thao túng tâm lý nơi công sở
Blog Nhịp Sống Khỏe

Những dấu hiệu bạn đang bị thao túng tâm lý nơi công sở

Không ngoa khi nói rằng công ty chính là một xã hội thu nhỏ. Bởi lẽ đó là nơi bạn dành ra 8 tiếng một ngày để làm việc, tiếp xúc, trò chuyện và thu nhận thông tin. Chính vì thế, môi trường công sở có một tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần mỗi người, theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Trong đó, thao túng tâm lý là một vấn đề nhức nhối mà mỗi chúng ta cần phải ý thức để bảo vệ chính mình trước những “con dao vô hình".

Thao túng tâm lý và những mối quan hệ độc hại

Thao túng tâm lý (hay Gaslighting) là một thủ thuật xuất hiện trong các mối quan hệ lạm dụng mà người thao túng khiến nạn nhân tự vấn bản thân, nghi ngờ về chính nhận thức cũng như cảm nhận trước đó của họ, từ đó điều hướng suy nghĩ và hành động theo mong muốn của người thao túng. Thuật ngữ này bắt nguồn từ một vở kịch cùng tên được viết năm 1938 bởi nhà soạn kịch người Anh Patrick Hamilton.

Thao túng tâm lý thường được nói về các mối quan hệ thân mật như giữa bạn bè, người thân, hay người yêu. Tuy nhiên, thao túng tâm lý cũng xuất hiện ở chốn công sở, giữa các đối tượng có mối quan hệ gần như sếp và nhân viên hay giữa các đồng nghiệp với nhau. Nạn nhân đôi khi còn không nhận thức được mình đang bị thao túng mà cho rằng những hành động, lời nói gây tổn thương ấy xuất phát từ thiện chí muốn đóng góp ý kiến mang tính xây dựng của người đối diện và vấn đề hoàn toàn thuộc về bản thân mình. Hậu quả là tinh thần không ngừng suy sụp và bị tổn hại, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc và đời sống cá nhân.

Những dấu hiệu của thao túng tâm lý nơi công sở

Vậy làm thế nào để phát hiện bạn đang bị thao túng tâm lý nơi công sở? Theo tiến sĩ Preston Ni, nếu bạn rơi vào 1 trong 7 tình huống dưới đây và tần suất lặp lại rất thường xuyên thì đó có thể là dấu hiệu bạn đang gặp vấn đề thao túng.

Bị chê trách một cách vô căn cứ: Một trong những dấu hiệu rõ nhất của việc thao túng tâm lý là khi bạn thường xuyên bị nhắc nhở về những điểm yếu và thiếu sót của bản thân một cách vô căn cứ. Những nhận xét này không mang tính đóng góp, xây dựng mà chỉ để tấn công bạn ở mức độ cá nhân. Khi việc này xảy ra thường xuyên, bạn sẽ trở nên dễ tổn thương và người thao túng sẽ tạo được chênh lệnh trong quyền lực. Từ đó, họ dễ dàng lợi dụng bạn cho những mục đích riêng của mình.

Thường xuyên bị  "nói xấu sau lưng": Hình hài của hình thức thao túng tâm lý thứ hai là những ánh nhìn không thiện cảm và những cuộc xì xào bàn tán không có mặt bạn. Người thao túng luôn tìm mọi lý do để nói xấu hoặc sỉ nhục bạn trước mặt những nhân viên và đồng nghiệp khác.

Bị công khai bình luận tiêu cực: Đối tượng thao túng công khai bình luận tiêu cực về chất lượng công việc hoặc thổi phồng thái độ kém chuyên nghiệp khi làm việc của bạn khi giao tiếp trực diện, những cuộc họp online và offline hay thậm chí thông qua văn bản đánh giá. Lưu ý rằng, những bình luận này hoàn toàn không có tính xây dựng, góp ý. Người thao túng chỉ trích bạn dựa trên những lời giả dối hoặc phóng đại, họ không có bằng chứng cụ thể và điều này làm tổn hại đến uy tín nghề nghiệp và danh tiếng cá nhân của bạn.

Bị chế giễu cạnh khoé: “Mean” hay “xấu tính" là cụm từ thường dùng để miêu tả đối tượng thao túng tâm lý này. Mọi hành động dù là nhỏ nhất của bạn cũng trở thành đề tài trong câu chuyện châm biếm của họ. “Bàn làm việc gọn gàng ghê, chắc là ít việc rảnh rỗi lắm nhỉ!”, “Thấy nói chuyện thân với sếp quá, có con ông cháu cha hay đi cửa sau không mà được nhận vào đây hay ghê!”.

Phủ nhận nỗ lực làm trì trệ cơ hội thăng tiến: Nỗ lực để thăng tiến và nhận được phần thưởng xứng đáng là mục tiêu khi đi làm của nhiều người. Thế nhưng, những người thao túng sẽ luôn tìm lý do để phủ nhận những đóng góp cũng như nỗ lực của bạn. Ăn may, nhờ có sếp A hướng dẫn, nhờ đồng nghiệp B hỗ trợ, nhờ khách hàng C dễ tính,.. có muôn vàn lý do để họ phủ định và làm lu mờ những cố gắng và thành tựu của người bị thao túng và kết quả không những con đường thăng tiến trì trệ mà sự tự tin vào năng lực cá nhân của họ cũng giảm sút đáng kể.

Bắt nạt và đe dọa tinh thần: Bạn bị cô lập khỏi tập thể và luôn bị giao cho những công việc không thuộc về mình. Thành ngữ “ma cũ bắt nạt ma mới" là một ví dụ điển hình khi người mới vào công ty liên tục bị sỉ nhục, phá huỷ danh dự, lăng mạ,… mặc cho những thiện chí muốn hoà nhập của họ. Từ đó, người thao túng sẽ nảy sinh tâm lý muốn được long mọi người và sẽ làm theo bất cứ gì được yêu cầu.

Đối xử bất công: Bạn luôn bị đem ra so sánh với đồng nghiệp mặc dù thành tích của bạn rất đáng kể. Tuy nhiên, khi bạn chất vấn với người thao túng, họ sẽ luôn dẫn dắt bạn theo một hướng khác và làm bạn nghi ngờ năng lực của bản thân mình.

Cách thoát khỏi vòng lặp của sự thao túng tâm lý

Cách vận hành của thủ thuật thao túng tâm lý là một quá trình lặp đi lặp lại những hành động và lời nói độc hại làm tổn thương tinh thần và có thể gây ra những sang chấn tâm lý về sau. Bởi thế, nếu phát hiện bản thân đang có dấu hiệu bị thao túng, bạn cần tìm cách xử lý để thoát khỏi mối quan hệ độc hại này. Sau đây là 5 bước bạn có thể tham khảo.


Bước 1: Thừa nhận bạn đang bị thao túng tâm lý. Không bao biện, không né tránh, nhìn trực diện vào vấn đề và ngưng thất vọng về bản thân. Nếu bạn vẫn đang nghi ngờ một quan điểm nào đó đã bị kẻ thao túng “đánh tráo khái niệm", hãy hỏi xin ý kiến về góc nhìn từ những người ngoài cuộc.

Bước 2: Thu thập bằng chứng bị thao túng. Chụp lại màn hình những tin nhắn với ngôn từ “bạo lực" và những lập luận vô căn cứ, nếu có văn bản hãy làm việc qua email để truy xuất thông tin, xin phép ghi lại video khi họp online. Mọi hành vi thao túng đều để lại dấu vết bằng cách này hay cách khác. Hãy nắm vững chúng trong tay để đối chứng khi cần.

Bước 3: Nhờ đến sự giúp đỡ và củng cố tinh thần. Công ty chỉ là một phần của cuộc sống, vẫn có gia đình và bạn bè ngoài kia sẵn sàng giúp đỡ bạn. Tâm sự với người thân khi xuống tinh thần và xin lời khuyên, đừng bao giờ ôm lấy vấn đề một mình rồi bất lực chống lại kẻ thao túng. Hãy cố gắng duy trì sức khỏe tinh thần để luôn sáng suốt trước những mối quan hệ không lành mạnh.

Bước 4: Đối diện trực tiếp với kẻ thao túng. Nếu thao túng tâm lý là một trò chơi, một khi bạn sợ hãi, nghi ngờ chính mình và không dám đối diện với kẻ thao túng, bạn gần như thua cuộc. Hãy luôn làm việc dựa trên cái nhìn khách quan và bằng chứng xác thực, đặt ngược lại vấn đề cho kẻ thao túng, khi họ đi vào ngõ cụt lập luận, bạn biết mình đã không sai.

Bước 5: Báo cáo nhân sự và từ bỏ khi cần. Hãy nhờ đến sự giúp đỡ của cấp trên hoặc phòng nhân sự khi thấy vấn đề bắt đầu nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng công việc, bạn có thể đưa ra bằng chứng thu thập để chứng minh việc mình bị thao túng tâm lý. Trong trường hợp người thao túng có quyền hành quá lớn, hãy mạnh dạng nộp đơn xin thôi việc vì sức khỏe tinh thần của bạn mới là ưu tiên hàng đầu lúc này.

Tổng kết

Nhận thức về tình trạng thao túng tâm lý và tìm cách xử lý từ sớm là vô cùng quan trọng. Trong mỗi tình huống khác nhau sẽ có những cách đối phó khác nhau với kẻ thao túng tuỳ vào môi trường bạn đang làm việc. Hãy luôn sáng suốt trong việc phân biệt giữa góp ý mang tính xây dựng và "tra tấn" tinh thần.