Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Dạy con tự lập trong chi tiêu

Nhiều cha mẹ không muốn để con tiêu tiền từ nhỏ, họ thay con thực hiện mọi quyết định chi tiêu tới tận khi con lớn. Tuy nhiên, những đứa trẻ “may mắn” được bao bọc ấy liệu có đủ năng lực quản lý tài chính cá nhân khi tới tuổi trưởng thành?

“Tết này hai đứa nhà em được mừng tuổi hơn 7 triệu, em thu hết. Cần gì thì bố mẹ mua”

“Ừ đúng rồi, trẻ con cầm tiền dễ hư người lắm!”

Nhiều cha mẹ không muốn để con tiêu tiền từ nhỏ, họ thay con thực hiện mọi quyết định chi tiêu tới tận khi con lớn. Tuy nhiên, những đứa trẻ “may mắn” được bao bọc ấy liệu có đủ năng lực quản lý tài chính cá nhân khi tới tuổi trưởng thành? Thay vì kéo con tránh xa tiền bạc, hãy cùng Prudential hướng dẫn bé sử dụng tiền một cách tự lập và thông minh nhé.

Mở đầu bài học chi tiêu, hãy cùng con phân biệt nhu cầu mua sắm theo hai nhóm Muốn và Cần; và dạy bé chi tiền hiệu quả cho các nhóm này nhé!

1. Mình nên mua những gì?

Bé nhà bạn hay đòi mua linh tinh mỗi khi đi mua sắm cùng bố mẹ? Đây là thời điểm thích hợp để bạn giải thích cho con sự khác nhau giữa những gì mình "Muốn" và những thứ mình "Cần": “Con biết không, mỗi lần đi siêu thị mình có biết bao nhiêu thứ cần mua này. Phải mua rau, thịt, trứng, sữa … cho cả nhà, mua dao cạo râu cho bố, mua dầu gội đầu cho mẹ, mua bút cho chị, mua kẹo bánh cho con nữa. Theo con, mình nên ưu tiên mua gì trước nào?”. Để bé dễ hình dung, hãy làm phép so sánh: “Ví dụ tuần này mình mua kẹo bánh cho con thay vì dao cạo râu cho bố, râu bố sẽ dài ra thế này này… Bố sẽ xấu hổ không dám đi làm mất!”. Từ đó, con sẽ hiểu cần ưu tiên cho những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Lần tới đi siêu thị, hãy nhờ con lập danh sách mua hàng và "giám sát" bố mẹ thực hiện theo thứ tự: ưu tiên mua những thứ "Cần" trước, và những thứ "Muốn" sẽ để cân nhắc sau.

2. Nhóm “Cần” - "Mua thế nào thì tốt nhất?"

Có khi nào bạn tự nhủ “Con có ý thức không đòi mua linh tinh là tốt rồi, mấy thứ mua sắm nội trợ giờ cứ để bố mẹ lo?". Tuy nhiên, không bao giờ là quá sớm để bạn dạy con những kỹ năng tiêu dùng cần thiết! Nghĩ mà xem, chỉ vài năm thôi nữa bé con nhà bạn sẽ vào đại học, những bài học chi tiêu bạn dạy hôm nay sẽ là hành trang hữu dụng cho con sống tự lập sau này. Hãy chia sẻ cùng con những bí quyết sau để việc mua sắm nhu yếu phẩm nhóm “Cần” được hiệu quả hơn nhé!

  • Chọn một siêu thị ưa thích cho cả gia đình và để bé làm “hoa tiêu” dẫn bố mẹ đi mua sắm: “Đố con biết quầy trứng nằm đâu nào? Đúng rồi! Theo con mua gói thịt nào mình sẽ làm được nhiều món hơn? Giỏi ghê ha, tuần sau con thay mẹ đi chợ được rồi đó!”
  • Lập một danh bạ những người bán hàng quen biết dán trên tủ lạnh: Cô Lành Gạo, Chú Trung Ga, Bác Mai Nước, Cô Hiền Rau, Bà Thủy tạp hóa… Mỗi khi gia đình bạn cần mua thêm những nhu yếu phẩm trên, bé có thể thay bố mẹ gọi điện đặt giao tận nhà.
  • Giúp con tiếp cận những kênh mua hàng hiện đại: Vào đầu học kỳ tới, hãy thử cùng con chọn sách giáo khoa và đồ dùng học tập trên các trang thương mại điện tử thay vì ra cửa hiệu. Cùng một mặt hàng, các trang bán lẻ khác nhau sẽ có sự chênh lệch nhất định về giá, chất lượng sản phẩm và dịch vụ đi kèm. Việc khuyến khích con tự tra cứu để chọn được nơi bán tốt nhất sẽ giúp bé hình thành thói quen cân nhắc cẩn trọng trước mỗi món đồ cần mua.
 

3. Tự lập trong chi tiêu

Sau thời gian quan sát bố mẹ chi tiêu, chắc hẳn bé nhà bạn đang rất mong được tự đi mua hàng như người lớn đó! Hãy cho con một khoản tiêu vặt cố định hàng tháng và giúp bé phân loại những thứ dự kiến mua theo hai nhóm “Cần” và “Muốn”. Nhóm “Cần” của con sẽ bao gồm những khoản chi bắt buộc như tiền ăn sáng, thẻ điện thoại, quỹ lớp, phí gửi xe, vé xe bus, … Ngược lại, trong nhóm “Muốn” sẽ là những thứ bé muốn mua nhưng cần cân nhắc thêm như đồ ăn vặt, truyện tranh, đồ chơi, quần áo mới. Sau bước phân loại, bố mẹ sẽ cùng con lên kế hoạch mua hàng cho nhóm “Cần”, và nuôi Heo ngắn hạn hoặc Heo dài hạn để mua được nhóm “Muốn”.

Cùng xem bảng minh họa một tháng chi tiêu của bé Bi học lớp 6 như sau:

Từ đó, Bi sẽ lên kế hoạch chi tiêu trong tháng:

  • Chi 550.000 VNĐ cho các khoản thuộc nhóm "Cần".
  • Để dành 25.000 VNĐ mỗi tuần vào Heo ngắn hạn để mua được 5 tập Conan vào cuối tháng.
  • Gửi tiết kiệm 150.000 VNĐ mỗi tháng cùng tiền mừng tuổi, tiền học bổng … vào 

 

Heo dài hạn cho mục tiêu đi trại hè tại Philippines.

Lập bảng chi tiêu không quá khó đúng không nào! Mỗi khi con hoàn thành xuất sắc bài học chi tiêu, hãy khen ngợi con và cho con biết bạn rất tự hào về bé: “Con mẹ giỏi ghê, tháng này tự mua được đồng hồ mới, lại còn đủ tiền bỏ Heo dài hạn nữa chứ! Cuối tuần về quê mình sẽ khoe bà nhé, bà sẽ vui lắm đây!”

Và để bắt đầu dạy con chi tiêu thông minh, hãy cùng bé xem clip Cha Ching vui nhộn này nhé!

>>> Xem thêm:

Cha-Ching là loạt phim hoạt hình giáo dục kĩ năng tài chính do Prudential phát triển dành cho trẻ em từ 7-12 tuổi. Thông qua các bộ phim hoạt hình âm nhạc vui nhộn, các em sẽ được học cách đưa ra các quyết định tài chính của mình để đạt được mục tiêu cá nhân và thực hiện ước mơ trong tương lai.