Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Dạy con tiết kiệm phần 3: Heo khẩn cấp

Cuộc sống muôn màu tràn ngập niềm vui nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Làm cách nào để giúp con có sự chuẩn bị về tài chính tốt nhất?

Trong hai bài viết kỳ trước, Prudential đã chia sẻ cùng bạn bí quyết dạy con tiết kiệm cho mục tiêu ngắn hạn tại đây và tiết kiệm dài hạn cho tương lai tại đây. Một kỹ năng khác không kém phần quan trọng đó là tiết kiệm và sử dụng tiền cho những tình huống khẩn cấp. Cùng xem bài viết dưới đây để giúp bé làm quen với “Heo khẩn cấp” nhé!

Phần 3: Heo khẩn cấp

Dạy con tiết kiệm đã khó, dạy con chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp còn khó hơn. Đa phần bố mẹ sợ con không rành chi tiêu nên hạn chế để bé giữ nhiều tiền trong ví, tuy nhiên có rất nhiều tình huống khó khăn cần chi trả gấp bé có thể gặp mỗi ngày. Những lúc này, con sẽ được hỗ trợ kịp thời nhờ “Heo khẩn cấp”!

Khi nào cần "Heo khẩn cấp"?

“Heo khẩn cấp” là quỹ tiền bí mật luôn đồng hành cùng bạn và chỉ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết. Hãy mở đầu bài học bằng cách chia sẻ cho con những tình huống oái oăm bạn từng gặp: làm mất ví tiền, lạc đường và tài khoản điện thoại còn 0 đồng, hỏng xe, xây xát chân tay, bị ngộ độc thức ăn cần nhập viện gấp… Những lúc này, bạn sẽ được “giải cứu” rất nhanh chỉ với một khoản tiền không quá lớn. Sau mỗi tình huống, bố mẹ hãy cùng con thảo luận “Nếu là con, con sẽ làm gì? Mình cần bao nhiêu tiền dự phòng để được an toàn trong tình huống đó?”

Nuôi "Heo khẩn cấp" như thế nào?

Khi con đã nắm rõ những tình huống khẩn cần chi trả gấp, bố mẹ sẽ hướng dẫn bé lập ba quỹ “Heo khẩn cấp” như sau:

  1. Heo khẩn cấp di động: Luôn để 1 khoản tiền tương đối (khoảng 200 ngàn VNĐ) trong một ngăn ví riêng và chỉ dùng đến khi gặp khó khăn. Khoản tiền này sẽ hỗ trợ con trong những sự cố thường ngày như hỏng xe, hết tiền nạp thẻ điện thoại, đi đường bị ngã cần sơ cứu…
  2. Heo khẩn cấp hậu phương: Trích từ 5 tới 10% tiền tiêu vặt hàng tháng để nuôi "Heo khẩn cấp hậu phương" tại nhà, quỹ này sẽ giúp con tự đổ đầy “Heo khẩn cấp di động” mỗi lần dùng hết thay vì xin thêm tiền bố mẹ. Ngoài ra, Heo khẩn cấp hậu phương cũng giúp con tự giải quyết những tình huống cần trả ngay số tiền lớn như làm mất máy tính bỏ túi, gọi thợ xử lý vòi ga hỏng khi bố mẹ vắng nhà, giúp bạn nhập viện khi không có người lớn trợ giúp,…
  3. Heo khẩn cấp phân thân: Khoản tiền “Heo khẩn cấp di động” sẽ không thể hỗ trợ con kịp thời nếu bé trót làm mất hoặc quên mang ví, vậy nên hãy nhắc con cất thêm một khoản nhỏ trong một ngăn cặp sách bí mật, hoặc túi trong của áo khoác. Việc phân tiền ra nhiều ngăn này cũng sẽ giúp con rất nhiều khi đi dã ngoại cùng lớp, hoặc khi cả nhà đi du lịch

Heo khẩn cấp không chỉ dành cho các bé, mà ngay cả bố mẹ cũng gặp nhiều tình huống khó khăn cần tới khoản dự phòng. Hãy để con làm giám sát viên nhắc nhở cả gia đình mỗi khi có ai quên cho Heo khẩn cấp ăn nhé!

Làm gì khi “Heo khẩn cấp” không đủ trợ giúp?

“Heo khẩn cấp” là một giải pháp thông minh giúp con bạn độc lập xử lý những tình huống oái oăm trong cuộc sống, tuy nhiên bố mẹ hãy nhắc con ngoài tiền ra có rất nhiều cách khác để giải quyết sự cố. Con cần nhớ bên cạnh Heo khẩn cấp, luôn có rất nhiều bạn bè và người tốt sẵn sàng giúp con lúc khó khăn, chỉ cần con biết cách mở lời với họ. Hãy tập cho con nghĩ tới nhiều phương án khi gặp sự cố, và chọn cách tối ưu nhất “Nếu nhỡ bỏ quên Heo khẩn cấp khi hỏng xe, con có thể gửi xe lại và đi nhờ bạn về, hoặc gọi người quen tới trợ giúp, hoặc nhờ người đi đường sửa hộ, hoặc xin chú sửa xe giúp đỡ và hẹn gửi tiền sau, hoặc vay tiền cô giáo…”. Làm được vậy, bạn càng yên tâm hơn khi con không chỉ biết tự lập giải quyết khó khăn cùng ba chú Heo khẩn cấp, mà bé sẽ luôn tìm được cách linh hoạt vận dụng sự giúp đỡ từ những người xung quanh mình.

Và để minh họa cho bài học về Heo khẩn cấp, bố mẹ hãy cùng con xem clip này nhé!

>>> Bài viết cùng chủ đề:

Cha-Ching là loạt phim hoạt hình giáo dục kĩ năng tài chính do Prudential phát triển dành cho trẻ em từ 7-12 tuổi. Thông qua các bộ phim hoạt hình âm nhạc vui nhộn, các em sẽ được học cách đưa ra các quyết định tài chính của mình để đạt được mục tiêu cá nhân và thực hiện ước mơ trong tương lai.