Bạn có đang mắc phải chứng stress trong công việc?
Stress nói chung và stress công việc nói riêng là khái niệm được nhắc đến thường xuyên trong thời gian gần đây. Stress không chỉ khiến ảnh hưởng đến năng suất làm việc của chúng ta mà còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và đồng thời làm giảm chất lượng sống.
Stress công việc được tích tụ qua năm tháng, khó ai có thể tự nhận ra và nếu không được cải thiện kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Trong bài viết này, Prudential sẽ cùng bạn tìm hiểu về nguyên nhân và cách khắc phục chứng stress trong công việc, giúp bạn cải thiện năng suất làm việc và có sức khoẻ tốt hơn.
Stress trong công việc là gì?
Stress trong công việc là những lo lắng, áp lực, căng thẳng từ chính những sự việc xung quanh môi trường làm việc như: tiến độ công việc, deadline hoàn thành… Stress trong công việc ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể dẫn đến kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần.
Một số triệu chứng do stress trong công việc gây ra mà chúng ta thường gặp phải như:
-
Các triệu chứng liên quan đến thể chất, khiến cơ thể mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, tim đập nhanh, đau tức ngực khó thở, buồn nôn…
-
Các triệu chứng liên quan đến tinh thần như sa sút trí nhớ, buồn bã, không vui vẻ, không tập trung được trong công việc, học tập, lú lẫn, thiếu quyết đoán…
-
Hành vi cũng ảnh hưởng, chúng ta sẽ thường thấy một số triệu chứng như hay khóc lóc, ăn uống bất thường, hấp tấp, tự làm hại bản thân hoặc làm hại người khác, hút thuốc…
-
Cảm xúc cũng thay đổi như căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, bồn chồn, tức giận, sợ hãi, thất vọng, dễ nóng tính, bực tức, và thường xuyên khó chịu…
Từ đó, chúng ta rất dễ mắc sai lầm, đặc biệt là những công việc cần phải chú ý cao độ, điều này cũng có thể làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ với đồng nghiệp và nghiêm trọng hơn là gặp phải tai nạn nghề nghiệp.
Stress cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây tích mỡ ở vùng bụng, mà thông thường, mỡ ở vùng bụng sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe hơn so với ở chân, tay hay hông. Đáng lo hơn khi stress cũng có liên quan mật thiết đến tình trạng đái tháo đường. Khi căng thẳng, bạn thường có xu hướng ăn uống không lành mạnh và không kiểm soát làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Hơn nữa, stress cũng làm tăng nồng độ glucose trong máu đối với những trường hợp mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Nguyên nhân dẫn đến stress trong công việc?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến stress trong công việc.
Nguyên nhân trực tiếp nhất chính là những áp lực đến từ tiến độ công việc và môi trường làm việc. Khi yêu cầu công việc vượt quá khả năng của bản thân, bạn sẽ mất cân bằng giữa công việc với cuộc sống cá nhân. Việc thay đổi thời gian làm việc không phù hợp, phải làm việc nhiều giờ, thời gian nghỉ giữa giờ quá ít, phương tiện làm việc không được đầy đủ cũng là nguyên nhân dẫn đến stress. Ngoài ra, môi trường làm việc không ổn định (thường xuyên có sự thay đổi), ồn ào, không khí ô nhiễm, không thoáng đãng, phải làm việc trong tư thế gò bó.
Bên cạnh đó, mối quan hệ trong công việc rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả công việc. Nếu mối quan hệ này bị xung đột, bế tắc, bất đồng về quan điểm thì chắc chắn công việc không suôn sẻ, bản thân bạn cũng sẽ bị căng thẳng, mệt mỏi theo.
Stress trong công việc cũng còn đến từ chính bản thân chúng ta. Kể cả bạn có là một nhân viên hay thậm chí là nhân viên lâu năm thì việc thiếu động cơ và sự thiếu kiểm soát cũng làm bạn sẽ cảm thấy bị stress trong công việc. Nhân viên mới thường là sinh viên mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã giao trong văn phòng… Mới làm quen với công việc có thể bị áp lực và căng thẳng dẫn đến stress. Những người có thâm niên làm việc lâu, trụ lại tại văn phòng cho đến những ngày cuối cùng đôi khi cũng bị stress bởi công việc đòi hỏi cao về công nghệ mà họ thì khó bắt kịp được. Tuổi tác cũng là rào cản khiến những nhân viên khó hòa nhập với môi trường công ty.
Bạn có đang mắc chứng stress trong công việc?
Nếu bạn đang gặp phải các dấu hiệu sau, có thể bạn đang trải qua thời kỳ stress công việc.
-
Bạn luôn cảm thấy thấy lo lắng, khó chịu khi ở văn phòng.
-
Cũng đừng quên nếu bạn đang cảm thấy không muốn trò chuyện với đồng nghiệp, hay đồng nghiệp không gần gũi, bị xa lánh, thậm chí, bạn không còn hứng thú với đời sống vợ chồng, thường xuyên dùng rượu bia hoặc các chất gây nghiện để đối phó với các vấn đề xung quanh, khả năng bạn đang bị stress trầm trọng.
Làm gì khi bị stress trong công việc?
Hãy yên tâm nếu bạn bị stress trong công việc, bởi sẽ luôn có cách để giúp bạn giải tỏa và giảm bớt những căng thẳng và áp lực ấy.
Việc đầu tiên bạn cần làm chính là hãy đưa bản thân mình ra với thế giới bên ngoài. Tại nơi làm việc, đừng ngần ngại chia sẻ suy nghĩ của bạn với những người có liên quan. Rất có thể đồng nghiệp hay cấp trên của bạn không nhận ra được tình trạng mà bạn đang trải qua. Việc này sẽ giúp bạn có được sự thấu hiểu và cảm thông. Từ đó, các phương pháp tích cực có thể được đưa ra thảo luận để giải quyết vấn đề. Bạn nên đối diện với stress chứ không nên né tránh nó. Có thể stress công việc khiến bạn mệt mỏi, yếu đuối, và gục ngã. Nhưng không sao cả, đó là phản ứng tự nhiên của chúng ta khi phải đối mặt với khó khăn. Hãy xây dựng mối quan hệ để giúp chính bản thân đối mặt và vượt qua được áp lực trong công việc này.
Quan tâm bản thân, biết nhìn nhận và chăm sóc cho chính mình là cách tốt nhất để bạn có thể tự giúp mình thoát khỏi stress trong công việc. Hãy bắt đầu với chế độ ăn uống lành mạnh. Việc ăn uống và nghỉ ngơi sai cách có thể khiến bạn rơi vào trạng thái trầm cảm nhiều hơn những gì bạn tưởng tượng. Theo các chuyên gia, chế độ ăn ít đường nhiều đạm là chế độ lý tưởng để bạn hạn chế tối đa tác động của Stress vào công việc. Hãy tập lại cho mình thói quen có một giấc ngủ ngon. Việc thiếu ngủ cũng là nguyên nhân khiến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, và trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn. Có một mẹo để bạn chống lại cơn buồn ngủ mỗi ngày: Hãy dùng tay bịt lỗ mũi phải và thở bằng lỗ mũi trái trong vòng 3 – 5 phút.
Điều quan trọng cuối cùng, hãy thiết lập lại cuộc sống của bạn. Đây là lúc chúng ta cần phải xác định xem đâu là ưu tiên quan trọng nhất của mình trong khi làm việc. Bạn có thể phân chia thứ tự các công việc theo mức độ quan trọng và mức độ ưu tiên sẽ giúp bạn sắp xếp công việc một cách khoa học hơn, làm việc bớt căng thẳng hơn và có được tập trung cao độ hơn. Bạn đừng quên dành ra những ngày nghỉ cuối tuần để thực hiện những sở thích cá nhân của mình. Cuối tuần ở nhà, vùi đầu vào công việc, hay vùi đầu vào giấc ngủ nướng thực sự không tốt cho sức khỏe của bạn.
Lời khuyên từ chuyên gia giúp bạn giảm stress trong công việc
Không ai có thể giúp chúng ta bằng chính bản thân mình. Prudential tin rằng, mỗi một chúng ta nếu gặp phải chứng stress trong công việc thì việc đầu tiên cần làm chính là cần có thái độ tích cực để giải quyết vấn đề.
Những phương pháp đã được Prudential chia sẻ ở trên sẽ là một trong những cách để giúp bạn vượt qua chứng stress công việc dễ dàng.