bệnh lý bàn chân, chăm sóc sức khỏe
Blog Nhịp Sống Khỏe

Mách nhỏ 5 bệnh lý bàn chân phổ biến và cách chữa trị

Bàn chân là nền tảng của cơ thể - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, được các chuyên gia ví là “trái tim thứ hai”. Quan trọng là thế, nhưng chúng ta thường ít khi lưu tâm chăm sóc, bảo vệ bàn chân như các bộ phận khác. Bài viết sau đây sẽ mang đến cho bạn thông tin tổng quan về một số bệnh lý bàn chân phổ biến có nguy cơ phát sinh do lối sống hàng ngày giúp bạn chủ động phòng tránh hoặc phát hiện, điều trị kịp thời.

Hội chứng bàn chân bẹt

Bàn chân bình thường sẽ có vòm cong, giúp cân bằng, chịu lực, giảm phản lực từ mặt đất dội ngược lại, nhờ đó chúng ta di chuyển nhẹ nhàng, vận động linh hoạt. Bàn chân bẹt (Flatfeet) là tình trạng vòm bàn chân không cong mà phẳng lì, toàn bộ gan bàn chân chạm đất.

Khi sinh ra, trẻ sẽ có bàn chân bẹt trong khoảng 2 năm đầu đời. Từ 2 – 3 tuổi trở đi, vòm bàn chân dần hình thành với hệ thống dây chằng giúp cố định xương bàn chân, định hình vòm cong bàn chân. Do một số nguyên nhân, trẻ có thể lớn lên với hội chứng bàn chân bẹt: di truyền, bệnh lý cơ – xương – khớp, thói quen đi chân đất, mang giày dép có đế lót bằng phẳng từ khi còn bé. Bàn chân bẹt ảnh ảnh hưởng đến khả năng vận động, dễ bị mất thăng bằng, chấn thương; gây biến dạng bàn chân, xương khớp; làm lệch trục cột sống... từ đó dẫn đến nhiều bệnh lý về xương xương – khớp. Cha mẹ cần lưu ý để phát hiện sớm hội chứng bàn chân bẹt ở con trẻ để kịp thời chỉnh hình tạo vòm, phục hồi chức năng cho bàn chân.

Hội chứng bàn chân bẹt cũng có thể phát sinh ở người trưởng thành. Chấn thương, dây chằng lỏng lẻo, cong vẹo cột sống, chênh lệch chiều dài hai chân, bệnh lý khớp mạn tính, các bệnh lý liên quan đến thần kinh, béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, lớn tuổi, mang thai, phụ nữ thường xuyên mang giày cao gót khiến vòm bàn chân yếu đi… là những yếu tố làm tăng nguy cơ bàn chân bẹt.

Chai chân

Chai chân (Calluses) là hiện tượng vùng da chân dày lên, có màu vàng, cứng và thô ráp. Chúng ta thường ít khi để ý đến chai chân cho tới khi cục chai to dày lên gây đau khi đi lại. Một số người có thể không vui khi thấy vết chai xuất hiện vì làm mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu vết chai hình thành thì đó là lúc bạn cần cân nhắc đổi giày thay dép. Bởi có một điều thú vị rằng, vết chai là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm bảo vệ da không bị tổn thương, phồng rộp khi chịu ma sát và áp lực tì đè. Mang giày dép quá chật hoặc có đế quá cứng khiến bàn chân cọ xát với mặt trong của giày là nguyên nhân phổ biến dẫn đến chai chân. Các yếu tố nguy cơ khác là: đi chân trần, không mang vớ, hoạt động thể dục thể thao hoặc nghề nghiệp tạo nhiều áp lực lên bàn chân.

Chai chân sẽ không tiến triển thêm và dần biến mất khi ngưng ma sát hoặc giảm áp lực. Chúng ta có thể thể tự xử lý chai chân tại nhà bằng cách ngâm vùng chai chân trong nước ấm, sau đó thoa lotion dưỡng ẩm có chứa glycolic acid, lactic acid, urea… giúp làm mềm, dần thu nhỏ cục chai. Nếu chai chân không biến mất, hoặc gây đau nhiều thì nên đến bác sĩ, đi bệnh viện để được điều trị.

Viêm cân gan chân

Viêm cân gan bàn chân (Plantar Fasciitis) là bệnh lý gây đau ở gan bàn chân, thường ở vị trí gót chân. Cơn đau thường nặng nề nhất lúc đi những bước đầu tiên sau khi ra khỏi giường hoặc khi di chuyển sau một quãng thời gian ngồi yên, đứng hoài một chỗ.

Cân gan bàn chân là một dải cơ gân nằm dọc theo gan bàn chân, giúp giữ vững vòm bàn chân và đóng vai trò như bộ phận giảm xóc cho cơ thể khi ta di chuyển, vận động. Ta có thể hình dung khung xương vòm bàn chân giống như cánh cung và cân gan bàn chân là dây cung, kéo căng từ xương gót đến xương bàn ngón chân. Trong khi đó, áp lực mà bàn chân gánh vác tương đương 120% trọng lượng cơ thể. Khi phải chịu áp lực lớn và liên tục, cân gan bàn chân xuất hiện các vết rách nhỏ. Góp gió thành bão, tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dần sẽ gây viêm.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm: độ tuổi (trung niên); thừa cân - béo phì; nghề nghiệp có đặc trưng phải đứng lâu hoặc đi lại nhiều; hoạt động thể dục thể thao tạo áp lực liên tục lên gan bàn chân như đi bộ, chạy bộ đường dài, nhảy…; người có bàn chân bẹt…

Mát-xa, kéo giãn bắp chân, bàn chân có thể làm dịu cơn đau và tình trạng viêm. Nếu giày dép đang mang có đế quá cứng hoặc lót giày không phù hợp, việc đổi giày, thay miếng lót có thể phần nào giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng không thuyên giảm, nên khám chữa và điều trị kịp thời, đúng cách để tránh bệnh trở thành mãn tính, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc phát sinh thêm các bệnh lý khác.

Viêm gân Achilles

Gân Achilles hay còn gọi là gân gót chân, được đặt theo tên nhân vật anh hùng Achilles trong thần thoại Hy Lạp. Điểm yếu của anh hùng Achilles là ở gót chân, và chúng ta cũng như thế: không có gân Achilles thì chức năng di chuyển của đôi chân cũng mất, cơ thể trở nên bất động. Gân Achilles nối xương gót với cơ phía sau của bắp chân, giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện hoạt động đi lại, nhún nhảy, giúp cơ thể đứng được trên đầu mũi chân. Tổn thương ở gân này ít nhiều đều ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Viêm gân Achilles là tình trạng đau ở vùng phía sau gót chân, thường gặp khi tập thể dục, chơi thể thao hoặc mang giày cao gót trong thời gian dài. Sự quá tải về áp lực, trọng lực khi vận động liên tục, cường độ cao, tăng tốc hoặc di chuyển đột ngột khiến gân dễ bị tổn thương. Tuổi tác là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm gân Achilles, do collagen là thành phần cấu tạo nên sợi gân, mà lượng collagen thì giảm dần theo độ tuổi. Ở thể nhẹ, chúng ta có thể tự điều trị viêm gân Achilles tại nhà bằng cách tạm ngưng tập luyện, hạn chế di chuyển, chườm đá. Không nên xem nhẹ việc điều trị viêm gân Achilles, bởi tình trạng viêm kéo dài, hoặc lặp đi lặp lại có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như đứt gân, xơ gân. Khởi động đúng cách và kỹ lưỡng; mang giày phù hợp với loại hình thể dục thể thao; lắng nghe cơ thể để giảm cường độ vận động hoặc tập luyện ngay khi chớm xuất hiện cảm giác khó chịu ở vùng gót, bắp chân sau; hạn chế đi giày cao gót suốt ngày dài… là vài lưu ý giúp phòng ngừa viêm gân Achilles.

Biến dạng ngón chân

Biến dạng ngón chân cái (Bunions) và biến dạng ngón chân hình búa (Hammertoe) là hai bệnh lý phổ biến về biến dạng bàn chân.

Biến dạng ngón chân cái là tình trạng mà ta có thể nhận thấy khối xương cứng nhô ra ở khớp ngón chân cái, hình thành do ngón chân cái bị kéo lệch về phía các ngón còn lại thay vì đứng thẳng khiến xương đốt ngón chân nghiêng gập tạo thành góc. Vài triệu chứng điển hình của biến dạng ngón chân cái là sưng đỏ và đau ở vùng khớp biến dạng do viêm; da ở chỗ giao nhau của ngón chân cái và ngón chân trỏ có cục chai do cọ sát vào nhau; hạn chế vận động ở ngón chân cái; đau nhức bàn chân dai dẳng hoặc gián đoạn.

Biến dạng ngón chân hình búa là tình trạng đốt ngón chân uốn cong thay vì duỗi thẳng như bình thường, xảy ra do sự mất cân bằng của hệ thống cơ bắp ở ngón chân ấy. Ngón chân nào cũng có thể bị biến dạng hình búa, nhưng thường gặp nhất là ở ngón chân trỏ và ngón chân giữa. Ngón chân cong gập xuống; vết phồng rộp, chai sần do cọ sát và chịu áp lực; cảm thấy khó khăn và khó chịu khi đi bộ; không thể ngọ nguậy ngón chân hoặc cong bàn chân.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của biến dạng ngón chân cái và biến dạng ngón chân hình búa là di truyền, dị dạng bẩm sinh, chấn thương, giày dép có kích cỡ quá chật, quá ngắn, mũi giày quá hẹp hoặc quá nhọn, thường xuyên mang giày cao gót – kiểu giày tạo nhiều áp lực lên các ngón chân.

Theo các chuyên gia, giày dép phù hợp với bàn chân và hoàn cảnh, hoạt động là yếu tố quan trọng trong việc giảm nguy cơ cũng như mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Chúng ta có thể gặp bác sĩ để được chỉnh hình và điều trị nếu tình trạng biến dạng gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến khả năng vận động, sức khoẻ, chất lượng cuộc sống, hoặc vì tính thẩm mỹ.

Prudential hi vọng rằng, những thông tin hữu ích trên đây có thể giúp bạn hiểu đôi chân mình và chăm sóc “trái tim thứ hai” tốt hơn, để trụ đỡ của cơ thể luôn vững chãi, mạnh khoẻ. Từ đó, góp phần tạo nền tảng sức khoẻ thể chất để vững bước và bật cao, đi xa trong năm mới, trên chặng đường sắp tới.