Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Mẹ ơi, con muốn tự làm!

Ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi, đa số trẻ sẽ bắt đầu thể hiện tính tự lập, thích tự làm mọi thứ, từ những việc cho bản thân như đánh răng, chải tóc, đến những việc bắt chước người lớn như quét nhà, nấu cơm. Do kinh nghiệm sống còn non nớt và tính hiếu kỳ là đặc điểm nổi trội ở các trẻ trong độ tuổi này, những điều trẻ làm thường mang tính bộc phát, chẳng theo bất kì khuôn khổ nào và kết quả thường là làm hư hỏng, đổ vỡ đồ đạc trong nhà. Chính vì thế, những hành động này của trẻ thường bị xem là phá phách trong mắt người lớn; nhiều phụ huynh đã phản ứng bằng cách ngăn cấm trẻ mà không biết rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển tính tự lập của trẻ.

Nếu bạn đang gặp phải vấn đề tương tự, hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây từ các nhà tâm lý học về nuôi dạy trẻ nhé!

Luôn luôn kiên nhẫn và cho bé thời gian

Khi trẻ tự mình làm những việc như ăn uống, chải đầu, đánh răng, mặc quần áo, gấp chăn màn,… bạn hãy kiên nhẫn và tôn trọng trẻ. Ngoài ra, hãy ân cần chỉ bảo thêm cho trẻ những điều bé có thể cải thiện vào lần sau. Hành động này tuy nhỏ nhưng sẽ hình thành tâm lý tự lập cho con. Trẻ sẽ thích thú với cuộc sống do mình chủ động hơn là phụ thuộc vào bố mẹ. Chính việc tự lập sẽ giúp trẻ tìm ra những khả năng tiềm ẩn của bản thân từ đó bé sẽ dễ dàng hoàn thiện và phát triển cá tính của mình.

Để chủ động giải quyết vấn đề về thời gian để trẻ tự mình sinh hoạt cá nhân, bạn có thể khéo léo sắp xếp thời gian để không ảnh hưởng đến công việc của bạn và gia đình. Điển hình như thay vì thức dậy lúc 7 giờ sáng rồi mới vội vàng chuẩn bị ngày mới cho cả con và bản thân thì hãy đánh thức cả nhà lúc 6 giờ sáng và cùng nhau vệ sinh răng miệng, nấu và dùng bữa sáng, cùng chuẩn bị đồ đạc cho một ngày học tập và làm việc…

Hãy tạo điều kiện cho bé tự lập

Bạn nên tạo điều kiện cho bé tham gia vào những công việc nhà hằng bằng cách mua những dụng cụ nấu bếp, quét dọn nhỏ nhắn vừa tay với trẻ. Hãy để trẻ cùng bạn thực hiện những công việc nội trợ như quét nhà, lau nhà, nhặt rau, rửa rau… Và, đừng quên dành cho trẻ một không gian nhỏ riêng để trẻ thực hiện và đánh giá kết quả sau khi trẻ hoàn thành. Những công việc tưởng chừng rất nhỏ này có thể giúp bé học cách đảm đương trách nhiệm, trân trọng những gì mình đang có và thắt chặt mối quan hệ của các thành viên trong gia đình.

Đặc biệt, bạn có thể đưa bé đến những khu vui chơi mang mô hình hướng nghiệp để bé được thử mình với các công việc của người lớn như phi công, bác sĩ, đầu bếp… Các mô hình này đang được triển khai rất rộng rãi tại KizCiti và Vietopia, đón nhận nhiều phản hồi tích cực từ các bé và phụ huynh.

Hạn chế thói quen tự lập “tiêu cực” từ người lớn

Bên cạnh những hành động tự lập mang tính tích cực, trẻ sẽ dễ học theo người lớn ở những thói quen tiêu cực như dùng điện thoại, dùng vi tính quá lâu để chơi, các bé gái tập tô son theo mẹ hay bé giả buôn chuyện với người khác qua điện thoại. Để hạn chế điều này, các bậc bố mẹ không nên làm “gương xấu” cho con; chẳng hạn như không dùng điện thoại khi chơi với con hay đang trong giờ ăn cơm…  Đồng thời, hãy hướng dẫn trẻ dùng các chức năng cơ bản của điện thoại, máy tính và đưa ra thời gian sử dụng các thiết bị điện tử hợp lý cho trẻ. Mỗi hành động nhỏ của bố mẹ đều được trẻ quan sát nên hãy thận trọng và cư xử thật tinh tế trước mặt con trẻ.

>>> Có thể bạn quan tâm: Ai bảo ứng dụng điện thoại toàn có hại cho sức khỏe?

Động viên và khen ngợi

Xu hướng “Thương cho roi cho vọt – Ghét cho ngọt cho bùi” của người Á Đông khiến việc dạy con của bố mẹ Việt thường nặng về việc la mắng, răn đe con trẻ. Đây là thói quen không tốt trong việc giáo dục con cái vì khiến con trở nên thiếu tự tin, chán nản, áp lực, thậm chí có thể hình thành thói quen nói dối để không bị chê trách.

Thế nên, các bậc phụ huynh nên học cách khen ngợi trẻ ngay khi con làm tốt và động viên con hoàn thành những việc bản thân trẻ có thể tự làm được như tự ăn cơm, tự uống nước, biết xếp khăn gọn gàng sau khi dùng xong,... Những câu nói khen ngợi như “Con làm tốt lắm!”, “Giỏi lắm!”… nên được sử dụng thường xuyên. Qua đó, bé cảm thấy hành động mình làm được trân trọng và bé sẽ phát huy hành động này. Thói quen này tuy đơn giản nhưng rất cần sự kiên nhẫn và nhất quán của bố mẹ, ông bà.

Các bố mẹ cũng nên lưu ý rằng, việc khen ngợi con trẻ cần đúng lúc, đúng độ tuổi và đúng cường độ. Khi bé 2, 3 tuổi, những hành vi như đánh răng đúng giờ, ăn cơm không rơi vãi sẽ được động viên. Nhưng bé 4, 5 tuổi thì đó là thói quen hằng ngày, là nghĩa vụ của bé, việc bạn động viên sẽ là quá lố và tạo cho bé cảm giác mình là trung tâm của mọi thứ, dễ sinh tâm lý tự kiêu. Việc khen ngợi quá dồn dập cũng sẽ mang đến cảm giác tương tự.

Bên cạnh đó, bạn cần động viên trẻ hoàn thành hết việc làm của mình. Ví dụ, bé xếp quần áo nhưng bỏ dở vài bộ vì quá mệt thì đừng nên la mắng bé. Bạn hãy nhìn con cười và nói rằng “Giờ mẹ xếp cùng con nhé. Con xếp 2 bộ, mẹ xếp 2 bộ là đều! Con giỏi mà!” – Bé sẽ cảm thấy mình được quan tâm đúng lúc. Việc động viên trẻ rất quan trọng vì đó sẽ là nền tảng cho hành vi của con. Nếu bé chỉ nhận được lời la mắng khi làm sai, bé sẽ có xu hướng bỏ cuộc và ngại bắt tay vào việc mới. Mặc dù vậy, bạn cần biết cách động viên đúng lúc. Hãy quan sát trẻ thật cẩn thận và động viên ngay lúc trẻ sắp bỏ cuộc. Động viên quá sớm dễ mang đến tác dụng ngược lại, khiến con trở nên dựa dẫm vào bố mẹ hơn và không thể rèn luyện kỹ năng tự lập.

Dạy con cách tự chủ về tiền bạc

Ngoài giáo dục trẻ em cách tự lập trong cuộc sống, nhiều bậc phụ huynh hiện đại lựa chọn tham gia bảo hiểm nhân thọ như giải pháp hình thành tư duy tự chủ tài chính cho con ngay từ sớm.

Từ đây, điều này giúp bé hiểu được giá trị của đồng tiền, học cách tiết kiệm, tích lũy hiệu quả để khi trưởng thành, con cái không còn phụ thuộc vào bố mẹ. Thay vào đó, trẻ có thể tự tin, độc lập theo đuổi ước mơ, tự do phát triển theo đúng nguyện vọng của bản thân và thoải mái tận hưởng tuổi hưu trí an nhàn, không vướng bận tài chính.

Giải pháp lập kế hoạch tài chính cho những mục tiêu quan trọng của cuộc sống.

Những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt lại đóng vai trò rất lớn trong sự hình thành tính cách tự lập và trách nhiệm của bé sau này. Vì thế, đừng chỉ vì chút phiền hà nhất thời mà bỏ qua cơ hội để con tự rèn luyện kỹ năng tốt này ngay từ tấm bé, bạn nhé!

>>> Xem thêm: Những kỹ năng mà cha mẹ nên giáo dục cho trẻ từ sớm