâu, bố mẹ chẳng hiểu con gì cả!”. Nhiều phụ huynh giải quyết bằng cách đưa tiền cho con tự mua đồ, sau đó tá hỏa khi bé khuân về những thứ “chẳng giống ai”. Nếu là bạn, bạn sẽ giải thích ra sao cho con hiểu?

1. Làm bạn đồng hành mua sắm cùng con

Để con chịu nghe lời tư vấn trong những năm “tuổi nổi loạn”, bố mẹ hãy làm bạn đồng hành mua sắm của con ngay từ khi con bé. Đây là cơ hội tốt cho bạn chia sẻ cùng con cách cân nhắc từng món đồ: "Con thấy mẹ đi giày này hợp không? Màu đen là dễ kết hợp đồ lắm nha. Mẹ sẽ mặc cùng quần âu này, hoặc đi với cái váy đỏ mua hôm trước…” “Đồng hồ này hơi đắt con nhỉ, cơ mà hãng này bảo hành tốt lắm, bác Trung bạn bố dùng hơn 5 năm rồi ấy”. Một vài món đồ mua chung sẽ tăng sự gắn kết giữa bạn và bé, khiến bé coi bạn như người bạn thân thay vì như bậc phụ huynh lỗi thời: “Con chọn khăn này hả? Mẹ con mình mua dùng chung đi, mẹ cũng thích màu này lắm!”

Khi việc cân nhắc, thảo luận và quyết định mua đồ cùng bố mẹ đã thành thói quen, bé sẽ tin tưởng bạn như người cố vấn thân thiết và không “bỏ rơi” bạn trong những lần đi mua sắm sau này. Từ đó, những bài học chi tiêu thông minh bạn dạy sẽ được con tiếp thu tốt hơn.

2. Tập cho con thói quen suy nghĩ kỹ trước khi mua hàng

“Phương pháp 30 ngày” là một nội dung quen thuộc trong các lớp quản lý tài chính: khi phải đấu tranh tinh thần trước một món hàng xa xỉ, hãy xếp gọn ham muốn mua hàng của bạn lại bằng cách nghĩ “Mình sẽ mua nó sau 30 ngày nữa”. Một tháng sau quay lại, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy món hàng đó không thực sự hấp dẫn và cần thiết như bạn từng nghĩ.

Trẻ con mau thích chóng quên, hạn suy nghĩ 30 ngày sẽ là hơi quá sức với nhiều bé. Thay vào đó, bạn có thể rút ngắn thời gian cân nhắc xuống vài ngày hoặc một tuần lễ “Cuối tuần mình quay lại cửa hàng, nếu lúc đó con vẫn thích mình sẽ mua nhé” “Còn 5 ngày nữa là hết tháng, mình đợi thêm một xíu để tổng kết tiền tiết kiệm xem có đủ mua không nha con!”. Khoảng thời gian trì hoãn sẽ “đánh bay” những nhu cầu mua sắm chớp nhoáng và giúp con sẽ nhận ra món nào bé thực sự cần.

3. Luôn có phương án thay thế

Nhớ lại mà xem, có phải hồi nhỏ bạn đã từng nghĩ ra đủ cách để có được thứ mình muốn khi không có nhiều tiền tiêu: mua chung, mượn bạn bè, xin đồ cũ, … Dù hiên tại bạn đủ khả năng chu cấp mọi thứ con đòi, hãy tạo cho bé thói quen nghĩ ra nhiều phương án khác nhau để có được danh sách “Muốn” với chi phí hợp lý nhất: “Báo Hoa học trò mua đọc một lần hơi uổng, con với bé Mai góp tiền mua chung xem sao!” “Váy sinh nhật đắt ghê, mình đi thuê con nhé. Mỗi năm mặc một bộ mới thích chứ!” “Ván trượt này giá cao nhỉ, hay con mượn anh Hai dùng tạm nha”.

Đôi khi, một vài bước tính toán đơn giản trước khi mua sẽ giúp con có được lựa chọn phù hợp nhất. Với những món đồ dùng lâu dài, hãy hướng dẫn con tính nhẩm khấu hao: “Xe đạp này giá 2 triệu chắc dùng được 2 năm, vị chi mỗi năm là 1 triệu. Xe bên cạnh giá 3 triệu nhưng bền và an toàn hơn, con có thể dùng trong 4 năm, tính ra mỗi năm hết 750 ngàn. Con nghĩ mình nên chọn cái nào?”. Một bài tính khác là mua nhiều hơn để có được giá tốt: “Vé bơi ngày 60 ngàn, mua thẻ thành viên 3 tháng hè tính ra mỗi buổi còn có hơn 4 chục. Mình mua thẻ nha, bố con mình cùng quyết tâm đi bơi thật đều”. Thói quen tính nhẩm theo thời gian sẽ giúp bé có được phản ứng nhanh nhạy trước những vấn đề liên quan tới số, là bước đầu tiên để con bạn trở thành người tiêu dùng thông minh.

Cuối cùng, nếu bạn nghĩ con đang chi tiêu quá tay, hãy cho bé xem clip Cha Ching để học tập từ cô bạn Pepper nhé!

>>> Xem thêm:

Cha-Ching là loạt phim hoạt hình giáo dục kĩ năng tài chính do Prudential phát triển dành cho trẻ em từ 7-12 tuổi. Thông qua các bộ phim hoạt hình âm nhạc vui nhộn, các em sẽ được học cách đưa ra các quyết định tài chính của mình để đạt được mục tiêu cá nhân và thực hiện ước mơ trong tương lai.