Job Burnout là gì và bạn có đang mắc phải?
Nếu bạn thấy mình đang phải “vật lộn” với những công việc đơn giản nhất, dễ dàng thất vọng với đồng nghiệp hoặc những người thân yêu của bạn và cảm thấy như bạn không thể làm tốt bất cứ điều gì, bạn có thể đang gặp phải tình trạng Job Burnout - kiệt quệ trong công việc. Không phải ai cũng có thể nhận ra được chính mình đang kiệt quệ trong công việc và chúng ta thường nghĩ rằng những tình trạng này rồi cũng sẽ trôi qua.
Tuy nhiên, có một sự thật rằng kiệt quệ trong công việc sẽ thường kéo dài trong thầm lặng và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tất cả các mối quan hệ trong cuộc sống nếu chúng ta không tìm cách khắc phục tình trạng này. Trong bài viết này, hãy cùng Prudential tìm ra đâu là những dấu hiệu của Job Burnout để tìm cách khắc phục và cải thiện sức khỏe tinh thần, cũng như hiệu quả công việc của chúng ta.
1. Dấu hiệu của Job Burnout - Kiệt quệ trong công việc
Những đặc điểm chính của tình trạng Job Burnout là kiệt sức kéo dài và cảm giác chán nản thường trực trong công việc. Những điều này đều dẫn đến việc bạn sẽ không còn tìm thấy niềm vui trong công việc, giảm hiệu quả làm việc và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của bạn.
Kiệt sức kéo dài
Tình trạng kiệt sức của Job Burnout không chỉ xuất hiện tại nơi làm việc mà còn ở các hoạt động khác trong cuộc sống. Chẳng hạn như bạn hay cảm thấy cơ thể đau mỏi và bơ phờ sau mỗi giấc ngủ, hoặc bạn ngủ bao nhiêu cũng không thư giãn được. Bạn thậm chí bỏ bữa nhiều hơn và cảm thấy thiếu động lực để làm những việc trước kia mình rất thích.
Chán nản thường trực trong công việc
Dù cho công việc ấy có dễ hay khó đến đâu thì bạn vẫn thấy chúng rất chán nản và không có động lực hoàn thành. Mỗi ngày đi làm bạn sẽ thường có thể biểu hiện như lảng tránh và trì hoãn công việc được giao, ngoài ra, bạn còn thường thiếu tập trung trong các cuộc họp và thường hay quên mình cần phải làm gì.
Giảm hiệu quả làm việc
Lâu ngày bạn sẽ không muốn giao tiếp với đồng nghiệp, chậm trễ trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng và cảm thấy mất kết nối với nơi làm. Điều này này không chỉ ảnh hướng xấu đến hiệu qua làm việc, mà còn ảnh hưởng đến những mối quan hệ quan trọng xung quanh bạn.
2. Nguyên nhân dẫn đến Job Burnout
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến Job Burnout và các nguyên nhân này có thể được chia theo hai hướng: từ chính bạn như đặc điểm tính cách và từ các yếu tố bên ngoài như số lượng công việc gia tăng đột ngột.
Đặc điểm tính cách
Nếu như bạn là một người sống hướng nội và rất ngại lên tiếng để tìm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp xung quanh thì đây cũng chính là một nguyên nhân có thể dẫn đến sự kiệt quệ trong công việc. Khi bạn im lặng quá lâu, những đồng nghiệp xung quanh không thể nào biết được bạn có cần sự giúp đỡ hay không, hoặc phải giúp đỡ bạn từ đâu.
Ngoài ra, nếu như bạn là một người thường làm nhiều công việc cùng một lúc mà không có một kế hoạch phân chia công việc rõ ràng thì cũng có thể dẫn đến Job Burnout.
Yếu tố bên ngoài
Các yếu tố đến từ bên ngoài có thể là bạn đột nhiên được giao quá nhiều công việc, bạn không biết phải cân bằng cuộc sống và công việc như thế nào hay bạn vẫn phải làm việc khi cuộc sống đang trải qua biến cố. Những yếu tố này sẽ thay đổi cuộc sống cũng như kế hoạch làm việc của bạn, khiến cho bạn không kịp trở tay, từ đó̀ dẫn đển hoang mang và kiệt quệ trong công việc.
3. Cách khắc phục Job Burnout
Phân bổ công việc
Bạn nên xác định được mình phải ưu tiên công việc nào trước và có thể hoàn thành công việc nào sau tùy theo tính quan trọng của mỗi công việc. Điều này sẽ giúp bạn có một kế hoạch làm việc hợp lý để tránh tình trạng Job Burnout. Hơn hết, việc thực hiện một kế hoạch làm việc hợp lý và thông minh còn có thể giúp bạn đảm bảo được chất lượng cao cho mỗi công việc khác nhau.
Cùng chia sẻ với những người mình tin tưởng
Hãy tâm sự và tìm sự trợ giúp từ những người bạn có thể tin tưởng như người thân trong gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp. Khi bạn có người lắng nghe và thấu hiểu thì bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều, cũng như được tiếp sức thêm một phần nào đó trong công việc để vững vàng vượt qua mọi thử thách.
Thử một hoạt động thư giãn
Khám phá các hoạt động có thể giúp giảm căng thẳng như yoga, thiền hoặc chạy bộ. Khi bạn cho mình thời gian thả lỏng để tách rời ra khỏi công việc, sức khỏe tinh thần của bạn sẽ trở nên lạc quan và khỏe mạnh hơn. Trước khi bắt đầu một tuần mới bận rộn tại công ty thì bạn hãy thử “sạc pin” năng lương của mình bằng cách thử những bài tập yoga đầy thư giãn để bản thân mình cảm thấy thoải mái hơn nhé.
Đi tìm chánh niệm
Chánh niệm là hành động tập trung vào luồng hơi thở và ý thức sâu sắc về những gì bạn đang cảm nhận và cảm thấy tại mọi thời điểm mà không cần giải thích hay phán xét. Trong bối cảnh công việc, phương pháp này liên quan đến việc đối mặt với các tình huống với một tâm trí cởi mở và kiên nhẫn để giúp bạn vượt qua các thử thách trong công việc một cách dễ dàng hơn. Điều này sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn để đối phó với mọi thử thách trong công việc một cách cách nhẹ nhàng và sáng suốt.
4. Tổng kết
Tình trạng Job Burnout - kiệt quệ trong công việc đang trở nên rất phổ biến trong nhịp sống bận rộn ngày nay. Tuy nhiên, bạn hãy yên tâm rằng nếu như chúng ta có thể lùi lại một bước để nhận ra mình đang trải qua tình trạng này thì việc thực hành để khắc phục nó cũng tương đối dễ dàng. Điều quan trọng nhất vẫn là chính chúng ta phải có một lối sống thật lành mạnh để có thể cân bằng được giữa công việc và cuộc sống. Hãy luôn nhớ rằng xung quanh bạn vẫn còn rất nhiều người thân, bạn bè và đồng nghiệp luôn sẵng sàng cổ vũ cho bạn nhé.