Mùa đông, tắm gội thế nào mới an toàn?
Blog Nhịp Sống Khỏe

Mùa đông, tắm gội thế nào mới an toàn?

Vệ sinh cá nhân là hoạt động cần thiết mà ai cũng thực hiện mỗi ngày để không chỉ đảm bảo cơ thể lúc nào cũng sạch sẽ, tránh bệnh tật mà còn mang lại sự sảng khoái và thư giãn. Tuy nhiên, thời tiết cuối năm đã bắt đầu se lạnh, bạn nên chú ý vấn đề vệ sinh cơ thể, đặc biệt là  tắm gội khoa học, đúng cách để không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhé. Sau đây là một số nguyên tắc cần được lưu ý khi tắm gội vào mùa đông mà bạn có thể tham khảo!

1. Hạn chế ngâm mình trong nước quá nóng

 

Bình thường vào trời lạnh, hầu như ai cũng thường thích ngâm mình trong nước nóng. Thế nhưng, việc tắm hay ngâm mình trong nước nóng quá lâu sẽ không tốt cho sức khỏe. Nguyên do là khi cơ thể đang ở trong môi trường lạnh nhưng tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ cao sẽ gây hiện tượng sốc nhiệt, giãn mạch máu khiến bạn chóng mặt, choáng váng.

Vậy nên, tốt nhất bạn chỉ nên tắm trong nước ấm vừa phải để vừa giữ sức khỏe, vừa bảo vệ được làn da của mình tốt hơn trong mùa đông.

2. Tuyệt đối không nên tắm đêm

Không chỉ riêng mùa đông, mà bất cứ mùa nào trong năm, bạn cũng không nên có thói quen tắm đêm, bởi vì nhiệt độ về đêm thường sẽ thấp hơn ban ngày, kèm theo đó là sự giảm nhiệt đột ngột khi cơ thể tiếp xúc với nước cũng đều khiến tuần hoàn máu giảm do các mao mạch co lại. Do đó, cơ thể sẽ dễ bị cảm lạnh hơn, nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến đột quỵ.

Bác sĩ khuyến cáo chúng ta không nên tắm sau 11 giờ đêm, hạn chế việc gội đầu vào buổi tối. Từ 19 giờ (7 giờ tối) trở đi nếu buộc phải gội đầu, hãy gội bằng nước ấm và đảm bảo sấy tóc thật khô.

3. Không tắm khi quá no hoặc quá đói

 

Sau khi ăn no, máu sẽ tập trung ở dạ dày và ruột để hỗ trợ tiêu hoá. Theo đó, nếu tắm ngay sau khi ăn sẽ làm cho dạ dày co bóp chậm lại, dịch tiêu hoá tiết ra ít hơn, đồng thời còn khiến cho mạch máu to ra và lượng máu trong cơ thể không đủ nên khiến lưu lượng máu chảy vào hệ tiêu hoá giảm đột ngột. Lúc này, tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn nên dễ gây nên các bệnh về tim mạch.

Ở phía cạnh khác, chúng ta cũng không nên tắm khi bụng quá đói, vì cơ thể dễ dạ đường huyết, gây chóng mặt thậm chí choáng váng và ngất đi rất nguy hiểm.

4. Không nên dùng quá nhiều xà phòng khi tắm

Vào mùa đông, làn da thường nhạy cảm hơn nên việc sử dụng nhiều xà phòng khi tắm sẽ vô tình gây tổn thương cho da như mẩn ngứa, dị ứng.

 

Theo đó, khi chọn mua các sản phẩm làm sạch da, bạn nên chọn loại giàu chất dưỡng ẩm sâu để phù hợp với làn da của mình trong mùa đông và cần tránh những loại sữa tắm có chứa cồn hay độ kiềm cao vì nó sẽ làm da khô nhiều hơn.

5. Cần lau khô người ngay sau khi tắm

Bạn tuyệt đối không để cơ thể ở trong tình trạng ẩm ướt khi bước ra khỏi phòng tắm, vì lúc này, cơ thể sẽ dễ bị nhiễm lạnh, gây kích ứng da hơn. Tuy vậy, bạn cũng đừng nên sử dụng máy sấy để hong khô người vì việc này sẽ dễ làm da bị mất nước và khô nẻ. Thay vào đó, hãy duy trì cho mình thói quen lau khô người bằng khăn sau khi tắm, chú ý nên chọn  loại khăn có bề mặt mềm mại để lau người cho nhanh khô và tránh tổn thương da.

 

Đồng thời, trong những ngày rét đậm, bạn cũng cần chú ý thêm, chẳng hạn về thời gian tắm không quá 10 phút, cũng như nhiệt độ nước không vượt ngưỡng 41 độ. Đặc biệt, đối với những trường hợp có bệnh tim mạch và đái tháo đường thì cần lưu ý một số điểm sau, cụ thể:

  • Trước khi tắm, có thể ăn nhẹ và đã uống thuốc điều trị.

  • Hãy tự cảm nhận, cơ thể cảm thấy thoải mái rồi mới tắm.

  • Nếu đang tắm bỗng thấy chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, tim đập nhanh… cần lập tức đi ra khỏi phòng tắm, nghỉ ngơi, uống chút nước gừng hoặc nước nóng. Gọi ngay cho người thân hoặc bất cứ ai đang ở cùng bạn để theo dõi tình hình sức khỏe, kịp thời đưa ngay đến bệnh viện nếu sức khỏe bạn có dấu hiệu bất thường.

  • Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào như: mệt mỏi, đau đầu, khó chịu,… thì không nên tắm.

 

Vừa rồi là một số điểm cần được lưu ý khi tắm gội vào thời tiết giá lạnh. Hãy luôn ghi nhớ và nắm rõ thông tin để có thể bảo vệ sức khoẻ của bản thân và những người xung quanh trong dịp cuối năm này nhé!