Tật cận thị ở trẻ em
Blog Nhịp Sống Khỏe

Những điều cần biết về tật cận thị ở trẻ em

Cận thị là tật khúc xạ phổ biến nhất, gây ra rất nhiều khó khăn cho người mắc phải như giảm sút về tầm nhìn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt lẫn học tập. Tật về mắt này xảy ra đa số ở trẻ em, đặc biệt là trẻ tại các thành phố lớn trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi. Theo nghiên cứu, cận thị ảnh hưởng đến khoảng 5% trẻ mẫu giáo, 9% trẻ em trong độ tuổi đi học và 30% thanh thiếu niên.

 

Cận thị được định nghĩa như thế nào?

Cận thị là tật khúc xạ ở mắt khiến người mắc phải chỉ nhìn rõ các vật ở cự li gần như đọc sách, xem điện thoại,... càng ra xa thì các đối tượng trước mắt sẽ càng mờ dần đi. Nguyên nhân là do hình ảnh quan sát được thay vì hội tụ trên võng mạc thì chúng lại hội tụ trước võng mạc. Chính vì thế khi muốn nhìn xa người bị cận thị thường phải nheo mắt mới có thể nhìn rõ hơn.

 

Cận thị đem lại rất nhiều hệ luỵ xấu trong cuộc sống hàng ngày, làm cản trở các hoạt động, gây khó chịu cho bệnh nhân. Vì vậy, cha mẹ nên quan tâm và để ý các biểu hiện của con em mình để kịp thời điều trị, không cho tình trạng càng xấu hơn nữa. Phụ huynh cân nhắc dẫn các con đi khám mắt ngay khi có những biểu hiện sau:

  • Nheo mắt khi nhìn một vật nào đó ở xa.

  • Sợ ánh sáng, không muốn tham gia các hoạt động bắt buộc phải tập trung quan sát.

  • Thường xuyên than đau đầu, khô mắt và mỏi mắt (đặc biệt khi dùng các thiết bị điện tử).

  • Dụi mắt, chảy nước mắt nhiều lần trong ngày.

  • Phải ngồi sát các thiết bị điện tử để nhìn rõ.

  • Chớp mắt liên tục một cách bất thường.

 

 

 

Nguyên nhân của tật cận thị

 Tính bẩm sinh hoặc di truyền: Cận thị có thể được di truyền từ bố mẹ sang con cái. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nếu phụ huynh bị cận thị thì xác suất truyền đến đời con sẽ từ 33% cho đến 60%. Nếu chỉ có một trong hai người bị cận thì khả năng truyền cho con là 23% đến 40%. Trường hợp cả bố mẹ đều không bị thì trẻ vẫn có thể bị cận từ 6% tới 15%.

Học tập trong môi trường thiếu ánh sáng và sai tư thế: Việc bố trí không gian học tập cho trẻ cũng vô cùng quan trọng. Ngoài sự thoáng mát, yên lặng và rộng rãi thì cha mẹ vẫn nên chú ý đến vấn đề ánh sáng quanh khu vực con ngồi học. Ngoài ra, tư thế học tập đúng và đảm bảo khoảng cách phù hợp giữa mắt và sách vở cũng là điều kiện để mắt hoạt động tốt nhất.

Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh: Khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường học đã bắt buộc chuyển từ công tác giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến. Điều đó khiến các em phải dành  nhiều thời gian học qua màn hình thiết bị điện tử trong thời gian dài. Song song đó, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng đồng nghĩa với việc hoạt động giải trí của trẻ phụ thuộc vào màn hình ti vi, điện thoại,… Tuy đại dịch đã qua  nhưng có thể những thói quen sinh hoạt trong thời kỳ đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe mắt của trẻ.

Không có thời gian cho mắt nghỉ: Trong việc học tập cũng như việc giải trí, nếu trẻ đọc sách hoăc xem điện thoại, tivi liên tục thì mắt phải điều tiết một cách liên tục. Mắt cũng biết mệt mỏi như cơ thể chúng ta, vậy nên  hãy cho mắt được “xả hơi” từ 10 đến 15 phút sau khoảng 45 phút học tập, giải trí để đôi mắt lúc nào cũng luôn khoẻ mạnh.

 

Cách khắc phục tật cận thị

Có một sự thật chúng ta phải chấp nhận là cận thị không thể được chữa khỏi hoàn toàn 100%, nhưng nó có thể được kiểm soát bằng các phương pháp điều trị khác nhau. Mục tiêu của việc điều trị là cải thiện thị lực của con bạn và ngăn ngừa bệnh trở nên tồi tệ hơn.

  • Đeo kính gọng: Đây có thể xem là phương pháp phổ biến và thông dụng nhất bởi tính tiện lợi của nó. Tùy theo tình trạng mắt, độ cận của con, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về loại kính nên dùng, thời gian đeo kính và cách các con chăm sóc mắt mỗi ngày. Điều quan trọng là chọn gọng kính vừa vặn và phù hợp với lứa tuổi và hoạt động của con bạn. Ví dụ, nếu các con còn quá nhỏ, cha mẹ nên mua kính có dây đeo để trẻ đeo vào dễ dàng hơn, tránh rơi rớt làm gãy kính và không mất thời gian tìm kiếm. Hoặc nếu trẻ thường chơi thể thao, phụ huynh có thể chuẩn bị thêm kính cận thể thao để bảo vệ mắt của con tốt hơn, đồng thời giúp kính đeo hằng ngày của các em không bị mau hỏng.

  • Sử dụng kính áp tròng chuyên dụng: Kính áp tròng là một lựa chọn tuyệt vời nếu con bạn thích chúng. Chúng rất hữu ích cho một số hoạt động nhất định, đặc biệt là thể thao cần vận động nhiều. Chiếc kính vô hình này vừa đem lại sự thoải mái, tự tin lại vừa có tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, khi các em sử dụng kính áp tròng, cha mẹ phải theo sát, hướng dẫn con thường xuyên đến khi trẻ có thể tự mình sử dụng, biết vệ sinh kính áp tròng đúng cách, tránh nhiễm khuẩn. Đồng thời, con bạn phải biết sử dụng thuốc nhỏ mắt để mắt không bị khô và thực hành vệ sinh mắt hàng ngày.

 

  • Phẫu thuật Lasik: Lasik là phương pháp phẫu thuật tiên tiến sử dụng laser excimer điều chỉnh bề mặt cong của giác mạc để điều trị các tật khúc xạ.  Ưu điểm của Lasik là thời gian phẫu thuật nhanh, mức an toàn cao và mang lại hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên đã ổn định độ khúc xạ, bố mẹ có thể cân nhắc đến khi con đủ tuổi thực hiện loại phẫu thuật này.

  • Đeo kính áp tròng Ortho-K: Trong trường hợp con bạn chưa đủ 18 tuổi để thực hiện phương pháp Lasik thì có thể tham khảo Ortho-K - một giải pháp sử dụng kính áp tròng cứng được đeo qua đêm để điều chỉnh hình dáng của giác mạc, làm giảm và khử độ cận thị. Vào ban ngày, giác mạc được định hình lại giúp tập trung ánh sáng đúng cách vào võng mạc của con bạn, nhờ đó cải thiện tình trạng mờ mắt. Tuy nhiên, Ortho-K chỉ là phương pháp điều trị tạm thời, muốn đạt hiệu quả phải đeo kính hằng đêm, khi ngưng sử dụng, độ khúc xạ trở lại như cũ, thậm chí nặng hơn.

 

Ngoài các giải pháp trên, phụ huynh cũng đừng quên bổ sung cho con em mình các thực phẩm  giàu dinh dưỡng, tốt cho mắt như rau củ có màu xanh đậm, các loại hoa quả có màu vàng như gấc, cà rốt, các loại hạt như hướng dương, óc chó,… Chúng là nguồn cung cấp dồi dào vitamin A, E, C, axit béo omega-3,...là những dưỡng chất giúp “bảo dưỡng” đôi mắt luôn khoẻ đẹp.

Tổng kết

Người ta thường ví von “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, là nơi mọi cảm xúc được thể hiện. Chính vì vậy, bảo vệ đôi mắt cũng giống như việc bảo vệ tâm hồn của trẻ. Hãy để trẻ được tận hưởng cuộc sống và trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất bằng chính đôi mắt của mình cha mẹ nhé!