tài chính cho con, quản lý tài chính
Blog Nhịp Sống Khỏe

Bố mẹ ơi, tiền từ đâu mà có?

“Tiền từ đâu mà có” là câu hỏi không ít phụ huynh gặp phải. Việc tránh né hay trả lời một cách đối phó có thể dẫn đến việc trẻ hiểu sai giá trị của việc đi làm kiếm tiền. Thay vào đó, hãy thẳng thắn cho trẻ biết công việc cụ thể của cha mẹ và mục đích của việc kiếm tiền là gì.  

Để con hiểu tiền từ đâu mà có

Để trẻ hiểu tiền từ đâu mà có, cần cho trẻ hiểu quy trình kiếm tiền một cách đơn giản. Cha mẹ là những tấm gương lao động gần gũi nhất với trẻ, vì vậy hãy kể cho con nghe về công việc của mình để con hình dung được sự chăm chỉ và vất vả của cha mẹ.   

Mục đích của việc đi làm kiếm tiền là để chi trả những nhu cầu, sinh hoạt của gia đình và con là một phần trong đó. Thay vì diễn giải phức tạp, hãy lấy những ví dụ quen thuộc xung quanh con. Quan trọng nhất là hướng con vào nội dung cần cố gắng, nỗ lực đi làm để tạo ra những giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội. 

Kiên nhẫn trước những đòi hỏi của con

Trẻ cần hiểu cha mẹ không phải nguồn tiền có sẵn để đáp ứng mọi nhu cầu bất cứ lúc nào. Khi con đòi hỏi một món đồ, phụ huynh không nên đồng ý hoặc phản đối ngay mà hãy kiên nhẫn hỏi con “vì sao con muốn món đó?”, phân tích và lồng ghép bài giảng về việc kiếm tiền để mua món đồ đó.

Cha mẹ có thể gợi ý ra một lộ trình kiếm tiền với mục tiêu là món đồ con muốn mua, chỉ rõ cho con những nguồn thu nhập để trẻ ý thức được rằng cha mẹ không phải nguồn tiền có sẵn. Đây cũng là một trong những vấn đề quen thuộc đối với nhiều gia đình. Khi trẻ con luôn nghĩ rằng cha mẹ là nguồn tiền không bao giờ cạn, trẻ sẽ dễ mất kiên nhẫn, thường xuyên đòi hỏi, và thiếu trân trọng sức lao động của người lớn.

Cùng con thực hành kiếm tiền

Học phải đi đôi với hành, đừng kỳ vọng trẻ sẽ hiểu ngay chỉ qua những lời giảng dạy suông. Gợi ý cho các phụ huynh là hãy cùng con tham gia các hoạt động đơn giản, “vừa chơi vừa học” ngay tại nhà theo giáo trình quản lý tài chính thông minh Cha Ching. Đây là giáo trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép, do Prudential Việt Nam và tổ chức JA Việt Nam triển khai tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội và Hưng Yên.

Hoạt động đầu tiên cha mẹ nên làm là giải thích cho con hiểu đúng giá trị đồng tiền thông qua trò chơi định giá đồ vật trong nhà. Qua đó con sẽ hiểu rằng mỗi món đồ đều đến từ sức lao động và người lớn cần đi làm để kiếm tiền chi trả cho cuộc sống.

Đối với những trẻ nhỏ, khái niệm kiếm tiền có thể được mô phỏng qua bảng khen thưởng. Cha mẹ hãy làm một bảng khen thưởng và đặt mục tiêu cho trẻ phấn đấu. Khi nhận được phần thưởng xứng đáng với những nỗ lực mình bỏ ra, con sẽ biết trân trọng thành quả và có tinh thần trách nhiệm hơn.

Trẻ trong độ tuổi 7-12 có thể hiểu các công việc khác nhau trong xã hội. Vì vậy, cha mẹ có thể chia sẻ nhiều hơn công việc của mình cho con. Đồng thời, tìm hiểu công việc mà con mong muốn trong tương lai. Các chuyên gia cũng cho rằng phụ huynh nên tạo cơ hội cho con thử sức kiếm tiền ở những lĩnh vực con thích và có khả năng như vẽ tranh, hát, viết văn. Số tiền kiếm được khi con còn nhỏ không thực sự quan trọng, nhưng kiến thức và khái niệm cơ bản về kiếm tiền được hình thành sớm sẽ cho con nhận thức đúng đắn về giá trị sức lao động và trở thành người có trách nhiệm trong tương lai.

Thông tin về dự án Cha Ching

Dự án giáo dục quản lý tài chính Cha Ching do TNHH BHNT Prudential Việt Nam phối hợp tổ chức JA Việt Nam thực hiện. Giáo trình Cha Ching phát triển bởi Quỹ Prudence (Quỹ hỗ trợ cộng đồng của Tập đoàn Prudential tại châu Á) và được dịch ra 10 ngôn ngữ giảng dạy trên nhiều quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, chương trình đã được triển khai tại các trường tiểu học thông qua chuỗi hoạt động "học mà chơi, chơi mà học" đa dạng và lôi cuốn. Với hình thức mới mẻ, Cha-Ching giáo dục cho trẻ từ 7 - 12 tuổi và cả người lớn về tầm quan trọng của việc quản lý tài chính, rèn luyện và phát triển toàn diện các thói quen quản lý tài chính thông minh.

Tìm hiểu thêm về Cha Ching tại: https://www.cha-ching.com/en/

Nguồn: Laodong.vn