chăm sóc con, nuôi dạy con, con bị ốm, prudential
Blog Nhịp Sống Khỏe

Bình tĩnh xử lý 3 nhóm bệnh “quen mặt” với trẻ nhỏ

Trong những năm đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn kém. Đặc biệt vào thời điểm giao mùa là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh mẽ. Đây là nguyên nhân khiến trẻ em có nguy cơ cao mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, sốt cao co giật. Trong bài viết dưới đây, Prudential sẽ cùng cha mẹ tìm hiểu về các bệnh lý phổ biến kể trên và cách điều trị, chăm sóc cho bé.

Bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy ở trẻ là hiện tượng đi ngoài phân lỏng nước hơn 3 lần/ngày, phân mùi hôi tanh, đi kèm các triệu chứng mệt mỏi, quấy khóc nhiều, buồn nôn... Bé bị tiêu chảy kéo dài 7-14 ngày được hiểu là bệnh lý nghiêm trọng hơn, gọi là tiêu chảy cấp.

Tiêu chảy ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn nhiễm trùng tại ruột do vi-rút Rota, vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn E.Coli; tiêu chảy do sử dụng kháng sinh, nhuận tràng; tiêu chảy do dị ứng thức ăn, ô nhiễm nguồn nước, nhiễm kim loại nặng, thiếu vitamin; hoặc do quá trình chuyển đổi từ sữa mẹ sang sữa công thức, do thực phẩm ăn dặm không đảm bảo khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa...

Bù nước và điện giải là điều đầu tiên cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc cho trẻ bị tiêu chảy. 1 gói nước điện giải Oresol cần được pha với lượng nước theo hướng dẫn sử dụng và chia nhỏ cho trẻ uống nhiều lần trong ngày. Ngay cả sau khi các triệu chứng tiêu chảy dần biến mất, cha mẹ vẫn nên bổ sung men vi sinh với lợi khuẩn để giúp tái tạo hệ vi sinh đường ruột của bé. Trong trường hợp trẻ có một trong các triệu chứng tiêu chảy kéo dài, chảy máu, sốt cao li bì,... cha mẹ cần lập tức đưa con đến cơ sở y tế gần nhất. Cha mẹ tuyệt đối không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh các hậu quả đáng tiếc.

Các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn hô hấp

Nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt vào thời điểm giao mùa. Viêm đường hô hấp trên tại vùng tai - mũi - họng thường do vi-rút gây ra, nếu chăm sóc tốt đa số trẻ sẽ tự khỏi. Viêm đường hô hấp dưới bao gồm viêm tiểu phế quản, viêm phổi phức tạp hơn, trong đó viêm phổi là nguy hiểm nhất. Trong một số trường hợp, nhiễm khuẩn hô hấp có thể đi kèm với triệu chứng sốt nhẹ (trên 37 độ - 38 độ) đến sốt cao (39 - 40 độ) ở trẻ.

Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng của nhiễm khuẩn hô hấp như ho, đau họng, hắt hơi, chảy nước mũi, thở khò khè, cha mẹ nên áp dụng ngay phương pháp xử lý an toàn tại nhà như cho bé uống siro ho, vệ sinh mũi, miệng bằng nước muối sinh lý 0,9%. Cha mẹ cần lưu ý, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên không chỉ hỗ trợ điều trị mà còn giúp phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ. Khi con ốm, các bậc phụ huynh nên tích cực cho bé uống nhiều nước, bổ sung rau-củ-quả chứa nhiều chất xơ và vitamin C để nâng cao sức đề kháng. Trong trường hợp bé bị sốt nhẹ, cha mẹ có thể dùng khăn ẩm chườm mát các vùng trán, nách, bẹn để hạ thân nhiệt của trẻ. 

Ho kéo dài, thở nhanh, khó thở, bú kém, không uống được, đùn bọt mép, mệt mỏi hơn, co rút lõm lồng ngực là những biểu hiện trầm trọng hơn của viêm phổi, có thể biến chứng rất nguy hiểm. Khi đó cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp, không tự ý dùng thuốc để tránh các tác dụng phụ.

Sốt cao, co giật

Khoảng 2 – 4% các bé trong độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi từng đối mặt với tình trạng sốt cao co giật. Co giật do sốt phổ biến nhất với các bé ở độ tuổi 12 - 18 tháng. Các cơn co giật do sốt thường xảy ra khi thân nhiệt của trẻ sốt cao hơn 38,8 độ C. Nhưng đôi khi, sốt cao co giật cũng có thể xảy ra ở nhiệt độ thấp hơn.

Khi sốt cao co giật, trẻ có thể bị mất ý thức ở chân, tay, miệng, các cơ siết chặt, nhịp thở rối loạn và co giật toàn thân trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị nôn ói, sùi bọt mép, đồng tử lộn lên trên làm mắt trắng dã. Để bình tĩnh tìm cách xử lý trong các trường hợp trên, cha mẹ cần hiểu rõ 2 dạng của co giật do sốt cao phân theo cấp độ biểu hiện bệnh lý.

Với dạng thứ nhất, co giật do sốt đơn thuần biểu hiện thành các cơn giật toàn cơ thể, chỉ có 1 cơn giật trong 24 giờ và trong 1 lần bệnh. Các cơn co giật lành tính thường chỉ kéo dài dưới 5 phút. Còn nếu trẻ bị co giật trên 5 phút, cha mẹ cũng nên đưa con đến cơ sở y tế để theo dõi.

Với co giật do sốt đơn thuần, cha mẹ có thể chủ động chăm sóc tại nhà bằng cách đặt bé nằm nghiêng để đờm dãi chảy ra ngoài, đường thở được thông. Cha mẹ chú ý thường xuyên hút dịch ở mũi, đờm ở họng, tránh tràn ngược vào phổi gây cản trở hô hấp. Tiếp theo, vẫn giữ nguyên tư thế nằm nghiêng, cha mẹ nới rộng quần áo cho bé. Cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt có chứa Paracetamol – thành phần an toàn được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo an toàn với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Cha mẹ cũng không nên quá hoảng loạn, đặt đồ vật hay tay vào miệng trẻ vì sợ con cắn lưỡi. Về nguyên lý, khi co giật, toàn bộ cơ của trẻ bị cứng, lưỡi tụt vào trong nên không thể xảy ra tình trạng cắn lưỡi.

Với dạng thứ hai, co giật do sốt phức tạp biểu hiện thành các cơn giật cục bộ kéo dài trên 15 phút; có ≥ 2 cơn giật trong 24 giờ. Trong trường hợp này, bé cần được bác sĩ chẩn đoán ngay lập tức để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Các trận ốm, bệnh là một phần không thể tránh khỏi trên hành trình bé phát triển. Khi chủ động nắm vững kiến thức kể trên, cha mẹ có thể thêm phần tự tin và linh hoạt hơn khi xử lý các bệnh mà bé thường gặp mỗi khi “trái gió trở trời”.