Phòng ngừa tình trạng ngộ độc mùa cuối năm
Những ngày cuối cùng của năm được mệnh danh là mùa lễ hội với rất nhiều buổi họp mặt, ăn mừng được diễn ra liên tục. Chính vì lẽ đó mà nhu cầu tiêu thụ bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát… đặc biệt trong dịp lễ Tết cũng tăng nhiều lần so với ngày bình thường. Sự gia tăng đột biến này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ngộ độc cho người tiêu dùng khi thường xuyên phải tham dự các buổi tiệc và ăn uống bên ngoài.
Nguyên nhân tỷ lệ ngộ độc thường tăng cao trong dịp cuối năm
Hàng kém chất lượng gia tăng
Nhận thấy nhu cầu ăn uống tăng vọt, rất nhiều người đã nhân cơ hội nhập các loại thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc về để kinh doanh. Cụ thể hơn, các cơ quan chức năng gần đây đã phát hiện một kho thực phẩm đông lạnh gồm thủ lợn, móng lợn, chân gà, dê nguyên con và nhiều đùi lợn được muối kiểu Tây Ban Nha đang chờ dán nhãn mác mới để được bán ra thị trường dù đã hết hạn sử dụng từ 2 năm trước.
Sự thiếu ý thức của một bộ phận gian thương chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm gây nguy hiểm đến tính mạng của rất nhiều người vô tội khác.
“Vui” quá hóa nguy
Cuộc vui cuối năm nào mà chẳng có chút “hơi men”. Vậy nhưng việc uống rượu bia vô độ và không chọn lọc lại chính là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc ở mức nghiêm trọng.
Trong những tháng cuối năm, các bệnh viên thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc rượu methanol. Điểm đáng sợ của loại cồn này là nó sẽ không phát tác ngay lập tức mà từ từ “gặm nhấm” từng bộ phận của nạn nhân, đặc biệt là mắt, não và hệ thần kinh trung ương. Đến khi người ngộ độc có biểu hiện rõ ràng như mờ mắt, khó thở, lơ mơ, nói lắp, hôn mê…; thì tình trạng đã trở nặng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tích trữ quá nhiều thực phẩm
Cận Tết là khoảng thời gian người người nhà nhà đổ xô mua sắm và dự trữ đồ ăn. Tuy nhiên, đây lại là một thói quen “lợi ít, hại nhiều” vì thực phẩm để lâu tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sức khoẻ. Được biết, thực phẩm tươi sống hay đã qua chế biến khi để lâu ngày sẽ bị mất chất dinh dưỡng và nhiễm khuẩn cho dù được bảo quản trong tủ lạnh.
Bảo quản thực phẩm sai cách
Tiếp theo ý ở trên, khi tích trữ quá nhiều thực phẩm, việc bảo quản sẽ trở nên khó khăn hơn. Việc tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh có thể làm tủ lạnh quá tải, không thể lưu thông khí lạnh, gây nóng lên và làm cho các loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Chưa kể đến, trong dịp Tết, hầu hết các gia đình có thói quen chế biến thực phẩm trước rồi bỏ vào tủ lạnh để ăn dần. Tuy nhiên, đồ ăn chỉ nên hâm nóng một lần, nếu hâm nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Các loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm
-
Vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus): Đây là loại vi khuẩn thường có trong sữa hoặc thịt gia cầm chưa nấu chín và có thể dễ dàng lây lan qua đường không khí, đặc biệt là nước bọt, dịch khi hắt hơi hoặc vết thương hở của người bệnh. Chúng sẽ khởi phát thành ngộ độc sau khoảng 1 đến 6 tiếng sau khi ăn các loại thịt và rau đã chế biến sẵn, nước chấm, nước sốt.
-
Vi khuẩn Clostridium perfringens: Loại vi khuẩn này thường sẽ phát tác sau khoảng 8 đến 16 tiếng sau khi ăn các loại thịt, món hầm và nước thịt, các món ăn không giữ đủ nóng hoặc thức ăn được làm lạnh quá lâu. Bởi chúng thường trú ngụ trong ruột của động vật, trên thịt và gia cầm sống và cả trong ruột của người.
-
Vi khuẩn Escherichia coli (E. coli): Thường tạo nên độc tố ruột và khởi phát từ 10 đến 24 tiếng sau khi ăn thịt chưa nấu chín, các loại trái cây, rau quả tươi uống sữa không tiệt trùng và nước bị nhiễm khuẩn.
-
Clostridium botulinum: Hay còn được gọi là "vi khuẩn lạp xưởng độc" vốn có trong các loại thịt hộp, thực phẩm hút chân không (hải sản, xúc xích, rau củ,...), môi trường yếm khí tạo điều kiện cho vi khuẩn sản sinh độc tố. Chúng sẽ bắt đầu “hoành hành” sau khi ăn từ 12 đến 72 tiếng.
-
Vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy do lỵ trực trùng Shigella: Loại vi khuẩn này thường lây truyền từ những người chế biến thức ăn nhưng không vệ sinh tay đủ kĩ càng. Khuẩn Shigella có thể có khả năng gây ngộ độc từ 24 đến 48 tiếng sau khi ăn salad, sữa, thịt gà, các loại hải sản, sản phẩm sống và ăn liền.
Triệu chứng khi ngộ độc thực phẩm
Không chỉ dừng lại ở việc đau bụng và đi ngoài liên tục mà người bị ngộ độc còn rất nhiều biểu hiện khác mà có thể bạn không thể ngờ tới. Dưới đây là các biểu hiện cụ thể để đánh giá một người có bị ngộ độc thực phẩm hay không:
-
Buồn nôn và nôn
-
Đau bụng quằn quại
-
Đau đầu, có thể sốt hoặc không
-
Tiêu chảy nhiều lần
-
Vã mồ hôi liên tục
-
Mạch nhanh, thở nhanh
-
Đau cơ
-
Trường hợp nặng có thể khó thở, da tím tái, co giật, ngưng thở, hôn mê
Để tìm hiểu cụ thể hơn về từng biểu hiện trên, bạn có thể đọc ngay phần phân tích vô cùng chi tiết trong một bài viết trước đây của Prudential về 7 dấu hiệu ngộ độc thức ăn cần nhận biết sớm.
Cách phòng tránh ngộ độc hiệu quả
Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng
Khi mua sắm, luôn chọn những thực phẩm được đóng gói kĩ và có nhãn mác đầy đủ.
-
Đối với rau củ quả: chọn những loại tươi, không bị dập nát hoặc những đốm lạ.
-
Đối với thịt: tránh những loại thịt bị nhớt, có màu xanh hoặc thâm đen. Nên chọn những loại thịt có màu đỏ tươi, đỏ sẫm, vết cắt bình thường.
-
Đối với thực phẩm đã chế biến sẵn: nên chọn mua ở những địa điểm kinh doanh có uy tín, đóng gói kỹ lưỡng, có hạn sử dụng.
-
Đối với cá và các loại thuỷ hải sản: chọn những loại được bảo quản trong đá lạnh. Đối với cá thì thịt phải chắc, không bị nhớt và có mùi hôi. Nghêu sò ốc cua thì nên lựa những con còn sống. Tôm tép phải có vỏ sáng bóng và trơn láng. Đối với mực và bạch tuộc thì thịt phải trắng. Chung quy, khi lựa chọn hải sản, nên chọn các loại còn tươi, có màu sắc bình thường, và không có mùi hôi ươn.
-
Đối với đồ hộp: lựa hộp đóng gói không bị phồng, hở, hay méo mó do va đập. Lưu ý, nếu mở hộp thấy có mùi hôi hoặc mùi lạ thì không nên sử dụng.
Bảo quản thức ăn đúng cách
Đối với các thực phẩm dễ bị ôi thiu, bảo quản lạnh ở nhiệt độ 5 độ C và đông lạnh ở nhiệt độ âm 18 độ C. Tuy nhiên, phải lưu ý là tủ lạnh chỉ làm chậm sử phát triển của vi khuẩn nhưng không làm chúng chết đi. Chính vì thế, không để tủ lạnh quá lâu. Nếu trong thời gian rất dài mà không sử dụng, nên kiểm tra xem thực phẩm có bị ôi thiu không trước khi dùng.
Đối với đồ chế biến sẵn và đồ hộp, phải lưu ý đến hạn sử dụng. Nếu tiêu thụ thực phẩm sau thời hạn này, không những không ngon, không còn dinh dưỡng mà an toàn vệ sinh cũng đã bị mất đi.
Chế biến thức ăn an toàn
Một số lưu ý để áp dụng an toàn thực phẩm trong chế biến:
-
Luôn rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm.
-
Thường xuyên vệ sinh khu vực chế biến gọn gàng và sạch sẽ
-
Khăn lau bàn, lau bếp cũng nên được vệ sinh thường xuyên
-
Rửa thớt sau mỗi lần chế biến bằng nước nóng và xà phòng. Thớt chế biến thịt cá và thớt chế biến rau củ quả nên tách biệt
-
Không để lẫn thực phẩm chín và thực phẩm sống
-
Không để ruồi nhặng, chó mèo… tiếp xúc với thức ăn vì chúng thường chứa các vi trùng gây bệnh
-
Sử dụng nước sạch để chế biến đồ ăn
-
Rửa kỹ rau củ quả dưới vòi nước chảy
Ăn ngoài thật thông minh
Ăn ngoài thật sự không hề lý tưởng nếu bạn không muốn ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có những buổi liên hoan, gặp mặt mà bạn phải tham gia. Vì thế hãy nắm kỹ những lưu ý sau để không bị ngộ độc thực phẩm khi ăn ngoài.
-
Chọn hàng quán cẩn thận:
Điều mà bạn cần lưu tâm nhất để không xảy ra bất kỳ trường hợp ngộ độc đáng tiếc nào chính là chọn các hàng quán đạt chuẩn vệ sinh và an toàn. Với những nhà hàng cao cấp, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu được xem chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo an toàn thực phẩm của đầu bếp. Với những quán ăn bình dân, tối thiểu bạn cũng cần lựa chọn những nơi có không gian vệ sinh và dụng cụ sạch sẽ. Đặc biệt là bạn cũng nên tránh ăn ở những nơi có thức ăn bị bám bụi hoặc có nhiều ruồi do không được che đậy cẩn thận.
-
Đừng “ham của lạ”:
Khi ăn ngoài, bạn sẽ gặp rất nhiều món ăn lạ. Bạn cần cân nhắc trước khi ăn chúng, nhất là các loại hải sản lạ. Bởi hải sản thường mang tính hàn và chứa quá nhiều chất đạm nên dễ gây lạnh bụng, đau bụng. Bạn cũng nên tránh xa một số loại hải sản có độc tính như: sam biển, cá nóc, sao biển, bạch tuộc vòng xanh,...
Trong trường hợp bạn là một người “nghiện” và thường xuyên ăn hải sản thì nên kết hợp với một loại gia vị hoặc thực phẩm giúp làm ấm bụng như: tiêu, gừng, mù tạt,.. Bạn cũng có thể uống rượu với một lượng vừa đủ để giúp tiêu hóa tốt thay vì uống nước ngọt khi ăn hải sản.
-
Cẩn trọng khi uống rượu, bia:
Hầu hết các trường hợp ngộ độc rượu bia là do lạm dụng và uống những loại không đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì thế, bên cạnh việc kiểm soát liều lượng (không vượt quá 30ml/người/ngày), bạn cũng nên tránh những loại rượu bia sau:
- Không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, hoặc không có một tiêu chuẩn chất lượng được công bố.
- Làm tại nhà, đặc biệt là rượu ngâm với lá, rễ cây, phụ tạng động vật không rõ độc tính...
- Có nồng độ từ 30 độ trở lên.
- Có hàm lượng Methanol trên 0,1%.
Kết luận
Sự cẩn trọng và để tâm hơn trong việc ăn uống có thể giúp bạn phòng tránh rất nhiều nguy cơ ngộ độc trong mùa lễ hội cuối năm này. Vậy nên hãy chủ động bảo vệ hệ tiêu hóa nói riêng cũng như sức khỏe bản thân nói chung để ngộ độc không có cơ hội níu chân bạn khỏi khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm.