Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Ứng xử ra sao với khủng hoảng tuổi lên ba

Trong tiến trình phát triển tâm lí ở trẻ, giai đoạn được gọi tên “khủng hoảng tuổi lên ba” là giai đoạn diễn ra sự phát triển mạnh mẽ mà khó có thể tìm thấy ở các giai đoạn khác. Đây là giai đoạn phát triển mang tính đột phá ở cả thể chất (hệ xương, hệ cơ, sự hoàn thiện các cơ quan vận động,…) lẫn tâm lý (năng lực ngôn ngữ, ý thức về các mối quan hệ xã hội,…. ). Nổi bật hơn cả là sự biến đổi về chất của các chức năng tâm lí, tạo nên nền tảng của toàn bộ quá trình hình thành nhân cách sau này. Do đó, đây là khoảng thời gian khó khăn đối với chính trẻ lẫn cha mẹ - vì sự lúng túng trước hàng loạt các biểu hiện khủng hoảng của con.

Phản ứng phổ biến mà các bậc cha mẹ thường thể hiện trước những “cơn ương bướng” của con là nổi giận, cưỡng ép và qui gán cho con hàng loạt các từ ngữ định giá tiêu cực như: “con hư”, “không ngoan”, “lì lợm”,… Và thực tế chứng minh, tất cả những kiểu phản ứng đó có thể dập tắt tạm thời việc trẻ bất hợp tác, nhưng sau đó, mọi chuyện vẫn quay trở về chỗ cũ, thậm chí với mức độ trầm trọng hơn.

Ứng xử hợp lí với khủng hoảng tuổi lên ba đòi hỏi cha mẹ bắt đầu bằng việc hiểu đúng vấn đề mà con đang gặp phải. Đó chính là sự “mất cân bằng tạm thời” giữa các yếu tố, tạo nên những mẫu thuẫn bên trong lẫn bên ngoài của trẻ. Cụ thể, mâu thuẫn bên trong chính là sự phối hợp không nhịp nhàng giữa “năng lực cá nhân” và “nguyện vọng độc lập” của trẻ và sự cản trở từ phía người lớn bằng việc “bao bọc, làm thay” đối với mong muốn của trẻ là được thực hiện “nguyện vọng độc lập” đã tạo nên (mâu thuẫn bên ngoài). Nguyên nhân này lý giải vì sao khi làm cha mẹ, chúng ta không thể nào cấm cản và áp đặt con; thay vào đó, những điều bạn cần làm sẽ là:

1. Hãy để con sáng tạo

Với tư duy trực quan – hình ảnh, bé bắt đầu biết suy luận dựa trên hình ảnh bề ngoài của sự vật hiện tượng, giảm dần việc “thử và sai” và biết cách quan sát để tìm ra đáp án. Giai đoạn này bé có thể học hỏi rất nhanh và ghi nhớ sâu những điều mới lạ, vì vậy, khi tương tác cùng con, cha mẹ hãy đặt ra các câu hỏi “tại sao”, “sao thế này mà không là thế khác”, “nếu… thì …” để kích thích hành vi sáng tạo cho bé. Chẳng hạn, “Nếu bỏ quả bóng xuống nước thì….”, “Nếu Nấm không cắt móng tay thì….”, “Tại sao mèo lại phải có bộ lông?”, “Sao chúng ta phải ăn canh bằng muỗng (thìa) mà không phải bằng đũa?”,… Cách thức này không chỉ có giá trị trong việc kích thích tính sáng tạo cho trẻ mà còn là cơ hội để cha mẹ hình thành sự tự tin thể hiện ý kiến cho trẻ.

2. Hãy để “điều phi lý” của trẻ được thừa nhận một cách hợp lý

Khi cha mẹ đã chấp nhận để trẻ được đưa ra các ý tưởng sáng tạo, thì điều cần làm kế tiếp phải là “thừa nhận ý kiến” đó. Không nên đối xử với những phát biểu hết sức ngô nghê, phi lý của trẻ theo kiểu phủ định, gạt bỏ, chế giễu. Hãy hiểu rằng, trí tưởng tượng, đối với bé có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống và trong sự phát triển tâm lý, nhận thức. Bé sử dụng trí tưởng tượng để lý giải các hiện tượng xung quanh, để thoát khỏi giới hạn kinh nghiệm cá nhân chật hẹp, bộc lộ xu hướng tính cách và phát triển ngôn ngữ. Sự đánh giá theo tiêu chuẩn “hợp lý” của người lớn hoàn toàn không có ý nghĩa với trẻ trong lúc này, thậm chí, còn có thể tạo nên cho trẻ cảm giác “mình không được chấp nhận/ không ai hiểu mình cả!”.

3. Giúp con “gọi tên cảm xúc”

Trong giai đoạn này, tình cảm của bé bùng nổ nhanh chóng, mạnh mẽ, rõ ràng và có dấu hiệu cho thấy sự hình thành các tình cảm bậc cao, đặc biệt là tình cảm thẩm mỹ - biết nhận ra cái đẹp, rung cảm trước cái đẹp.

Ở tuổi này, bé cũng hay có những biểu hiện bướng bỉnh, chống đối, ghen tức. Đặc điểm này xuất phát từ khả năng tự kiểm soát chưa cao, cộng hưởng với nguyện vọng độc lập. Do đó, khi tương tác với bé, cha mẹ cần lưu tâm giúp bé điều chỉnh, đừng nôn nóng “dập tắt” tính ngang bướng của bé. Hãy cho bé những hướng dẫn rõ ràng, bình tĩnh và lắng nghe bé. Đừng ngần ngại thể hiện cho con thấy rằng “Bố mẹ hiểu cảm giác của con!”, “Con buồn lắm khi thấy cha mẹ bế em phải không?”, “Có phải vì con muốn được ăn gà rán nhưng mẹ không cho nên con thất vọng không?”… Hãy giúp con diễn đạt những điều mà con đang trải qua,  sự gợi mở này sẽ có tác dụng bình ổn mong muốn nổi loạn của trẻ một cách trực tiếp. Để sau đó, trẻ dễ dàng chấp nhận thực hiện các hướng dẫn hành vi từ cha mẹ: “con nên cảm ơn, xin lỗi”; “con nên dọn đồ chơi vào góc phòng”; “con có khó chịu về điều này không, tại sao?”; “vì sao con không thích em nằm cạnh mẹ?”... Từ đây, việc đối mặt với khủng hoảng tuổi lên ba không còn là vấn đề quá lớn lao của cả cha mẹ và bé.

>>> Bài viết có liên quan: Giúp con gọi tên cảm xúc như thế nào mới đúng?

4. Hãy lắng nghe

Giai đoạn này, ngôn ngữ của bé bước vào thời kỳ phát cảm – bé bộc lộ tính nhạy cảm cao đối với ngôn ngữ, khiến cho ngôn ngữ của bé phát triển nhanh và hoàn thiện. Rất nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng “đau đầu” khi phải nghe con mình nói huyên thuyên, thỉnh thoảng còn là cãi lý với cha mẹ. Thế nhưng, cha mẹ cần nhận ra: Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng ta cung cấp vốn từ cho bé thông qua các hoạt động: trò chuyện, đọc sách,… Từ đó, quá trình tư duy, cách giải quyết vấn đề của bé chuyển sang một bước tiến mới. Ngôn ngữ trở thành phương tiện để bé trình bày ý tưởng, mong muốn của mình hiệu quả và rõ ràng hơn.

Thay vì cấm đoán vô cớ: “Con có nín đi không?” hoặc phán xét “Sao mà nói nhiều quá!”cha mẹ cần trở thành một người bạn biết lắng nghe để hiểu, uốn nắn và cung cấp vốn từ, phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ. Đồng thời, chính việc lắng nghe này tạo cho con cảm giác thoải mái, được giải tỏa những điều lo lắng trong lòng, từ đó trẻ sẽ có thái độ hợp tác hơn và chấp nhận các chuẩn mực mà cha mẹ đang cung cấp cho mình.

>>> Có thể bạn quan tâm: Cách nào để trở thành bạn đồng hành thân thiết cùng con?

5. Biến hoạt động chơi của con thành cơ hội giáo dục

Nếu như từ 1-3 tuổi trẻ hoạt động bằng cách chơi với đồ vật thì tới 3-6 tuổi trẻ đã biết chơi với bạn qua những trò chơi sắm vai. Trẻ bắt đầu cần bạn cùng chơi để tham gia vào các tình huống chơi như: làm cha mẹ, nấu bếp, dạy học v.v...  Đời sống xã hội xung quanh được trẻ tái hiện sinh động trong hoạt động này. Tất cả các hành vi của người lớn trở thành “nguyên liệu” để trẻ chế biến lại trong hoạt động chơi của mình.

Vì thế, đây là cơ hội tuyệt vời để giáo dục những thói quen tốt, hợp chuẩn mực cho trẻ. Bạn hãy cùng chơi với trẻ các trò chơi sắm vai và “đổi vai”: trẻ thành cha/mẹ, thành cô giáo. Trong từng vai trò, hãy quan sát cách trẻ hành xử, bộc lộ ý nghĩ của mình. Từ đó, cung cấp các chuẩn mực cho trẻ như “con nên thế này, thế kia…”, “muốn người khác giúp, con phải nói là…”,… như vậy việc học được những thói quen tốt với trẻ sẽ trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn.

>>> Xem thêm: