thiền, chăm sóc sức khỏe, sức khỏe tinh thần
Blog Nhịp Sống Khỏe

Khỏe mạnh “0 đồng” chỉ với vài phút thiền mỗi ngày

Thiền là phương pháp đã được chứng minh đem lại nhiều lợi ích cho cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của chúng ta. Đây còn là một liệu pháp gần gũi và không tốn kém. Bất cứ ai cũng có thể thực hành thiền vào mọi lúc, mọi nơi để xua tan căng thẳng và đem lại cảm giác bình yên cho tâm hồn chỉ với vài phút mỗi ngày.

Những phương pháp thiền tập phổ biến

Phương pháp thiền dành cho những tân binh

Tuy chỉ là ngồi yên một chỗ và hít thở, thế nhưng đối với những người mới gia nhập bộ môn này sẽ gặp chung một tình trạng là tưởng không khó song lại khó không tưởng. Nếu vậy, hãy bắt đầu với một bài thiền cực kì đơn giản dành cho những tân binh.

Những gì chúng ta cần làm chính là chọn một vị trí tĩnh lặng (có thể nhờ đến sự trợ giúp của tai nghe) để tăng sự tập trung tối đa, nhắm mắt lại, bắt đầu thả lỏng bằng cách hít sâu – thở đều. Chắc chắn ta sẽ không thể ngay lập tức quản lý được mọi luồng suy nghĩ, song mỗi khi cảm thấy khó tập trung hãy thử cố gắng “nghĩ” về hơi thở chỉ bằng việc hít vào và thở ra. Sau khoảng năm đến mười phút thực hành, cơ thể và tinh thần đã nhẹ nhõm đi rất nhiều rồi. 

Thiền theo phong cách Nhật Bản cùng phương pháp Zen

Thiền Zen được xuất phát từ đất nước mặt trời mọc – Nhật Bản – với tư thế ngồi thiền tĩnh tâm. Bạn cần ngồi thẳng lưng, chân xếp bằng, tay đặt thả lỏng ở đùi. Sau khi ổn định vị trí, hãy dành toàn bộ sự tập trung vào từng nhịp thở, quan sát và chấp nhận những suy nghĩ hay trải nghiệm thoáng qua trong tâm trí, để chúng nhẹ nhàng lướt qua suy nghĩ trong lúc thực hiện thiền tập.

Thiền với kỹ thuật tập trung – Phương thức thiền neo đậu tâm trí

Kỹ thuật thiền tập trung chính là đặt toàn bộ tâm trí của mình “neo” lại ở một ý niệm – đó có thể là hơi thở, là bầu trời đêm, là bờ biển dài, là đồi thông… để giữ tâm trí ở lại đó. Việc tập trung vào một thứ mà bản thân tưởng tượng ra sẽ giúp ta dễ dàng kiểm soát luồng suy nghĩ hơn, thay vì mất tập trung với nhiều suy nghĩ xung quanh.

Thiền dưới vòi hoa sen – Lắng nghe thanh âm của nước

Sau một ngày dài mỏi mệt với công việc bộn bề, việc được tắm mình dưới vòi hoa sen chắc hẳn sẽ đem đến cho ta cảm giác yên bình và thư thái đến tuyệt vời. Chúng ta hoàn toàn có thể tập thiền dưới vòi hoa sen chỉ với một vài phương pháp cơ bản như lắng nghe thanh âm của nước đổ xuống cơ thể, thoa xà phòng một cách nhẹ nhàng để xoa dịu và vỗ về cơ thể, hít thở sâu để cảm nhận mùi hương xung quanh. Chỉ thế thôi, nhưng mười lăm phút dưới vòi hoa sen của chúng ta sẽ trở nên thư thái hơn rất nhiều.

Chữa lành tâm hồn cùng phương pháp thiền chánh niệm

“Chánh niệm” chỉ những ý niệm tập trung vào thực tại, vào ngay khoảnh khắc này mà chúng ta đang trải qua, là an trú trong giây phút hiện tại và không phán xét bất kỳ điều gì.

Phương pháp thiền chánh niệm sẽ được dẫn dắt qua các bước giúp chúng ta chữa lành tâm hồn. Đầu tiên, ta cần nhận biết điều gì đang tiếp diễn, gọi tên cảm xúc này là gì (là vui, buồn, hờn giận, oán trách, bình thản…). Sau đó, ta học cách chấp nhận nó và tìm hiểu nguồn gốc của nó (nó đến từ đâu và vì sao lại khiến ta bận tâm) để rồi cuối cùng ta tách mình khỏi luồng suy nghĩ này và tập trung an trú cho khoảnh khắc hiện tại. Liệu pháp chánh niệm được Thiền sư Thích Nhất Hạnh đề cập đến rất nhiều lần bởi lẽ nó đem lại những lợi ích về mặt tinh thần cho những ai đang trầm cảm hoặc lo âu.

Thiền động – Khi đi bộ cũng là thiền

Thiền đi bộ có nguồn gốc từ Phật giáo và được xem như một phần của thực hành thiền chánh niệm. Thiền đi bộ được xem là một trong những phương pháp hữu hiệu để thực hành chánh niệm. Kỹ thuật này mang lại nhiều lợi ích, giúp cơ thể cảm thấy cân bằng và thanh thản hơn, phù hợp thực hành ở khuôn viên quanh nhà trong mùa dịch. Thiền đi bộ được hiểu là áp dụng quy trình của việc đi bộ cho mục đích thiền. Cơ thể thả lỏng và hoàn toàn tập trung tâm trí vào bàn chân, hơi thở, âm thanh trong khi bước đi. Một buổi thiền đi bộ thường kéo dài 5 - 10 phút. Trong lúc thiền, cơ thể di chuyển tốc độ chậm theo vòng tròn hoặc theo đường thẳng, đôi lúc có thể đi xa hơn, chú trọng sự tập trung trong từng bước chân khi đi.

Những lợi ích “gây thương nhớ” khi thực hành thiền tập

Mang đến năng lượng tích cực, hạn chế cảm xúc buồn rầu và cải thiện sức khỏe là những lợi ích dễ thấy của thiền. Thế nhưng, thiền không chỉ có như thế. Cùng tìm hiểu thêm về những lợi ích mà liệu pháp này mang lại nhé.

Giảm stress và lo lắng

Giảm căng thẳng là một trong những lý do phổ biến nhất mà mọi người muốn thử tập thiền. Căng thẳng kéo dài có thể gây ra gián đoạn giấc ngủ, thúc đẩy trầm cảm và lo lắng, tăng huyết áp, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiền cũng có thể cải thiện các triệu chứng của các tình trạng liên quan đến căng thẳng, bao gồm hội chứng ruột kích thích và rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

Tăng cường sức khỏe cảm xúc

Thiền định có thể giúp chúng ta cải thiện hình ảnh bản thân và có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp thiền định giúp người thực hành giảm bớt căng thẳng và những rối loạn âu lo, những người ít thực hành thiền tập thường có xu hướng dễ có suy nghĩ tiêu cực hơn khi xem những hình ảnh tiêu cực. Trong một nghiên cứu khác, 153 người lớn sử dụng ứng dụng thiền chánh niệm trong hai tuần đã giảm cảm giác cô đơn và tăng cường giao tiếp xã hội so với những khác cùng độ tuổi.

Tăng khả năng tập trung - chú ý

Sự tập trung là một điều có thể tập luyện được theo thời gian. Khi ta thiền cũng là lúc ta đang “tập thể dục” cho tâm trí, dẫn dắt tâm trí tập trung vào hơi thở, vào khoảnh khắc, vào ý niệm. Thông qua đó, chúng ta có thể cải thiện sự tập trung và gia tăng sự chú ý trong quá trình thực hiện thiền tập.

Tăng cường trí nhớ tốt hơn

Thiền giúp cải thiện sự chú ý và sự rõ ràng của suy nghĩ, qua đó, giúp ta giữ cho tâm trí luôn tươi trẻ. Các nghiên cứu ở những người bị mất trí nhớ liên quan đến tuổi tác đã cho thấy sự cải thiện hiệu suất trong các bài kiểm tra tâm lý thần kinh sau một quá trình thực hành thiền tập.

Nhận thức rõ hơn về bản thân

Với từ năm đến mười phút tập trung chú ý vào hơi thở và quay về bên trong với thân – tâm, thiền có thể giúp ta hiểu rõ hơn về bản thân, giúp ta phát triển thành bản thân tốt nhất. Trong quá trình thực hành thiền tập, chúng ta có dịp đối thoại với chính bản thân mình để gia tăng thêm sự hiểu biết sâu sắc hơn cho chính mình.

Sống tử tế và tích cực hơn

Khi được giải phóng những căng thẳng, lo âu, phiền muộn thông qua các bài tập thiền, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và dễ dàng đón nhận những năng lượng tích cực hơn. Thông qua việc trò chuyện và đối thoại cùng bản thân, ta học cách trân trọng cảm xúc và lắng nghe chính mình hơn. Ngoài ra, ta cũng có thể tham khảo phương pháp thiền Metta (thiền tâm từ) – phương pháp thiền bắt đầu bằng việc phát triển những suy nghĩ và cảm xúc tử tế đối với bản thân. Thông qua thực hành, mọi người học cách mở rộng lòng tốt và sự tha thứ này ra bên ngoài như người thân, bạn bè, đồng nghiệp, lối xóm…

Sau khi tìm hiểu qua những phương thức thiền tập khác nhau, cũng như hiểu về giá trị của việc thiền đến với sức khỏe tinh thần lẫn sức khỏe thể chất, mong là mỗi người trong chúng ta sẽ có thể tìm cho mình một liệu pháp phù hợp để cải thiện chất lượng cuộc sống chỉ với vài phút mỗi ngày.

>>> Xem thêm: