Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Trao quyền hợp lý khi con ở tuổi nổi loạn

Khi trẻ ở những năm tháng thiếu niên là khoảng thời gian chất chồng khó khăn cho cả trẻ và chính bạn. Tuổi dậy thì được xem như một cánh cửa, bước qua được thời gian này cũng đồng nghĩa với việc trẻ chuyển dịch sang một độ tuổi khác, trưởng thành hơn, đĩnh đạc hơn. Nhưng để đặt chân sang cột mốc mới trong tiến trình phát triển, trẻ phải xử lý rất nhiều những vấn đề tâm sinh lý của mình. Tuổi dậy thì, vì thế luôn là câu chuyện cũ chưa bao giờ nhàm chán.

Một trong những nguyên nhân tạo nên khủng hoảng tuổi dậy thì là “nguyện vọng độc lập” của trẻ xuất hiện ở cường độ cao và phóng chiếu bằng hành vi muốn thoát ly khỏi sự ảnh hưởng của người lớn – cụ thể là bố mẹ. Đối mặt với vấn đề này, bố mẹ thường rơi vào 2 khuynh hướng trái ngược nhau: hoặc là cấm đoán hoặc là mặc kệ.

Nếu là cấm đoán, sự kháng cự ở trẻ có thể sẽ tạo nên những rạn nứt trong mối quan hệ bố mẹ và con cái bằng hành vi nổi loạn của mình; trong khi đó, việc mặc kệ những gì trẻ muốn làm sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng vì vốn dĩ trẻ vẫn còn rất hạn chế về vốn sống, kinh nghiệm và chưa có đủ nội lực để tự mình đưa ra những quyết định sáng suốt cho các vấn đề trong cuộc sống của bản thân.

Vậy, những điều bạn cần lưu tâm trước nguyện vọng độc lập của trẻ ở tuổi dậy thì sẽ là gì?

1. Chuẩn bị cho việc trao quyền

Hãy nghĩ đến việc trao quyền cho trẻ ngay từ khi cuộc chiến chưa diễn ra. Bạn cần nhìn nhận tuổi dậy thì là điều đương nhiên phải có trong quá trình lớn lên của trẻ. Cho nên trẻ cần được rèn luyện khả năng độc lập ngay từ những độ tuổi trước đó bằng những nhiệm vụ vừa sức. Và bạn, phải chủ động thể hiện cho trẻ thấy rằng, việc trẻ được tự do thực hiện các nhiệm vụ của mình là điều bạn luôn khuyến khích và ủng hộ. Chẳng hạn, ngay khi còn nhỏ, trẻ đã có thể được tự quyết về việc học môn năng khiếu nào, tự sắp xếp kế hoạch ngày cuối tuần ra sao, tự chuẩn bị sách vở và dụng cụ học tập cho mùa tựu trường, chủ động đưa ra quyết định mời ai đến dự buổi tiệc sinh nhật của mình,… Tất cả những điều này có giá trị rất lớn trong việc định hình phong cách cho trẻ và tạo nên những nền tảng vững chắc cho việc trao quyền ở tuổi dậy thì – bạn thì đã chủ động, và trẻ, đã thiết lập được “cơ chế” hành động độc lập.

2. Trao đổi thường xuyên với trẻ về “cách của con”

Đây được xem như sự thăm dò để bạn nhận ra giới hạn vừa sức ở trẻ. Đồng thời, chính việc được tôn trọng ý kiến giúp trẻ nhận ra mình “không cần nổi loạn” nữa. Trước mọi diễn biến của cuộc sống, thay vì quyết định cho trẻ hoặc bắt buộc “con hủy việc đi cắm trại đi, ở đó không an toàn!”, “con thôi chuyện tham gia các phong trào ở trường đi nhé, lo mà học các môn chính khóa kìa!”, “con phải về thăm ông bà, dẹp mấy buổi offline fanclub gì đó của cậu ca sĩ đó đi!”, “con không cần đi sắm quần áo đâu, để đó mẹ chọn cho”,…hãy để trẻ tự đưa ra giải pháp của mình. Thỉnh thoảng, có thể những quyết định của bạn là phù hợp, nhưng quan trọng hơn cả chuyện đúng – sai là cảm nhận của trẻ về vị thế của bản thân mình. Hãy dành cho trẻ câu hỏi: “Theo con, thì bây giờ làm sao?” hơn là việc ép buộc trẻ hành động theo kịch bản có sẵn mà bạn là tác giả. Khi trẻ đón nhận câu hỏi của bạn, trẻ sẽ tự đưa ra cách hành xử của mình. Việc được trình bày ý kiến giúp trẻ cảm thấy giải phóng khỏi vị thế “bị ép buộc”, đồng thời, thông qua giải pháp mà trẻ chọn lựa, bạn sẽ hiểu được trẻ đã có thể tự lập ở mức độ nào.

>>> Đừng bỏ lỡ: Vì sao cha mẹ cũng cần phải tôn trọng con cái?

3. Cùng trẻ thiết lập giới hạn cho sự độc lập

Điều này được thực hiện như một cuộc đàm phán thực sự. Có thể, kết quả là trẻ vẫn “trắng tay” trong việc được tự quyết một số vấn đề, nhưng phản ứng của trẻ sẽ giảm thiểu tiêu cực một cách tối đa. Thay vì chống đối khi bị áp đặt một cách vô cớ, trẻ hiểu rằng mình cần chứng minh bằng những kết quả hoạt động lành mạnh để “giành quyền kiểm soát” ở những lần đàm phán tiếp theo. Và bạn, cũng hãy chủ động nói với trẻ điều này để trẻ nỗ lực thực hiện hành vi đúng đắn. Cuộc đàm phán sẽ xoay quanh các nội dung “Con có thể tự làm điều gì?...”, “Mẹ nghĩ những chuyện này con nên tự giải quyết nữa này…”, “Bố thấy những điều này con vẫn phải xin phép bố mẹ này, bởi vì…”, “Nếu con làm được… thì sau này bố mẹ sẽ để con tự quyết định chuyện…”. Với thái độ thiện chí và tôn trọng mà bạn dành cho trẻ, chắc chắn điều bạn nhận được chính là sự hợp tác và nỗ lực trưởng thành của con mình.

4. Để trẻ “được phạm sai lầm”

“Thất bại là mẹ thành công”, hãy để trẻ lớn lên từ vấp váp. Diều nhờ ngược gió nên bay cao, bản lĩnh con người muốn tôi rèn phải có nghịch cảnh. Trong một số sự việc, nếu trẻ quá thiết tha – mặc dù bạn nhận ra trẻ chưa đủ năng lực để hoàn thành – hãy cứ để trẻ được tự giải quyết. Nếu trẻ thành công, chúng ta có thêm niềm vui vì con khôn lớn; nếu trẻ thất bại, trẻ sẽ cảm nhận được sâu sắc giới hạn của bản thân mà mình cần phải bứt phá. Để điều này diễn ra, bạn không còn cần dùng “vai bố mẹ” để áp đặt trẻ phải nghe mình; còn trẻ, tự nhận ra rằng, mình chưa được trao quyền là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, khi bạn để trẻ phạm sai lầm cũng đồng nghĩa với việc bạn phải tôn trọng thất bại của trẻ. Những lời chế nhạo, đay nghiến là điều cấm kỵ vì có thể gieo rắc ở trẻ sự căm giận hoặc buông bỏ bản thân. Đã quyết định cho trẻ vấp váp thì bạn phải hình dung trước tầm cao của chướng ngại vật ở mức độ nào và sẵn sàng tâm thế để làm chỗ dựa cho con “hồi sức”.

5. Cung cấp những giá trị cốt lõi thay vì “con phải làm thế này”

Những chỉ dẫn chi tiết bạn dành cho trẻ về từng tình huống của cuộc sống là cần thiết. Tuy nhiên, hiện thực luôn diễn ra với muôn hình vạn trạng. Trẻ cần nhiều hơn những điều được xem là “công thức hành xử”. Hơn nữa, mỗi trẻ sẽ lớn lên theo cách của mình, với đặc trưng tâm lý của mình, việc phải làm “giống con nhà người ta” là điều không thể có. Hãy nói với trẻ về giá trị bản thân chứ không chỉ “con hát hay, con giỏi môn Vật Lý”; cho trẻ hiểu về sức mạnh yêu thương chứ không dừng lại “con nên quyên góp quần áo cũ cho chương trình từ thiện”; ươm mầm sự hợp tác cho trẻ song song với nhắc nhở “con nên lắng nghe bạn nói”; khuyến khích con độc lập chứ không đơn thuần là giao việc một cách riêng lẻ, chi tiết – nên là “con dự định sẽ chọn nhóm trường nào sau khi tốt nghiệp cấp 2” chứ không cụ thể “con phải được 8 điểm môn Văn, Toán,…”.

Đừng quá lo lắng việc trao quyền sẽ làm trẻ trở nên khó quản. Bạn cần nhớ: bố mẹ không phải là lập trình viên và con cái không phải là máy móc để nhận lệnh hoạt động – Làm bố mẹ, thực chất, là cùng con khôn lớn!

Chuyên gia Giáo dục

Thạc sĩ Tô Nhi A

>>> Xem thêm: