Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Giúp con đối diện với thay đổi sinh lý tuổi dậy thì

Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ ở vào lứa tuổi chín muồi giới tính và trưởng thành các hệ thống sinh học khác. Giai đoạn này, ở bản thân trẻ diễn ra sự cải tổ rất mạnh mẽ và sâu sắc về cơ thể, về sinh lí. Đây được xem là giai đoạn phát triển nhanh thứ hai, sau giai đoạn sơ sinh. Và trong giai đoạn này, sự trưởng thành về mặt sinh dục là yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển cơ thể.

Những biến đổi trong sự phát triển thể chất có ý nghĩa quan trọng đối với sự xuất hiện của những cấu tạo tâm lí mới. Chúng ta dễ dàng nhận ra các biểu hiện phức tạp trong cảm xúc của trẻ bởi những trạng thái cảm xúc tích cực và tiêu cực được thay thế nhau bộc lộ liên tục; tính cách, sở thích cũng có những bước chuyển rất mạnh mẽ khi các em đồng thời ý thức rất rõ và muốn khẳng định bản ngã của mình. Đây là thời kì diễn ra các biến động nhanh, mạnh, đột ngột, có những đảo lộn cơ bản về cả thể chất lẫn tâm lí. Do đó, dễ đẫn đến tình trạng mất cân đối nội tại ở trẻ, đồng thời cũng là thời kì chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong sự phát triển của các em.

Với tất cả những đặc điểm đó, quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong tuổi dậy thì cũng bắt đầu gặp phải những thách thức đáng kể. Con cái vô cùng cần những kinh nghiệm quý báu mà cha mẹ đã trải qua, nhưng đây là lứa tuổi thường xuyên diễn ra các mâu thuẫn, xung đột, khủng hoảng quan hệ giữa trẻ và người lớn - mà rõ nhất là với cha mẹ - từ đó, việc kết nối dễ dàng bị cản trở. Hậu quả là con cái thì tự xoay sở với những biến đổi đột ngột và mạnh mẽ của bản thân, còn cha mẹ thì cảm thấy lo âu vì khoảng cách giữa mình và con ngày càng lớn.

>>> Có thể bạn quan tâm: Con bạn có đang trở nên xa cách với gia đình không?

Vậy, đâu là cách thức để mối quan hệ con cái – cha mẹ vẫn diễn ra một cách ôn hòa, để cha mẹ thể hiện vai trò là bạn đồng hành, cùng con đối mặt với những chuyển biến sinh lý hết sức tự nhiên này?

Biết về thông tin của tuổi dậy thì ngay khi con… chưa dậy thì

Cha mẹ, đương nhiên đã có những trải nghiệm về tuổi dậy thì của chính mình. Nhưng, mỗi thời đại diễn biến của tuổi dậy thì là khác nhau. Bởi song song với sinh lý là những biến đổi tâm lý; cùng lúc với sự phát triển cá nhân là sự biến động của yếu tố lịch sử - xã hội. Vậy nên, những thông tin về cường độ phát triển, nhu cầu dinh dưỡng, chuẩn mực thẩm mỹ,… phải được cha mẹ liên tục cập nhật và cập nhật trước khi con bước vào tuổi dậy thì. Chính sự chuẩn bị này tạo nên một tâm thế sẵn sàng cho phụ huynh. Thực tế cho thấy, những hoang mang mà cha mẹ gặp phải khi con bắt đầu có những biểu hiện của sự chín muồi về giới tính (sinh lý lẫn tâm lý), cơ bản là do phụ huynh chậm trễ hoặc không có chủ đích chuẩn bị để “đón đầu sự phát triển của con”.

Đừng chuẩn bị một mình mà hãy chuẩn bị cùng con

Không bao giờ là quá sớm để nói chuyện cùng con về vấn đề giới tính. Vấn đề ở chỗ, con ở độ tuổi nào thì chúng ta nói về điều gì. Đừng để con rơi vào cảm giác bối rối, lúng túng với những biến đổi thuộc về cơ thể mình. Thậm chí, trẻ có thể cảm thấy mặc cảm, tự ti nếu chưa được trang bị các kỹ năng chăm sóc cơ thể cần thiết. Vì thế, không phải khi con có kì kinh nguyệt hay lần mộng tinh đầu tiên cha mẹ mới vội vàng xử lý. Dựa trên sự thay đổi của con hãy đảm bảo rằng con bạn biết về những điều mang tính cột mốc này khi nó chưa xảy ra và trẻ có được sự bình tĩnh khi “ngày trọng đại” ấy đến. Phương thức sẽ là sự trò chuyện cởi mở, bình tĩnh hoặc các quyển sách giáo dục giới tính mà bạn tặng cho con. Hoặc là, cùng nhau xem 1 bộ phim về giáo dục giới tính và bàn luận về nó cũng là một gợi ý đáng để bạn quan tâm.

>>> Bài viết có liên quan: Dạy con thời 4.0 - Hãy cùng con trưởng thành

Con cần phương tiện đúng

Trẻ sẽ đối diện với hàng loạt các biến đổi trên cơ thể khi vào tuổi dậy thì. Nếu thiếu sự giúp đỡ của người lớn, trẻ sẽ đặt niềm tin vào bạn cùng tuổi của mình, hoặc tìm đến công cụ tìm kiếm trên internet để giải quyết những vấn đề “nhan sắc”: mụn, mồ hôi dầu, mùi cơ thể, sự phát triển bất thường của các vùng kín, xử lý vệ sinh khi đến kì kinh nguyệt hoặc các lần xuất tinh. Thông tin tràn lan nhưng chưa đúng (từ bạn bè) hoặc chưa được kiểm chứng (từ internet) được trẻ áp dụng sẽ rất dễ dẫn đến những hậu quả về mặt sức khỏe cho trẻ.

Hãy mạnh dạn cùng con chọn nội y, các hóa mỹ phẩm phù hợp với da của trẻ, các sản phẩm vệ sinh và hướng dẫn cách thức sử dụng đúng. Điều này có thể được làm bằng rất nhiều cách. Nếu đủ cởi mở, cha mẹ hãy làm một cách trực tiếp; nếu còn e ngại, hãy sử dụng các công cụ trung gian để giao tiếp, hướng dẫn con: nhắn tin (facebook hoặc điện thoại), viết thư, mua vật dụng và gửi tặng như 1 món quà,…

Đừng chỉ làm cha mẹ - hãy làm bạn

Cần hiểu rằng, ở tuổi dậy thì, hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt động giao lưu bè bạn - tình bạn, giao tiếp với bạn ngang hàng chiếm ưu thế mạnh mẽ. Do đó, những tác động của người lớn dành cho trẻ cần phải hết sức khéo léo và tế nhị. Nhu cầu được tôn trọng, thừa nhận sự trưởng thành ở tuổi dậy thì rất cao, vì thế phụ huynh cần phải đặt trẻ ở một vị thế mới trong cách cư xử thì các tác động định hướng mới có thể dễ dàng được trẻ tiếp nhận.

>>> Đừng bỏ lỡ: Làm thế nào để trở thành bạn đồng hành thân thiết với con?

Lạc quan và bình tĩnh cho cả cha mẹ lẫn con cái

Bố mẹ cần hiểu rằng, giai đoạn dậy thì là một điều tất nhiên, phù hợp qui luật phát triển. Do đó, các thay đổi sinh lý lẫn tâm lý ở trẻ là những hiện tượng cần được chấp nhận. Vấn đề là ngưới lớn cần lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp để uốn nắn hành vi chứ không phải dập tắt thể hiện, phủ nhận hoặc né tránh các biểu hiện của trẻ. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, hệ thống thông tin truyền thông thì việc có được đầy đủ kiến thức về giai đoạn phát triển này của trẻ không phải là điều khó thực hiện đối với bố mẹ. Vì thế, hãy chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận một cách tích cực những biểu hiện đầu tiên của tuổi dậy thì từ mặt sinh học.

"Cha mẹ cần nhớ rằng: tuổi dậy thì là giai đoạn khó khăn trong quá trình phát triển cá nhân, đồng thời cũng là giai đoạn khó khăn trong công tác giáo dục. Việc tương tác với trẻ trong giai đoạn này đòi hỏi cha mẹ phải có sự quan tâm đặc biệt, sự hiểu biết, kiên nhẫn và tinh tế trong ứng xử. Đồng thời, cha mẹ đừng lo ngại việc mình làm có “vẽ đường cho hươu chạy” hay không, vì dù chẳng có đường thì “hươu” vẫn chạy, và đáng ngại là lúc đó “hươu” sẽ chạy bừa!"

Chuyên gia Giáo Dục

Thạc sĩ Tô Nhi A

>>> Xem thêm: