Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Áp dụng triết lý "vật cực tất phản" để cuộc sống thảnh thơi

Trong những triết lý phổ biến của Trung Hoa, “vật cực tất phản” có vai trò quan trọng, được nhiều người xem như “kim chỉ nam” để đạt đến lối sống cân bằng, an hòa và thảnh thơi hơn. Chúng ta hãy thử tìm hiểu triết lý sống này có gì đáng để học hỏi và áp dụng nhé.

Mọi sự đều có giới hạn

Câu thành ngữ “vật cực tất phản” vốn được trích từ quyển “Đạo đức kinh” – quyển sách 5.000 chữ kết tinh một đời trí huệ của Lão Tử (nhà triết học lẫy lừng, người sáng lập Đạo giáo của Trung Hoa). Câu nói này có nghĩa là một vật hoặc một sự việc khi đi đến điểm cực độ trong giới hạn thì sẽ phản đảo lại. Lão Tử cũng từng giảng: “Vật tráng tắc lão”, tức là vật quá lớn mạnh thì ắt sẽ già và đi đến diệt vong. Tương tự, khi ta rót đầy cốc nước mà vẫn tiếp tục rót thì chắc chắn nước sẽ tràn ra ngoài. Hay khi thành công đến đỉnh điểm mà không hiểu cách gìn giữ, cứ mãi tự đắc, chủ quan thì sẽ nhanh chóng rơi xuống kết cục thất bại.

Dĩ nhiên, cái gì quá cũng đều không tốt. Vì vậy, việc gì cũng nên chú ý giữ chừng mực, đừng quá tính toán, đừng quá khoe khoang, cũng đừng quá tử tế…Mọi thứ đều nên có một giới hạn mới là tốt đẹp nhất.

Bên cạnh đó, triết lý này còn muốn khuyên bảo con người đừng tuyệt vọng vào những lúc khó khăn nhất, vì có thể hy vọng đang ở ngay trước mắt. Khi nghịch cảnh đi đến cuối cùng, đạt đến mức cực điểm thì sẽ chuyển sang hướng tích cực hơn. Khi vận xấu đi đến cực điểm thì vận may sẽ đến. Vì vậy, sống đừng ngại gian khó, mà hãy xem nghịch cảnh như cơ hội tốt để tôi luyện bản thân.

Vận dụng vào đời sống thực tế

Là một triết lý sống bao hàm ý nghĩa nhân sinh to lớn, nhưng “vật cực tất phản” không khó để chúng ta áp dụng vào những hoạt động sống hàng ngày. Chúng ta có thể sống cân bằng, hài hòa, nhẹ nhàng và thư thái hơn nhờ áp dụng những nguyên tắc dưới đây.

Ăn không quá no

Đời sống sung túc, hiện đại đã tạo điều kiện cho chúng ta ăn những gì mình yêu thích dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng hãy chú ý đừng ăn quá nhiều, vì việc này sẽ khiến hệ tiêu hóa làm việc cật lực hơn và về lâu dài sẽ gây hại cho cơ thể. Ngoài ra, ăn quá no còn khiến cơ thể nạp nhiều năng lượng dư thừa, dẫn đến tăng cân và nguy cơ mắc các bệnh cao huyết áp, mỡ trong máu, xơ vữa động mạch…

Hiểu rõ điều này, giới quý tộc Trung Hoa thường giáo dục con cháu “ăn cơm chỉ ăn no 7, 8 phần”, không chỉ để kiểm soát vóc dáng mà còn để rèn luyện ý chí. “Ăn” là hoạt động cơ bản nhất trong sinh hoạt hàng ngày, cũng là thứ rất khó kiểm soát. Nếu muốn làm chủ cuộc đời của mình, hãy bắt đầu từ việc “kiểm soát cái miệng” trước.

>>> Bài viết có liên quan: Đừng để bản thân phải khổ sở vì ăn không đúng cách

Bên cạnh việc chú ý ăn không quá no, đừng quên chú ý cân đối thành phần dinh dưỡng trong từng bữa ăn, không món nào nhiều quá hay ít quá. Cũng như tránh tình trạng “no dồn, đói góp”, ngày hôm trước ăn thịnh soạn hôm sau sơ sài nhé.

Mặc không quá ấm

Mặc quá ấm sẽ khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi. Nếu mồ hôi không thể thoát ra được, ủ lại trên da sẽ khiến chúng ta mắc các bệnh chàm, viêm da hoặc nhiễm trùng da khác. Hoặc mồ hôi thấm ngược lại vào da sẽ khiến chúng ta mắc phải bệnh cảm. Ngược lại, mặc quá mỏng sẽ khiến chúng ta dễ bị nhiễm lạnh. Đối với việc mặc quần áo, không quan trọng chúng ta mặc bao nhiêu, mà quan trọng là chú ý giữ nhiệt cho những bộ phận quan trọng dễ bị nhiễm lạnh trên cơ thể: đầu, tai, cổ, hông, đầu gối, bàn chân…

Ngồi không quá nhiều

Thói quen ngồi hàng giờ liền rất không tốt cho sức khỏe và có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tim mạch, xương khớp, tiêu hóa, tiết niệu, gout… Vì vậy, hãy cố gắng rời khỏi chỗ ngồi và đi lại nhẹ nhàng sau 30 – 60 phút làm việc. Nếu đi ra ngoài, hãy cân nhắc việc đi bộ nếu có thể thay vì ngồi xe. Các nghiên cứu cho thấy việc cơ thể toát mồ hôi sau khi vận động sẽ khiến cho các chất gây bệnh như chì, strontium… trong cơ thể thoát ra ngoài cùng mồ hôi, cũng như có tác dụng nhất định trong việc phòng ngừa bệnh ung thư.

>>> Đừng bỏ lỡ: Những thói quen hằng ngày khiến bạn già đi nhanh chóng

Sống không quá an nhàn

Cuộc sống quá an nhàn sẽ khiến ta dễ lâm vào tình trạng chán nản, mất đi chí tiến thủ cũng như hứng thú với cuộc sống. Việc tham gia các khóa học hay các câu lạc bộ dựa theo sở thích như nấu ăn, cắm hoa, chơi thể thao… sẽ khiến đời sống thêm phong phú, mở rộng các mối quan hệ, kiến thức sống và tạo động lực phấn đấu cho bản thân.

Tập luyện không sức

Tập thể dục thể thao mang đến vô vàn lợi ích cho sức khỏe con người. Nhưng như nguyên tắc “vật cực tất phản” đã chỉ ra, bất kỳ việc gì quá mức đều có hại. Việc vận động quá sức dẫn đến nhiều tác hại cho cơ thể, nhẹ thì là những cơn chấn thương cơ bắp, đuối sức, nặng thì dẫn đến ngộ độc tim, trụy tim, suy giảm hệ miễn dịch, xương yếu đi, suy giảm sức khỏe tâm thần… Hãy lưu ý tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia để đảm bảo cường độ luyện tập hợp lý nếu chơi các môn thể theo đòi hỏi sức bền, cường độ mạnh nhé.

Vui không quá đà

Mọi sự đều nên có giới hạn và vui thích một việc gì đó cũng vậy. Nếu yêu thích những buổi tiệc tùng, hãy chú ý không nên quá chén để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta cũng cần học cách kiểm soát cảm xúc của mình ở mức vừa phải, ngay cả khi đó là cảm xúc tích cực. Việc cảm xúc vượt quá giới hạn tinh thần có thể gây phản ứng tiêu cực cho sức khỏe con người, nhất là đối với những người mắc bệnh mãn tính như cao huyết áp, tim mạch.

Giận không quá độ

Theo từ điển y học truyền thống “Hoàng đế nội kinh” của Trung Quốc: “bách bệnh sinh ô khí”, “nộ thương can”. Nghĩa là tức giận sẽ khiến cho khí bị ngược và trì trệ, từ đó gây ra các loại bệnh tật. Thành ngữ Trung Hoa còn có câu: Tức giận hại gan, quá khích hại tim, buồn phiền hại phổi, lo lắng hại lá lách, sợ hãi hại thận. Bách bệnh đều sinh ra do tức giận mà nên. Y học hiện đại thì chứng minh rằng tức giận quá mức và thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến 20 loại bệnh khác nhau, đặc biệt là bệnh tim mạch. “Giận quá mất khôn”, hãy chú ý khống chế cảm xúc của mình, tìm cách thư giãn trước những cơn tức giận, giữ cho tinh thần luôn lạc quan nhé.

>>> Có thể bạn quan tâm: 4 bước giúp bạn đánh tan cơn giận hiệu quả

Danh lợi không quá tham

Truy cầu quyền lợi và địa vị, không ngừng tiến lên trên bậc thang thành công giúp chúng ta có mục tiêu để phấn đấu mỗi ngày. Điều này rất tốt, nhưng đừng quá mải mê mà bỏ quên những giá trị tốt đẹp khác đang có trong cuộc sống như gia đình, bạn bè, sức khỏe và niềm vui cá nhân. “Muốn ít đi, hạnh phúc nhiều hơn”. Nếu đã đi đến đỉnh vinh quang, hãy biết cách giữ gìn và cân bằng, đừng quá vui trên đỉnh chiến thắng mà chủ quan, dẫn đến những thất bại đáng tiếc về sau.

Hưởng thụ không quá xa hoa

Cuộc sống qua xa hoa dễ khiến tinh thần con người sa đà vào những giá trị ảo, hư vinh, tốn kém nhưng không cần thiết. Xét ở phương diện sức khỏe, không gian sống chỉ cần chú trọng việc cân bằng, có lợi cho sức khỏe như: không khí trong lành, nằm khu vực tương đối yên tĩnh, đầy đủ ánh sáng, bố trí ngăn nắp, không lộn xộn, màu sắc và nguyên vật liệu càng tự nhiên càng tốt… Nếu cuộc sống đã đủ đầy, đừng quên sẻ chia những vật chất ta không cần đến cho những người kém may mắn hơn để mang lại sự an yên, hạnh phúc về tinh thần.

>>> Xem thêm: