Yêu nghề, nghề sẽ mang lại niềm vui và vinh dự
Blog Nhịp Sống Khỏe

Yêu nghề nhất định sẽ thành công với nghề

Khi thiết tha yêu nghề, nghề sẽ không bao giờ phụ ta, hơn thế nữa, nghề còn vô tư đem niềm vui và vinh dự cho ta nữa. Khi không có lòng yêu nghề, xin đừng bao giờ đòi hỏi nghề mang lại cho ta bất cứ điều gì. Đó là lẽ công bằng của muôn thuở.

Chính sử nhà Nguyễn viết rằng, năm Bính Thìn (1736), chiếc đồng hồ báo thức duy nhất của chúa Nguyễn Phúc Chú (1725-1738) được một giáo sĩ phương Tây hiến tặng chẳng may bị hư và điều đó khiến phủ chúa không vui. Một người thợ phương Tây được mời tới để sửa nhưng ông đã từ chối vì thấy năng lực của mình hãy còn non. Phủ chúa bèn cho triệu một người thợ Ma Cao tới sửa nhưng ông cũng bó tay vì hiểu biết về đồng hồ báo thức của ông còn sơ sài. Đúng lúc đó có người đề nghị triệu Nguyễn Văn Tú tới xem có sửa được không. Nguyễn Văn Tú người huyện Đăng Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị). Lúc trẻ Nguyễn Văn Tú từng sang Hà Lan, ở đó ông đã học được hai nghề hoàn toàn mới là sửa chữa đồng hồ báo thức và sửa chữa ống nhòm. Lúc ấy người Việt chưa ai biết hai loại vật dụng này. Khi được triệu tới Phú Xuân (nay thuộc thành phố Huế), Nguyễn Văn Tú đã 74 tuổi. Được hỏi liệu có thể sửa chiếc đồng hồ báo thức này không, Nguyễn Văn Tú nhìn qua rồi từ tốn đáp rằng:

"Loại vật dụng này chẳng những thần mà cả gia đình nhà thần đều sửa được."

Thấy người thợ cao niên trả lời rất tự tin nên không ai hỏi thêm câu nào, dù chưa ai rõ vì sao Nguyễn Văn Tú nói cả gia đình ông đều sửa được. Mấy ngày sau, bốn người trong gia đình ông mang vào không phải một mà hai đồng hồ báo thức. Đoàn gồm có Nguyễn Văn Tú, em trai ông là Nguyễn Văn Thi, con trai ông là Nguyễn Văn Duy và con rể ông là Lương Văn Dũng, tất cả đều đủ khả năng sửa đồng hồ báo thức. Chiếc đồng hồ thứ nhất là của chúa sai ông sửa, chiếc đồng hồ thứ hai do gia đình ông chế ra và hiến tặng cho Chúa. Cả phủ chúa đều kinh ngạc trước tài năng của gia đình ông.

"Khi thiết tha yêu nghề, nghề sẽ không bao giờ phụ ta, hơn thế nữa, nghề còn vô tư đem niềm vui và vinh dự đến cho ta nữa. Khi không có lòng yêu nghề, xin đừng bao giờ đòi hỏi nghề mang lại cho ta bất cứ điều gì. Đó là lẽ công bằng của muôn thuở."

Mẩu chuyện lược ghi trên đây có vẻ đơn giản nhưng thực tế cuộc đời gia đình Nguyễn Văn Tú vô cùng gian nan. Ông vốn là một thợ bạc khéo tay lại cũng là một con chiên rất ngoan đạo nên được các nhà truyền giáo đương thời quý mến và tin cậy. Lời kể của giáo sĩ về phẩm vật tinh xảo của người phương Tây khiến ông háo hức, muốn đến tận nơi để tham quan học hỏi. Thế rồi cơ hội đến với ông, Nguyễn Văn Tú sang Hà Lan, tới nhiều địa phương của đất nước này và nghiêm túc học những gì có thể học. Hơn hai năm sau, ông trở về với hai nghề rất mới là sửa chữa đồng hồ báo thức và sửa ống nhòm. Học được nghề hiện đại của nước ngoài đã khó, làm sao để quảng bá được nghề mới cho xã hội còn khó hơn. Truyền thuyết dân gian Quảng Trị kể rằng đối tượng được Nguyễn Văn Tú quan tâm đầu tiên là các thành viên gia đình mình. Do xuất thân thợ bạc nên tiếp thu kỹ năng rất nhanh nhưng thân nhân của ông lúc đầu thực hiện các thao tác còn rất vụng về. Ông căn dặn: 

"Việc gì cũng phải chịu khó làm đi làm lại nhiều lần mới mong thành thạo và khi mình đã thành thạo rồi, việc nghĩ ra những cách mới hơn và hay hơn nhất định chẳng khó. Muốn lành nghề, ai ai cũng phải yêu nghề. Phẩm vật do người thợ sáng chế ra cũng chẳng khác gì đứa con do người mẹ dứt ruột đẻ ra. Lòng mẹ yêu con lớn như trời như biển nên luôn thấy con mình quý giá nhất. Thợ gắn bó thiết tha với nghề nên coi phẩm vật của mình quý như chính xương thịt của mình vậy."

Những lời rỉ rả của ông cứ thế thấm dần, thấm dần. Em ông, con trai ông và con rể của ông đã dốc lòng học nghề từ ông. Về già, ông được sống trong thanh thản và luôn cảm thấy vui vì được chứng kiến sự trưởng thành của em và của các con. Sử cũ cho biết, sản phẩm gia đình ông được phủ chúa tiêu thụ với số lượng khá lớn. Chuyện Nguyễn Văn Tú không phải chỉ là chuyện của lịch sử. Linh hồn trong từng chi tiết của cuộc đời ông và gia đình ông sống mãi đến nay.

Đời công bằng chia đều vinh quang cho mọi nghề trong thiên hạ. Không có nghề lương thiện nào xấu chỉ có người nhận thức kém nên không xứng đáng với nghề lương thiện. Cũng có người tỏ ra chán chường với công việc dù trước đó không lâu, việc ấy do họ tự chọn. Trong số họ, có người hoàn toàn đúng nhưng cũng có người cần phải xem lại cho thấu đáo. Khi dự tuyển, mình phải biết mình là ai, trình độ chuyên môn nghiệp vụ ra sao, kỹ năng ứng xử thế nào, độ bền vững của sự phù hợp cao không…Khi thiết tha yêu nghề, nghề sẽ không bao giờ phụ ta, hơn thế nữa, nghề còn vô tư đem niềm vui và vinh dự cho ta nữa. Khi không có lòng yêu nghề, xin đừng bao giờ đòi hỏi nghề mang lại cho ta bất cứ điều gì. Đó là lẽ công bằng của muôn thuở. 

Chuyên gia Tâm lý

Thạc sĩ Lý Thị Mai