Xu hướng nhảy việc” sau Tết: cơ hội hay cơ cực?
Blog Nhịp Sống Khỏe

Xu hướng nhảy việc sau Tết: cơ hội hay cơ cực?

Năm mới, công việc mới, thời vận mới, có rất nhiều lý do khiến cột mốc đầu năm trở thành thời điểm “vàng” mà người lao động tìm kiếm cho mình một “bến đỗ” mới. Tuy nhiên, quyết định “nhảy việc” sau Tết dù trong bối cảnh nào cũng là một bước đi mạo hiểm tiềm ẩn cả cơ hội lẫn thách thức.

 

“Nhảy việc” sau Tết và câu chuyện hai mặt của một đồng xu

Nguyên nhân của những “cú nhảy”

Tết âm lịch là thời điểm mà các công việc trong năm cũ đều được tất toán, lương thưởng đều sẽ “về tay” nên việc rời đi cũng “nhẹ gánh” hơn. Bên cạnh đó, những ngày cuối cùng của tháng Chạp cũng chính là khoảng thời gian để mỗi người nhìn lại về cuộc sống và công việc trong năm cũ. Nếu họ nhận thấy môi trường làm việc hiện tại vẫn tốt và có cơ hội phát triển thì sẽ tiếp tục ở lại. Còn trong trường hợp ngược lại, “nhảy việc” được xem là “lối thoát" giúp người lao động tìm con đường phát triển mới cho bản thân.

Việc hầu hết mọi người đều chọn “nhảy việc” vào giai đoạn sau Tết sẽ khiến thị trường tuyển dụng ở giai đoạn này trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Theo thống kê, các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao sau Tết gồm: thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin, truyền thông, các ngành dịch vụ, công nghệ lương thực, thực phẩm,...

Cơ hội cho những ai chọn “nhảy việc”

Nhảy việc sau kỳ nghỉ Tết có thể mang lại rất nhiều tác động tích cực cho cuộc sống và công việc của mỗi người. Cái lợi trước nhất là họ sẽ có mức lương, thưởng và chế độ phúc lợi tốt hơn so với ở công ty cũ. Bởi đây là thời điểm nhu cầu tuyển dụng tăng cao nên chính sách mà các công ty đưa ra trong giai đoạn này cũng thường hấp dẫn hơn so với những đợt tuyển dụng khác trong năm.

Không chỉ giúp mang lại nguồn lợi trước mắt mà “nhảy việc” còn là cơ hội để mỗi người tìm kiếm một môi trường tốt hơn, giúp khai phá và hoàn thiện năng lực bản thân. Bởi khi thay đổi môi trường, bạn sẽ cần phải thúc đẩy bản thân luôn học hỏi, thích nghi và cập nhật liên tục. Đặc biệt, nếu môi trường mới có “chuẩn” làm việc cao hơn thì đây cũng là cách giúp bạn nâng “tiêu chuẩn” làm việc của mình và hoàn thiện kiến thức cũng như kỹ năng chuyên môn mỗi ngày.

Những rủi ro khi “nhảy việc” sau Tết

Bên cạnh những điểm cộng lớn thì “nhảy việc” sau Tết vẫn ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Đầu tiên là những vấn đề liên quan đến tài chính. Một số người lao động chọn cách nghỉ việc rồi mới đi xin việc làm mới. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt tiền bạc nếu như bạn không tìm được việc như dự tính. Đặc biệt là trong trường hợp bạn không có bất kỳ một khoản tiết kiệm nào trong thời gian còn đi làm.

Bên cạnh vấn đề tài chính, việc rời đi ngay sau Tết cũng được xem là vô cùng nhạy cảm. Có một số người cho rằng đây là một hành động khá ích kỷ khi nhân viên đẩy doanh nghiệp vào cảnh thiếu nhân sự để hoạt động trong giai đoạn đầu năm. Nếu không khéo léo trong việc “chia tay” thì những đánh giá của công ty về bạn sẽ không được tốt và tiếng xấu này còn có thể “lan” đến công ty mới của bạn.

 

Ngoài ra, thị trường lao động tại thời điểm này “sôi sục” hơn bao giờ hết. Nhiều ứng viên rơi vào tình trạng “lao đao” kiếm việc vì tỉ lệ người ứng tuyển vào cùng vị trí rất cao, đặc biệt là các vị trí cấp thấp. Nếu không “biết mình biết ta”, chưa có sự chuẩn bị kĩ càng, nguy cơ cao bạn sẽ không thể vượt qua các đối thủ cùng ngành.

 

“Nhảy việc hay tiếp tục” - Đâu là lựa chọn dành cho bạn?

Không có một công thức chung nào để tất cả mọi người có thể “nhảy việc” thành công. Bởi kết quả sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh và mục tiêu của mỗi người. Tuy nhiên, nếu có ý định “nhảy việc” sau Tết, bạn nên lưu ý một số điểm sau:

Hiểu rõ tình hình tài chính của bản thân

Tình hình tài chính là điều mà bạn bạn cần quan tâm hàng đầu trước khi nhảy việc. Bạn cần đặt ra một loạt câu hỏi như: Tổng số tiền tiết kiệm mà bạn sở hữu là bao nhiêu? Số tiền đó đủ để bạn sử dụng đến khi nào? Tối đa trong bao lâu thì bạn cần phải tìm được công việc mới?,... Nếu sau khi bạn trả lời một loạt các câu hỏi này và nhận thấy tình hình tài chính của mình vẫn chưa ổn định, thì tốt nhất bạn hãy tạm dừng nhảy việc vào thời điểm này và tham khảo tiếp điểm lưu ý thứ hai bên dưới.

Đừng nghỉ việc nếu như chưa tìm được “bến đỗ” mới

Việc chưa tìm được một công việc mới không chỉ là một “gánh nặng” lớn về tài chính mà nó còn trở thành áp lực khiến cuộc sống của bạn trở nên vô cùng bất an. Thậm chí, nó sẽ khiến bạn vội vàng, hấp tấp và không thể chờ đợi để tìm được một công việc tốt hơn. Đây chính là lý do chính khiến rất nhiều người quyết định “nhảy việc” để rồi lại phải chọn nơi “bất ổn” hơn cả công ty cũ.

Chính vì vậy, bạn phải chuẩn bị thật kỹ, suy xét đủ đường trước khi nghỉ việc. Công việc mới chính là cần câu cơm của bạn, còn nơi làm việc mới chính là ngôi nhà thứ hai bạn dành 8 tiếng mỗi ngày ở đó. Hai thứ này đều quan trọng và cần bạn ra quyết định đúng đắn.

Nhiệt huyết đến cùng khi làm việc ở công ty cũ

Đây là nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cơ bản mà bạn cần tuân thủ cho đến ngày làm việc cuối cùng ở công ty cũ. Việc giữ cho mình năng lượng và sự chủ động hoàn thành công việc cũng là cách giúp bạn giữ được ký ức tốt đẹp với cấp trên cũng như đồng nghiệp cũ. Nhờ đó mà sau khi rời đi, bạn có thể tránh được những điều tiếng không đáng có.

Đánh giá lại bản thân

Bạn nên dành thời gian để “nhìn lại” hành trình làm việc từ trước tới nay của mình. Hãy tự đưa ra đánh giá khách quan nhất hoặc nhờ mọi người (sếp phụ trách, đồng nghiệp chung và khác nhóm) nhận xét về năng lực của mình. Từ đó bạn sẽ có định hướng phát triển rõ ràng cho con đường sự nghiệp của mình cùng với một mức lương phù hợp. Việc nhìn nhận từ trước sẽ giúp bạn tránh khỏi vòng lặp: Nộp hồ sơ, đi phỏng vấn, bị loại rồi lại đi nộp hồ sơ.

Cập nhật hồ sơ xin việc

Hồ sơ xin việc chính là cách giúp bạn để lại ấn tượng ban đầu của nhà tuyển dụng về bạn. Vậy nên trước khi quyết định “nhảy việc”, đặc biệt là nhảy việc sau khi nghỉ Tết, bạn nên cập nhật lại hồ sơ của mình. Sau khi có hồ sơ hoàn chỉnh, hãy tiếp cận với nhà tuyển dụng bằng nhiều cách khác nhau như: các trang tuyển dụng uy tín, mạng xã hội, báo đài,...

 

Lời kết

Dẫu bạn có lựa chọn nhảy việc sau Tết hay không thì điều quan trọng nhất vẫn nằm ở việc bạn phải nhận thức được rằng “Mình nhảy việc vì điều gì? Vì nhu cầu phát triển bản thân hay vì lời khuyên của một ai hoặc tác động của bất kỳ yếu tố bên ngoài nào?”. Để trả lời được câu hỏi này thì bạn cần hiểu rõ vấn đề và nhu cầu của bản thân. Từ đó có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và mang tính dài hạn trên con đường sự nghiệp tương lai.