Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Đồng hành cùng con trong việc thiết lập mục tiêu

Tuy sự phát triển tâm lý đã ở mức tương đối hoàn thiện, nhận thức của học sinh lứa tuổi trung học phổ thông chưa thực sự toàn diện để xác định đúng hướng đi trong tương lai. Do đó, bố mẹ cần đồng hành cùng trẻ trong việc xác định mục tiêu, tạo nền tảng để trẻ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn hướng đi của mình trong cuộc sống.

Ở mỗi giai đoạn phát triển về mặt xã hội của con người thường gắn với những bước chuyển biến lớn về mặt tâm sinh lý. Học sinh lứa tuổi trung học phổ thông cũng không nằm ngoài chu kì phát triển đó. Đặc biệt, ở lứa tuổi này, trẻ phải đối diện với nhiều sự biến chuyển, nổi bật là sắp rời khỏi ghế nhà trường, bước ra cuộc sống để xây dựng tương lai bản thân.

Ở lứa tuổi này, trẻ buộc phải có câu trả lời cho những lựa chọn khó khăn dưới sự tác động của nhiều yếu tố như gia đình, nhà trường, xã hội và cả mong muốn của bản thân. Có nhiều con đường được vạch ra nhưng trẻ chỉ có thể đặt chân trên một hành trình: học tiếp lên bậc học cao hơn (trung cấp, cao đẳng, đại học…), hay học nghề, học kinh doanh, tiếp nối công việc của gia đình bằng cách học việc từ chính cha mẹ để xây dựng tương lai,…?

Song song với sự tác động từ nhiều phía, sự phát triển tâm lý dù đã ở mức tương đối hoàn chỉnh nhưng chưa phát triển hoàn thiện, nhận thức của trẻ chưa thực sự toàn diện để xác định đúng hướng đi trong tương lai. Đây là giai đoạn mục tiêu của trẻ còn mông lung, chưa định hướng rõ ràng. Do đó, bố mẹ cần đồng hành cùng trẻ trong việc xác định mục tiêu, tao nền tảng để trẻ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn hướng đi của mình trong cuộc sống. Cùng trẻ xác định cả hai mục tiêu: mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn (5 – 10 năm). Con sẽ là ai trong tương lai? Con tồn tại để thực hiện sứ mệnh gì cho cuộc đời mình? – Là bác sĩ, kĩ sư, doanh nhân, nhà giáo; khái niệm thành công đối với con là đạt được những thành tựu gì? … - . Đó là câu hỏi mà bạn trẻ nào cũng trăn trở; và vai trò của bố mẹ lúc này vô cùng quan trọng để giúp con sáng rõ về những điều mà con chưa hề được trải nghiệm nhưng đã có sẵn trong vốn sống của bố mẹ.

Dưới đây là một số giải pháp mà bố mẹ có thể thực hiện để giúp đỡ con mình trong việc xác định mục tiêu bản thân và định hướng tương lai.

Tham dự cùng con các buổi hội thảo hướng nghiệp

Hiện nay, có rất nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động hướng nghiệp nhằm giúp học sinh trung học phổ thông định hướng rõ mục tiêu bản thân. Bố mẹ nên đi cùng con, hướng con tham gia các bài trắc nghiệm nghề nghiệp để con phát hiện ra ưu khuyết điểm của mình để dễ dàng xác định mục tiêu chính xác hơn.

Chủ động trao đổi cùng con, xác định ra mục tiêu phù hợp với sở thích nhưng cân đối với điều kiện kinh tế gia đình và môi trường sống hiện tại

Để xác định được mục tiêu phù hợp với bản thân, trẻ cần phải xác định được điểm mạnh – điểm yếu trong năng lực, tính cách của mình. Bố mẹ cần chủ động tạo nên những cơ hội giao tiếp để trẻ chia sẻ về nguyện vọng, mong muốn của mình. Bố mẹ cần hỏi và nghe câu trả lời: ước mơ con là gì? nghề nghiệp mà con lựa chọn? Dự định 5 năm tới của con là gì? Mẫu hình tượng con hướng đến? Các rủi ro đã xác định, con nên khắc phục bằng cách nào? Từ đó, cùng con ước lượng thời gian phù hợp để hoàn thành mục tiêu.

>>> Có thể bạn quan tâm: Để nuôi dưỡng ước mơ của con cha mẹ nên làm gì?

Bố mẹ cần nói cho trẻ biết những cơ hội và rủi ro trong mục tiêu mà trẻ lựa chọn. Đề cập đến rủi ro không phải là để ngăn cản trẻ thực hiện mục tiêu mà để trẻ học cách chấp nhận thử thách, khó khăn và cố gắng, nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đó.

Lắng nghe ý kiến của chuyên gia tâm lý, các nhà giáo dục hướng nghiệp

Xã hội không ngừng vận động và phát triển, do đó nhu cầu lao động của xã hội cũng không ngừng thay đổi, vì vậy bố mẹ cần biết: Xu hướng nghề nghiệp hiện nay là gì? Yêu cầu nghề nghiệp của mỗi ngành nghề ra sao? Điều kiện kinh tế gia đình có đáp ứng được hay không? Đó là những thông tin bố mẹ phải tiếp cận nếu muốn tư vấn cho trẻ trong việc thiết lập mục tiêu. Đồng thời, bố mẹ cần xem xét kết quả học tập và nghe giáo viên chủ nhiệm của trẻ chia sẻ về những ưu, khuyết điểm của trẻ ở trường, những thành tích mà trẻ đạt được không chỉ về học tập mà còn về năng khiếu (văn nghệ, thể dục thể thao, hội họa, viết lách,…). Đây là những cứ liệu hết sức quan trọng để bố mẹ khuyến khích trẻ, giúp trẻ đưa ra phương thức phù hợp để phát triển tiềm năng của bản thân và đề ra mục tiêu phù hợp với năng lực, sở thích của mình.

Không áp đặt kinh nghiệm cá nhân cho trẻ

Khi đã trở thành bố mẹ, đương nhiên bạn sẽ có nhiều trải nghiệm cuộc đời hơn trẻ. Tuy nhiên, hãy cố gắng tránh áp đặt ý kiến bản thân lên mục tiêu của con. Điều này sẽ cản trở quá trình giao tiếp diễn ra giữa bạn và con mình. Trẻ sẽ không còn cảm thấy an toàn và cần thiết phải chia sẻ và lắng nghe bố mẹ nữa vì mình không được tôn trọng, được trao cơ hội để thể hiện bản thân mình. Hãy lưu ý rằng, bố mẹ và trẻ trưởng thành, tạo lập thành quả trong những điều kiện, bối cảnh xã hội khác nhau; và cơ bản nhất: các phẩm chất tâm lý giữa bố mẹ và con cái không hề cùng một khuôn mẫu!

Cuối cùng, mong chờ thành công nhưng không được quên chướng ngại vật

Con trẻ với sức sống dồi dào và khát vọng được độc lập có thể sẽ rất hăng hái và đánh giá không đúng mức những thử thách mà mình gặp. Hãy hướng dẫn trẻ tách mục tiêu lớn ra thành những mục tiêu nhỏ, vừa sức. Có thể lưu ý với trẻ về việc thực hiện những mục tiêu dễ dàng trước để làm nền tảng hoàn thành mục tiêu lớn hơn, có độ khó cao hơn. Đừng quên nhắc nhở trẻ rằng: con đường thành công không chỉ rải đầy hoa hồng hoặc trải thảm, sẽ có lúc trẻ gặp khó khăn rồi vấp ngã; lúc ấy hãy nhớ đến mục tiêu để nỗ lực vượt qua, và hãy yên tâm rằng con không đơn độc trên hành trình ấy!

>>> Có thể bạn quan tâm: