sức khỏe thể chất, bộ não, sống khỏe
Blog Nhịp Sống Khỏe

Chăm sóc để não bộ luôn “khỏe đẹp” theo thời gian

Não là cơ quan trung tâm điều khiển toàn bộ cơ thể chúng ta, từ suy nghĩ đến hành động. Tuy uy quyền là thế, não bộ cũng chịu ảnh hưởng bởi kha khá yếu tố từ nội tại cho đến ngoại cảnh như sức khỏe, tuổi tác, nội tiết tố, chế độ ăn uống, sự căng thẳng… Những điều này đều có thể dẫn đến sự thay đổi và xuống cấp trong sức khỏe não bộ của chúng ta.

Những giai đoạn sức khỏe của não bộ

Tiến sĩ Barbara Jobst, giáo sư thần kinh học tại Trường Y Geisel thuộc Đại học Dartmouth cho biết: “Sức khỏe não bộ là một phần của sức khỏe nói chung và của các hoạt động tinh thần nói riêng.” Tiến sĩ Barbara nói thêm rằng hiểu được cách thức vận hành của não bộ ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời sẽ giúp chúng ta thực hiện những thay đổi để gìn giữ bộ não được khỏe mạnh hơn. Bởi lẽ, sức khỏe của não bộ cũng có thể được tăng cường nếu ta dành sự chăm sóc và luyện tập đúng cách. 

Trước 40 tuổi: Giai đoạn “xuân thì” của não bộ

Nói một cách ví von, não cũng như một “con người” thu nhỏ: Có giai đoạn sơ sinh, phát triển theo năm tháng và đạt đến độ “xuân thì” rực rỡ nhất trong 35 năm đầu tiên. Bộ não của bạn có thể hoạt động mạnh mẽ nhất trong độ tuổi 30. Nhiều người sẽ đạt đến đỉnh cao nhận thức của họ vào khoảng tuổi 35. Song, từ năm 35 trở đi cũng đánh dấu mốc mà não bộ bắt đầu bước vào giai đoạn lão hóa, não bộ có thể bắt đầu thu nhỏ lại dần, giảm thể tích do tế bào chết đi tự nhiên.

Khi bước sang tuổi 40, chúng ta có thể gặp khó khăn hơn trong việc ghi nhớ thông tin mới, chẳng hạn như tên của đồng nghiệp mà bạn đã gặp vào tuần trước hoặc tên một nữ diễn viên mà ta vừa xem trên tivi hôm qua.

Giai đoạn từ 50 đến 60 tuổi: Thời kỳ mãn kinh khiến sức khỏe não bộ bị ảnh hưởng

Giai đoạn từ tiền mãn kinh cho đến mãn kinh đem đến nhiều vấn đề trong sức khỏe dành cho các chị em. Bên cạnh các vấn đề sức khỏe về thể chất và tinh thần, chị em còn phải đối mặt với nguy cơ giảm sút trí nhớ. Mức độ hormone dao động có thể khiến phụ nữ mãn kinh gặp phải các triệu chứng thần kinh như sương mù não, có thể khiến cuộc sống hàng ngày trở nên khó khăn.

Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể làm tăng nguy cơ liên quan đến bệnh Alzheimer (một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi). Phụ nữ chiếm khoảng 67% bệnh nhân Alzheimer ở ​​Hoa Kỳ. Tiến sĩ Rudy Tanzi, giáo sư thần kinh học tại Trường Y Harvard và là đồng giám đốc của Trung tâm Sức khỏe não bộ McCance cho biết: “Khi phụ nữ già đi, của họ giảm nhanh hơn so với nam giới.” Nhận thức tổng quát hay nhận thức toàn cầu là một tiêu chí được đánh giá dựa trên phương pháp ACE-R, đánh giá năm lĩnh vực nhận thức bao gồm trí nhớ, ngôn ngữ, khả năng định hướng và chú ý, khả năng nói trôi chảy, khả năng nhận thức không gian.

Sức khỏe não bộ ở độ tuổi 60 trở lên: Những thay đổi liên quan đến tuổi tác trở nên rõ ràng

Mặc dù ước tính có khoảng 5,8 triệu người Mỹ từ 65 tuổi trở lên mắc bệnh Alzheimer, nhưng căn bệnh này (cùng với các loại sa sút trí tuệ khác) không gắn liền với quá trình lão hóa thông thường. Dẫu vậy, việc sa sút trí tuệ là điều khó tránh khỏi khi về già. Phần lớn phụ nữ ở độ tuổi 60 trở lên có thể nhận thấy rằng khả năng nhớ tên và tìm từ của họ chậm hơn so với trước đây, cũng như gặp khó khăn hơn trong việc tập trung hoặc làm nhiều việc cùng lúc.

Tập luyện cho não bộ

Dù quy trình lão hóa không thể ngừng lại, song mọi thứ đều có cách để cải thiện và chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện cho não bộ để duy trì sức khỏe thần kinh bền bỉ, dẻo dai khi tuổi xế chiều. Hãy tìm hiểu những liệu pháp để duy trì một bộ não đẹp và khỏe mạnh dù ở bất kỳ giai đoạn nào nhé:

Các liệu pháp kích thích tinh thần

Thông qua nghiên cứu với chuột và con người, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các hoạt động trí não kích thích các kết nối mới giữa các tế bào thần kinh và thậm chí có thể giúp não tạo ra các tế bào mới, phát triển tính "dẻo dai" của thần kinh và xây dựng chức năng dự trữ cung cấp hàng rào chống lại sự mất tế bào trong tương lai. Bất kỳ hoạt động kích thích tinh thần nào cũng sẽ giúp cải thiện trí não của chúng ta, miễn là nó khiến bản thân ta phải tư duy. Đọc sách, tham gia các khóa học, tìm hiểu một loại hình – bộ môn mới mẻ, giải câu đố ô chữ, chơi Sodoku… Sau một thời gian kiên trì, ta sẽ thấy những chuyển biến tích cực.

Xây dựng các kỹ năng mới trong suốt cuộc đời của chúng ta là một cách kích thích sự phát triển vô cùng tốt dành cho não bộ. Học cách chơi nhạc cụ, thậm chí học các quy tắc của trò chơi board-game mới hay đi du lịch đến một thành phố xa lạ - tất cả những điều này giúp giữ cho bộ não của chúng ta khỏe mạnh bằng cách liên tục tạo ra các kết nối mới giữa các tế bào não.

Vận động, vận động và vận động!

Vận động là yếu tố tiên quyết cho sức khỏe, bất kể đó là sức khỏe thể chất, tinh thần hay não bộ. Tập thể dục giúp tăng cường lưu lượng máu lên não, giúp máu tuần hoàn tốt hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể làm tăng kích thước của hồi hải mã, phần não chịu trách nhiệm về trí nhớ, tự nhiên co lại khi bạn già đi. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi bạn sử dụng chân trong các bài tập thể dục, não sẽ nhận được các tín hiệu thúc đẩy nó tạo ra các tế bào mới khỏe mạnh. Người khỏe, dáng đẹp, não “ngon” – ngại gì không tập!

Những giấc ngủ chất lượng

Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chúng ta. Để não hoạt động tối đa công suất vào ban ngày, ta buộc phải cho nó “tắt” để sạc pin vào ban đêm. Romie Mushtaq, MD, một nhà thần kinh học và chuyên gia y học tích hợp cho biết: “Ngủ là điều quan trọng nhất bạn có thể làm để thiết lập lại bộ não, cho phép nó chữa lành và phục hồi sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu mới cho thấy rằng trong khi ngủ, não bộ đào thải các chất độc gọi là beta-amyloids có thể dẫn đến bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác.” Để ngủ ngon và sâu hơn, bạn có thể thử một số phương pháp như thiền, thư giãn cùng nhạc không lời, tắt tất cả các thiết bị điện tử ít nhất từ 60 phút trước khi đi ngủ.

>>> Có thể bạn quan tâm: Lấy lại năng lượng nhanh chóng cùng nhạc sóng não

Não cũng cần “ăn kiêng”

Thế nhưng chế độ ăn kiêng của não không phải giống như những gì bạn vẫn đang nghĩ. Theo một số nghiên cứu, chế độ ăn theo kiểu Địa Trung Hải đem lại nhiều chuyển biến tích cực cho sức khỏe và não bộ.

Theo chế độ ăn Địa Trung Hải, nhóm các thực phẩm nên ăn nhiều chính là: rau củ (gồm bông cải xanh, rau bó xôi, cải xoăn, hành tây, cà rốt, cải mầm Brussels...); trái cây (táo, chuối, cam, nho, lê, dâu tây...), quả hạch (hạnh nhân, quả óc chó, hạt điều, hạt chia, hạt macadamia, quả phỉ, hạt hướng dương, hạt bí ngô...), cây họ đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu phộng, đậu gà...); ngũ cốc nguyên hạt (Yến mạch nguyên chất, gạo lứt, lúa mạch đen, đại mạch, bắp...); cá và hải sản; Dầu ô liu nguyên chất, dầu quả bơ... Giảm các thành phần như thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa, đồ ngọt.

Đừng quên giữ kết nối xã hội

Thay vì dán chặt mình trên ghế sofa xem phim hay lướt mạng xã hội mỗi ngày, việc dành thời gian trò chuyện cùng mọi người đem đến những chuyển biến tích cực cho sức khỏe não bộ của chúng ta. Khi ta đang kết nối với mọi người, ta sẽ ít có khả năng bị trầm cảm hơn. Trầm cảm sẽ cản trở hiệu suất hoạt động của não bộ rất nhiều.

>>> Xem thêm: