Chào đón năm học mới
Blog Nhịp Sống Khỏe

Giúp con đẩy lùi sức ì mùa hè - Chào đón năm học mới

Tháng tám là thời điểm học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ hè dài 3 tháng. Lúc này, các con cần được “lên dây cót” để làm quen với nhịp sinh hoạt trước thềm năm học mới. Vậy ba mẹ cần làm gì để giúp con đẩy lùi sức ì mùa hè và hào hứng học tập?

1. Sức ì mùa hè ảnh hưởng tâm lý năm học mới

Sau kỳ nghỉ hè dài, ngại đến trường là tâm lý chung của nhiều học sinh. Trẻ đi học lại sẽ không tránh khỏi sự uể oải do “lệch” nhịp sinh học khi chuyển từ chế độ “vui chơi thoải mái” sang “học hành nghiêm túc”. Nếu gia đình và nhà trường không kịp thời hỗ trợ thì các con có thể mất nhịp vì chưa kịp tìm lại niềm hứng thú học tập, có thể dẫn đến kết quả học tập kém.

Chính sự xả hơi quá mức và sự quan tâm chưa đúng cách của ba mẹ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Để giúp các con có được trạng thái cân bằng nhanh chóng sau những ngày hè, ba mẹ cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ con trước khi năm học mới bắt đầu.

2. Tiếp động lực giúp con hào hứng trở lại trường sau hè

2.1 Mind Warm-up: Chuẩn bị tinh thần “tiễn mùa hè – đón tri thức”

Đầu tiên, ba mẹ cần giúp con hiểu rõ khoảng thời gian vui chơi, xả hơi sắp tạm khép lại và năm học mới sắp bắt đầu. Sau kì nghỉ dài được tự do trải nghiệm các hoạt động yêu thích thì đã đến lúc ôn tập kiến thức cũ và chuẩn bị kỹ lưỡng cho nhiệm vụ học tập năm mới, con cần nỗ lực để đạt được kết quả tốt.

  • Hãy đặt những câu hỏi suy ngẫm để kích thích tư duy của con: "Mùa hè đã mang lại cho con những gì?", "Cảm giác của con khi trở lại trường học thế nào?", "Con mong đợi gì cho năm học mới?". Từ suy nghĩ của con hãy hướng con đến các kỷ niệm, nỗi nhớ và kỳ vọng tốt đẹp khi quay trở lại trường như con được gặp lại trường lớp, bạn bè, thầy cô mình thích sau những ngày hè dài xa cách.
  • Hãy hỏi về ước mơ tương lai của con, dẫn dắt và giải thích cho con về việc học tốt trong năm học sẽ có tầm quan trọng như thế nào giúp con vươn tới ước mơ tương lai.
  • Khuyến khích con nghĩ về những gì mình muốn đạt được trong năm học mới và cùng con lên cách thức thực hiện.
  • Không nên cấm đoán mọi sở thích của con mà cần định hướng, phân tích, để con biết cách nhận thấy nhiệm vụ nào là quan trọng cần ưu tiên trong thời điểm này, và khi nào là thời điểm thích hợp để con có thể dành thời gian cho sở thích cá nhân.

2.2 Lên mục tiêu và kế hoạch cho năm học mới

Đây là bước quan trọng giúp con có phương hướng và mục tiêu phấn đấu trong hành trình học tập. Bước này bao gồm việc đề ra những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, lập thời khóa biểu và kế hoạch học tập.

  • Cùng con xác định mục tiêu muốn đạt được trong năm học mới liên quan đến nhiều khía cạnh như có được kiến thức gì khi học tập, hoạt động ngoại khoá, các môn năng khiếu con muốn học hay đơn giản là con có kế hoạch kết nối bạn bè ra sao. Con sẽ có thêm động lực và nhiều niềm vui khi có phụ huynh đồng hành.
  • Xây dựng kế hoạch học tập cùng con từ những điều nhỏ nhất như thiết lập lịch học chính khóa, lịch làm bài tập và phân chia thời gian cho việc học tập, giải trí.
  • Sau khi hoàn thành mục tiêu, hãy để con viết thành bảng kế hoạch, trang trí thật đẹp và treo trước bàn học tạo động lực cho con mỗi ngày.

2.3 Khởi động lại thói quen học tập sau kỳ nghỉ hè

Hãy khởi động lại thói quen học tập từ 1-3 tuần trước ngày khai giảng để con và gia đình có thể xây dựng lịch trình và tạo ra môi trường học tập tích cực.

  • Xây dựng lại thói quen sinh hoạt theo nhịp học tập cùng con như dành thời gian cố định hàng ngày để ôn tập, đọc sách hoặc thực hiện các hoạt động liên quan đến việc học. Hạn chế việc “ngủ nướng”, vui chơi quên giờ giấc ngày hè bằng lịch ngủ nghỉ theo nhịp những ngày đến trường sắp tới của con.
  • Cùng con tìm kiếm công cụ hỗ trợ cho việc học như: sổ ghi chép, lịch nhắc việc, ứng dụng quản lý thời gian, các tài liệu tham khảo, các món trang trí hữu ích cho khu vực học tập. Hãy lưu ý sở thích màu sắc, các con vật hay mẫu trang trí con thích để góc học tập mãi làm con mê mẩn.
  • Hãy luôn khích lệ và hỗ trợ con vì việc khởi động lại thói quen học tập có thể không dễ dàng trong giai đoạn này.

2.4 Chuẩn bị tình huống con không hợp tác sau hè

Đang từ hoạt động vui chơi chuyển sang học tập là giai đoạn con cần có sự thích ứng nhất định. Vì thế, ba mẹ cần có kỹ năng xử lý những biểu hiện tiêu cực của con.

  • Hãy xem xét các tình huống con không hợp tác: con lười học, không muốn làm bài tập hoặc không tập trung trong lớp. Xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể gồm quy tắc, hình phạt hoặc trao thưởng.
  • Hãy giải thích rõ ràng khi con không hợp tác, đảm bảo con hiểu rõ lỗi gây ra và hệ quả của nó.
  • Nếu con thực hiện tốt hãy khuyến khích, khen thưởng, nếu con không hợp tác, hãy phạt nhẹ nhàng hoặc giảm thời gian giải trí. Không chửi mắng con mà hãy cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc con gặp phải.
  • Nếu không có hiệu quả, ba mẹ cần phối hợp với nhà trường, giáo viên, xin ý kiến chuyên gia để có biện pháp phù hợp.

Ba mẹ hãy cùng thực hiện những bước trên để giúp con xây dựng nền tảng năm học mới thú vị và hiệu quả nhé!