Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Hội chứng nổi loạn, đua đòi ở tuổi mới lớn

Một trong những vấn đề của tuổi mới lớn được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là xu hướng nổi loạn, đua đòi. Hình ảnh các em đến trường trong chiếc quần jean rách, chiếc áo hở hang theo mốt, đầu tóc kiểu cách kỳ lạ nhuộm đủ màu, hay những đoạn phim quay những chiếc áo trắng phì phà khói thuốc, say sưa bên rượu bia đã gây nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, cũng như những giai đoạn phát triển khác, đây là một thử thách dành cho cha mẹ trong việc nắm bắt tâm lý con trẻ và đưa ra những giải pháp phù hợp để có thể hạn chế nguy cơ xảy ra hậu quả đáng tiếc. Bài viết hôm nay của Prudential sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và giải quyết hội chứng đua đòi tuổi mới lớn này một cách thật hiệu quả.

Nguyên nhân từ nhiều phía

Theo Bác sĩ Lâm Xuân Điền - Giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM, trẻ trong độ tuổi vị thành niên đang ở giai đoạn “người lớn không ra người lớn, trẻ em không ra trẻ em” nên không hiểu được chính bản thân mình, dễ sa đà vào những thói quen xấu hay có suy nghĩ lệch lạc. Một số em thích thể hiện, chứng tỏ bản lĩnh. Trong khi một số em khác lại sợ bị cô lập, tẩy chay vì không đi theo phong cách nổi loạn, khác biệt của tập thể. Chính vì thế, tự bản thân các em vô tình kéo mình và bạn bè vào vòng sa ngã mà không hay.

Sở hữu quan điểm khác, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết: “Phần lớn trẻ trong lứa tuổi này bắt đầu suy nghĩ độc lập và luôn muốn thể hiện cái tôi cá nhân của mình. Vì thế, hơn bao giờ hết, chúng cần đến sự quan tâm và cảm thông của cha mẹ.” Dù gia đình có điều kiện về kinh tế, nhưng nếu cha mẹ cứ bận rộn công việc làm ăn thì con cái sẽ dễ lơ là việc học, thường xuyên tụ tập bạn bè để ăn chơi. Bởi trẻ đang muốn đi tìm sự chú ý và quan tâm từ những người khác khi không nhận được thương yêu đầy đủ ở chính gia đình mình.

Ngoài hai nguyên nhân kể trên, trường học cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến hội chứng đua đòi của tuổi mới lớn. Như lời Thạc sĩ tâm lý Phùng Thị Hiên chia sẻ: “Ngoài sự nỗ lực của bản thân và gia đình trong việc nhìn nhận và thay đổi cách ứng xử với con, thì một môi trường học tập phù hợp cũng rất có giá trị để con rèn luyện tính tự giác.” Nếu con trẻ cảm giác nội quy nhà trường quá cứng nhắc, nghiêm khắc thì chúng sẽ cảm thấy mệt mỏi và muốn nổi loạn. Thậm chí, những đứa trẻ “cầm đầu” còn được bạn bè tung hô và thán phục.

Trước những nguyên nhân từ nhiều phía như vậy, bạn không thể chỉ áp dụng một giải pháp để giúp con thoát khỏi hội chứng đua đòi, nổi loạn được. Hãy xem đó là một hành trình dài với nhiều giải pháp phối hợp với nhau, để con bạn có thể phát triển và trưởng thành đúng cách.

Giải pháp 1: Dành nhiều thời gian cho con hơn

Thử bớt chút thời gian, nhìn lại xem bạn đã dành đủ yêu thương cho con chưa? Hay bởi vì công việc quá bận rộn mà bạn vô tình để con tự “bơi” trong thời điểm nhạy cảm tuổi dậy thì? Con trẻ ở lứa tuổi này thường có xu hướng cảm thấy cô đơn, nên chúng dễ rơi vào các mối quan hệ khác và bị cuốn vào vòng sa ngã.

Để tránh tình huống này xảy ra, bạn phải cho con cảm nhận được tình yêu thương của mình, để con luôn ghi nhớ đâu là tổ ấm đích thực, và những người thực sự quan tâm con là ai. Hãy thường xuyên hỏi ý kiến con khi bạn có dự định sắm sửa một thứ gì đó, gián tiếp cho con biết mình cũng có vai trò nhất định trong nhà. Đồng thời, bạn cũng có thể chủ động tạo ra các hoạt động vui chơi gia đình vào mỗi dịp cuối tuần để tăng mối gắn kết tình cảm với con cái.

>>> Có thể bạn quan tâm: Dành thời gian cho con không phải là chuyện khó

Giải pháp 2: Trở thành “đồng minh” của con

Khi con trẻ có hành vi bất ổn, bạn đừng vội đưa ra những lời trách cứ hay trừng phạt, đặc biệt là không nên so sánh con với những đứa trẻ khác. Vì so sánh chỉ khiến con cảm thấy thua kém bạn bè, từ đó dễ hình thành tâm lý tự ti, không muốn cố gắng. Thay vào đó, hãy đóng vai trò “đồng minh” tính cực, động viên con sửa chữa những điều chưa tốt. Mỗi khi thấy con buồn bã thì bạn đến ngồi xuống lắng nghe tâm sự của con, cùng con phân tích vấn đề để tìm ra giải pháp.

>>> Đừng bỏ lỡ: Làm thế nào để trở thành bạn đồng hành thân thiết với con

Trách cứ hay trừng phạt sẽ không hiệu quả bằng việc trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cần thiết để ứng phó với bất ổn tuổi dậy thì. Bởi bạn không thể nào kiểm soát con 24/7, nên hãy để con chủ động vượt qua những cám dỗ đua đòi xung quanh mình.

Ví dụ như khi thấy con tập hút thuốc lá, bạn đừng nên quát mắng và ép con hứa bỏ thuốc. Bởi có thể con sẽ vâng dạ trước mắt chỉ để làm vui lòng bạn thôi, rồi sau đó lại lén lút hút thuốc sau lưng bạn. Hãy nhẹ nhàng tâm sự với con về những tác hại của thuốc lá như “Hút thuốc răng sẽ vàng, hơi thở bốc mùi, sẽ không được các bạn khác giới thích đâu.” Và chỉ cho con làm thế nào để từ chối khi bạn bè rủ rê mình hút thuốc. Làm như thế, con sẽ cảm nhận được bạn là “đồng minh” của mình và tự giác nghe theo lời khuyên của bạn để tránh những tác hại mà bạn đã nói cho con nghe.

Giải pháp 3: Phối hợp cùng bạn bè và thầy cô của con

Giáo dục trong gia đình vẫn là chưa đủ, vì con bạn còn có thể bị tác động bởi các mối quan hệ bên ngoài. Nếu có thể, bạn nên giữ liên hệ với bạn bè thân thiết của con để đảm bảo con không bị lôi kéo bởi nhóm người xấu. Nhưng vẫn phải đảm bảo con và bạn bè có không gian riêng tư, chứ không chăm chăm theo dõi con 24/7.

Còn trên trường lớp, hãy trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để hai bên cùng nhau tìm ra phương pháp học tập, sinh hoạt tốt nhất cho con. Bạn cũng nên nói chuyện để con hiểu rằng: nội quy nhà trường tuy nghiêm khắc, nhưng chỉ cần để ý thì con sẽ không vi phạm. Hơn nữa, việc “nổi loạn” bằng cách vi phạm nội quy sẽ khiến bạn bè tung hô con nhất thời mà thôi. Còn nếu con học giỏi, chăm ngoan thì sẽ được rất nhiều người nể phục lâu dài.

Dĩ nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng nổi loạn ở tuổi mới lớn và không phải sự nổi loạn nào cũng mang tính tiêu cực. Nhưng dù thế nào đi nữa, bạn hãy cố gắng trở thành người bạn thực sự của con để tình cảm giữa bạn và con thêm vững vàng, sâu sắc ngay cả khi con đã trưởng thành. Prudential chúc bạn sớm cùng con vượt qua giai đoạn ẩm ương của tuổi mới lớn này mà vẫn giữ được tình thân gia đình ấm áp!

>>> Xem thêm: