Đừng chủ quan với u nang tuyến giáp
Blog Nhịp Sống Khỏe

Đừng chủ quan với u nang tuyến giáp

Theo một số  thống kê chưa đầy đủ tính đến năm 2018, đã có trên 4,6 triệu người Việt mắc u nhân tuyến giáp, trong đó, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới. Con số trên đã phần nào chứng minh được thực trạng đáng báo động của căn bệnh này. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này để có cách chữa trị hiệu quả nhất.

 

Hiểu kỹ càng về u nang tuyến giáp

Tuyến giáp là gì?

Đây là một bộ phận rất nhỏ có hình dạng giống con bướm nằm ở vị trí trước cổ, ngay phía trên khí quản và là tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể. Tuyến giáp là bộ phận bài tiết, dự trữ và giải phóng các hormone có vai trò giúp cơ thể có thể duy trì trạng thái bình thường mỗi ngày (điển hình là hai hormon thyroxine và tri-iodo-thyronin). Chính vì vậy, chỉ cần tuyến giáp có dấu hiệu “mệt mỏi” thì ngay lập tức người bệnh sẽ trở nên rã rời cả về thể chất lẫn tinh thần.

 

U nang tuyến giáp là gì?

U nang tuyến giáp hay bướu giáp nhân là những khối u (bướu) chỉ chứa dịch hoặc có cả những trường hợp có chứa cả dịch và mô đặc. Những khối u trung bình lớn khoảng 2-3mm, tuy nhiên một số trường hợp có thể lên đến vài cm và khiến phần cổ của người bệnh sưng to.

Có hai loại u nang tuyến giáp là lành tính hoặc ác tính. Hầu hết các khối u tuyến giáp là lành tính, chỉ có 2% - 5% là ác tính (ung thư tuyến giáp).

  • Trường hợp lành tính: Nếu nang tuyến giáp có độ lớn nhỏ hơn hoặc bằng 3mm, chỉ chứa dịch thì phần lớn là các khối u lành tính, không ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh cũng như không gây ra các triệu chứng bất thường cho đến khi khối u phát triển lớn hơn và gây ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh. Chính vì vậy, u nang tuyến giáp thường chỉ được “vô tình” phát hiện ra khi người bệnh đi khám sức khoẻ định kỳ.

  • Trường hợp ác tính: Đối với u nang lớn hơn 3mm và có chứa cả dịch lẫn mô đặc thì sẽ rất dễ phát triển thành khối u ung thư. Như các loại ung thư khác, u tuyến giáp ác tính có nhiều thể khác nhau. Thể nhú là thể phổ biến nhất, có tiên lượng tốt, có thể chữa khỏi hoàn toàn. Những thể khác (thể nang, thể tủy, thể không biệt hóa,…) có khả năng di căn đến những cơ quan khác nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 10%.

 

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân chính gây bệnh u nang tuyến giáp là do cơ thể của người bệnh bị suy giảm chức năng hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch bị rối loạn, các tế bào đã già hoặc bị hư tổn không bị tiêu diệt, dẫn đến mất cân bằng giữa quá trình sinh ra và quá trình chết đi của tế bào. Hệ quả là gây tăng sinh tế bào bất thường, hình thành nên các khối u, trong đó có u nang tuyến giáp. Ngoài nguyên nhân chính này thì còn rất nhiều những nguyên nhân khác như:

  • Yếu tố di truyền: Nếu bố, mẹ hoặc anh chị em ruột của một người đã từng bị căn bệnh này hoặc một số loại bệnh khác về rối loạn nội tiết tố thì tỷ lệ người đó mắc u nang tuyến giáp cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với người bình thường.

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi vốn có hệ miễn dịch yếu hơn nên nếu không thường xuyên ăn uống bồi bổ và có chế độ sinh hoạt phù hợp thì các khối u tuyến giáp sẽ rất dễ hình thành và có nguy cơ trở thành những khối u ác tính.

  • Giới tính: Các báo cáo đều cho thấy tỷ lệ nữ mắc bệnh u nang tuyến giáp thường cao hơn nam. Bác sĩ Vũ Thị Tư Hằng – Giám đốc bệnh viện Bình Dân Đà Nẵng đã giải thích về hiện tượng này như sau: “Phụ nữ phải trải qua rất nhiều sự thay đổi nội tiết tố ở các thời kỳ và giai đoạn khác nhau như: trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau khi sinh và thời kỳ mãn kinh. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp.”

  • Tiếp xúc với bức xạ: Việc phải tiếp xúc quá thường xuyên và trực tiếp với các tia phóng xạ sẽ có thể làm biến đổi gen trong cơ thể. Từ đó dễ dẫn đến tình trạng hình thành những khối u, trong đó có u nang tuyến giáp.

  • Chế độ ăn thiếu hoặc thừa I-ốt: theo chuyên gia khuyến cáo, mỗi người chỉ nên ăn khoảng 150mg I-ốt/ngày. Thiếu I-ốt có thể gây bệnh suy giáp. Ngược lại, thừa I-ốt dẫn đến tăng chức năng tuyến giáp và gây ra bệnh cường giáp.

 

Biểu hiện của bệnh

Một vấn đề lớn khiến nhiều người không thể nhận ra được u nang tuyến giáp từ sớm đó là do bệnh không có các biểu hiện rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh thông thường như: cảm, đau họng,... Chính vì vậy, khi thấy một số biểu hiện sau lặp đi lặp lại thì bạn nên đi xét nghiệm u nang tuyến giáp càng sớm càng tốt:

 

  • Cổ sưng , nổi hạch, hay có khối u lớn bất thường ở cổ.

  • Đau cơ khớp, viêm cánh tay, hay có dấu hiệu cứng khớp và khó phối hợp các chi.

  • Dễ gặp các bệnh về đường tiêu hóa như táo bón, đau bụng tiêu chảy.

  • Tóc có hấu hiệu giòn, gãy rụng nhiều, da trở nên khô và bong tróc.

  • Huyết áp và lượng cholesterol thay đổi bất thường.

  • Giảm ham muốn ở nam và nữ.

  • Nữ giới xảy ra hiện tượng kinh nguyệt không đều, có nguy cơ vô sinh.

 

Đặc biệt , với u nang tuyến giáp ác tính, người bệnh sẽ có những triệu chứng như:

  • Đau họng, khàn tiếng và ho mạn kéo dài liên tục làm ảnh hưởng đến giao tiếp, sinh hoạt và công việc hàng ngày.

  • Có cảm giác khó nuốt và việc ăn uống gặp nhiều khó khăn do khối u chèn ép vào thực quản.

  • Thường xuyên thấy hụt hơi và khó thở dù không làm việc gì nặng nhọc.

 

Làm thế nào để ngăn ngừa và điều trị hoàn toàn u nang tuyến giáp?

Phát hiện kịp thời 

Để sớm phát hiện ra bệnh, bạn nên khám sức khỏe định kỳ hoặc siêu âm định kỳ đều đặn, đặc biệt nếu nhận thấy bản thân có các dấu hiệu đã được đề cập phía trên. Phát hiện càng sớm bao nhiêu sẽ càng giúp ích cho việc điều trị triệt để bấy nhiêu.

Lưu ý, u nang tuyến giáp chỉ có thể được chẩn đoán chính xác bằng phương pháp khám lâm sàng, xét nghiệm chức năng, siêu âm hoặc chọc hút tế bào để khẳng định tính chất lành tính hay ác tính của khối u tùy theo yêu cầu của bác sĩ.

Chọn cách chữa trị phù hợp

Cách chữa trị sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng nhân giáp - nang giáp của bạn. Trong trường hợp nang giáp lành tính và không phát triển quá mạnh thì bạn sẽ không cần phẫu thuật mà chỉ cần siêu âm định kỳ và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tình trạng của nó. Trong khoảng thời gian đầu thì bạn nên duy trì việc siêu âm từ 12-24 tháng/lần và sau đó giãn dần thời gian lên từ 2-5 năm/lần. Tuy nhiên, nếu bạn phát hiện nhân tuyến giáp có dấu hiệu bất thường thì cần phải lập tức tiến hành tầm soát thật kỹ lưỡng.

Tầm soát ung thư tuyến giáp (nhân giáp ác tính)

Để kết luận chính xác tình trạng u nang của bạn có phải là u ác tính hay không thì bạn cần tiến hành tầm soát ung thư tuyến giáp bằng một số cách phổ biến như: Thực hiện các xét nghiệm hormone tuyến giáp như TSH, FT3, FT4,..; Siêu âm tuyến giáp; Xạ hình tuyến giáp hoặc sinh thiết bằng kim. Nếu bạn có chẩn đoán tế bào học là u ác tính thì sẽ được khuyến nghị phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Phòng bệnh hơn trị bệnh
Bên cạnh những phương thức điều trị ở trên, bạn hoàn toàn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp bằng các biện pháp vô cùng đơn giản trong lối sinh hoạt hàng ngày. Lưu ý lớn nhất là bạn cần phải loại bỏ hoàn toàn thuốc lá ra khỏi cuộc sống của mình, kể cả tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Bên cạnh đó, bạn cần bổ sung nhiều rau xanh, uống nhiều nước và tập thể dục mỗi ngày để giúp điều hòa hệ bài tiết và ngăn ngừa tình trạng u tuyến giáp.


Ung thư tuyến giáp chỉ thực sự nguy hiểm khi bạn không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách. Vậy nên, hãy giữ cho mình một tinh thần thoải mái trong quá trình khám và điều trị. Bởi sức khỏe tinh thần cũng là một phần vô cùng quan trọng có thể giúp bạn điều trị hiệu quả căn bệnh này.