Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Vượt qua khủng hoảng tuổi 50

Bước sang tuổi 50, con người thường hay bị ám ảnh bởi nhiều nỗi lo, trải dài từ vóc dáng, sức khỏe cho đến nỗi sợ hãi bị bỏ rơi trong chính gia đình mình. Chưa kể, những thay đổi về tâm sinh lý cũng tác động mạnh mẽ đến hành vi của chúng ta. Những mối lo và bất an đó kéo dài sẽ tạo ra những cuộc “khủng hoảng tuổi 50” hay “khủng hoảng tuổi trung niên” mà nếu không được xử lý thích hợp sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chính bản thân ta cũng như gia đình.

1. Thế nào là khủng hoảng tuổi trung niên?

Cụm từ “khủng hoảng tuổi trung niên” do Elliot Jaques, một nhà phân tích tâm lý người Canada, đưa ra vào năm 1965 để chỉ một giai đoạn trong cuộc sống khi chúng ta chuyển biến từ người trẻ sang người có tuổi. Trong suốt thời gian này, chúng ta thường hay trăn trở, so sánh những thành quả, mục tiêu và ước mơ với những gì chúng ta từng ao ước trong quá khứ, cũng như suy nghĩ về vị trí của chúng ta hiện tại.

Nói một cách đơn giản, khủng hoảng tuổi trung niên là một cơn “địa chấn” khác đánh dấu “bước ngoặt” phát triển trong cuộc đời chúng ta, cũng giống như các cơn khủng hoảng xảy ra khi ta bước sang các độ tuổi mẫu giáo, dậy thì…

2. Một số dấu hiệu của khủng hoảng tuổi trung niên

  • Bạn không nhận ra mình trong gương, hay nói đúng hơn, bạn không muốn chấp nhận những bào mòn của thời gian đã hằn in lên gương mặt. Bạn dằn vặt với những câu hỏi làm thế nào để thay đổi dáng vẻ bề ngoài hiện có như giảm cân, xoá nếp nhăn v.v.
  • Bạn cảm thấy cơ thể mệt mỏi và chán nản với công việc bạn đã làm suốt bao nhiêu năm qua. Ý định muốn nghỉ việc luôn luẩn quẩn trong suy nghĩ của bạn và thôi thúc đó càng mạnh mẽ hơn khi bạn gặp chút trắc trở trong công việc.
  • Bạn không còn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và muốn làm gì đó khác đi hoặc muốn buông xuôi, chạy trốn thực tại. Bạn mất hứng thú với mọi việc, ngay cả những việc mình từng rất yêu thích.
  • Bạn cảm thấy xa lạ trong chính ngôi nhà của mình, khi con cái bận rộn với gia đình riêng còn cuộc sống hôn nhân của bản thân thì trở nên nhạt nhẽo sau bao nhiêu năm chung sống.

 

3. Làm sao để chào đón bước ngoặt mới của cuộc đời?

Thay vì chìm đắm trong lối nghĩ tiêu cực rằng mình đã hết thời, hãy mở lòng và trao đổi cùng gia đình những vấn đề và cảm xúc của bạn hiện tại. Chính họ sẽ là người giúp bạn tìm lại những thế mạnh của chính mình. Con trai bạn hẳn sẽ cần từ cha của mình những lời khuyên về kỹ năng quản lý công việc hoặc kỹ thuật điện máy. Con gái, cháu gái bạn hẳn cũng sẽ rất cần lời khuyên của bạn về các bí quyết nấu nướng và chăm sóc gia đình. Bằng cách đó, bạn sẽ chấm dứt được cảm giác tiêu cực và thực sự dành thời gian quý báu của mình cho những điều quan trọng.   

Ngoài ra, hãy nhớ rằng việc chỉ liên tục suy nghĩ “muốn làm gì đó khác đi” sẽ chẳng đưa bạn đi đến đâu cả. Hãy dừng suy nghĩ và hãy bắt tay thực hiện những ước mơ còn dang dở của mình để bắt đầu một chương hoàn toàn mới trong cuộc đời. Đi học kiến thức mới, luyện tập thể thao, đi du lịch hoặc tham gia làm thiện nguyện tại các trại trẻ mô côi hay chùa chiền… Các hoạt động có ích này không chỉ khiến bạn đóng góp được cho cộng đồng và cuộc sống mà còn sẽ giúp bạn có cái nhìn tích cực hơn về cơn khủng hoảng của bản thân.

Và liệu ở tuổi này có quá trễ cho việc thực hiện giấc mơ khởi nghiệp của bạn? Đừng lo lắng về tuổi tác, bởi đã có không ít người khởi nghiệp thành công dù đã ở tuổi trung niên. Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Thanh Mỹ.

Sau nhiều năm ở Canada, mưu sinh bằng nhiều nghề từ rửa chén, bồi bàn đến kỹ sư các hãng nổi tiếng như Kodak và IBM, ông Mỹ quay về Việt Nam ở độ tuổi 49 và thành lập công ty Mỹ Lan chuyên về mực in, hoá chất ở Trà Vinh. Sau 12 năm, hiện công ty đang xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và doanh thu nhiều triệu đô mỗi năm. Nhưng ông không dừng ở đó mà tiếp tục khởi nghiệp lần nữa ở độ tuổi 60 với công ty Rynan - chuyên áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ…

Donald Richie, một nhà Nhật Bản học nổi tiếng của Mỹ, từng có cách nói hóm hỉnh về khủng hoảng tuổi 50 như sau: “Khủng hoảng tuổi trung niên bắt đầu khi bạn hơn 40 tuổi, chiêm nghiệm cuộc đời mình và nghĩ rằng: “Cuộc đời mình chỉ có vậy thôi sao?” Và khủng hoảng đó sẽ kết thúc 10 năm sau đó, khi bạn sẽ lần nữa nhìn lại đời mình và nghĩ rằng: “Thật ra nó cũng khá tốt chứ nhỉ.”

Hi vọng bạn sẽ có thể vượt qua cơn khủng hoảng và sau này nhìn lại nó với sự hóm hỉnh như Donald Richie.