Bài học đầu tiên dành cho tân sinh viên
Blog Nhịp Sống Khỏe

Bài học về những lần đầu tiên dành cho tân sinh viên

Đối với các tân sinh viên, việc bước chân vào môi trường đại học luôn mang đến cảm giác bỡ ngỡ, hồi hộp xen lẫn háo hức.  Bởi khi ấy, các bạn sẽ được trải nghiệm những điều mà trước đây chưa từng phải đối diện, chẳng hạn các bạn tân sinh viên từ các tỉnh lẻ phải rời xa quê nhà để vào thành phố lớn đi học. Những trải nghiệm này có thể đầy thú vị nhưng cũng không thiếu những gia vị đắng chát, thậm chí sẽ có đôi lần khiến bạn bật khóc. Để rồi từ đó, các bạn cần phải tự rút ra những bài học cho chính mình để mạnh mẽ  bước vào đời.

 

Lần đầu tự mình xoay sở mọi việc

“Hồi bắt đầu sống tự lập thì còn hào hứng lắm vì sẽ không còn bị cha mẹ quản. Chỉ đến khi phải đối diện với mọi vấn đề phiền não một mình thì mới thấy ở nhà là sướng nhất. Có hôm đi làm thêm về rất mệt mà phòng trọ bị bể ống nước. Nước lênh láng khắp nơi, phải tìm thợ sửa và tự dọn dẹp. Rồi có hôm sốt cao giữa đêm mà khôngcó ai chăm sóc nên nằm khóc tu tu vì tủi thân. Cuối cùng vẫn phải tự mình đặt cháo và nhờ bạn cùng phòng mua thuốc hạ sốt. Nói chung là vui thì cũng có nhưng mệt thì nhiều hơn”. - Bạn Q.A - sinh viên đại học năm 4 kể lại.

 

Câu chuyện của Q.A có lẽ cũng là nỗi lòng của rất nhiều bạn tân sinh viên. Khi bắt đầu sống tự lập, các bạn  phải tự xoay sở mọi việc mà không có ai giúp đỡ. Vậy nên, các bạn cần lưu ý một số điều sau để luôn sẵn sàng tự mình giải quyết mọi việc dù không có gia đình bên cạnh.

  • Không chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe: Bạn cần ăn uống và sinh hoạt điều độ hơn thay vì nghĩ rằng tự lập là được sống thoải mái, giờ giấc ăn uống tự do, thức khuya dậy muộn bỏ bữa sáng,... Thực tế, khi sống tự lập bạn càng phải có kỷ luật với chính bản thân. Nếu nhận thấy vài dấu hiệu bất ổn của cơ thể như mệt mỏi, đau họng thì bạn cần đi khám và điều trị ngay thay vì phớt lờ để bệnh nặng hơn.

  • Có một danh sách liên lạc khẩn cấp: Không ai biết trước những rủi ro có thể xảy đến, chính vì vậy bạn cần liệt kê ngay một danh sách gồm những người có thể liên lạc ngay trong trường hợp khẩn cấp. Đây là những người mà bạn tin tưởng và họ luôn sẵn sàng nghe điện thoại cũng như hỗ trợ bất cứ lúc nào. Danh sách này có thể bao gồm bạn cùng phòng, bạn bè thân thiết, người thân hoặc họ hàng sống gần nhất tại nơi bạn theo học,...

  • Có hộp sơ cứu y tế trong phòng: Hộp sơ cứu y tế cơ bản không quá mắc nhưng nó sẽ rất có ích trong các trường hợp tai nạn bất ngờ xảy ra. Ngoài những dụng cụ y tế tối thiểu thì hộp sơ cứu y tế sẽ có thêm những trang thiết bị, thuốc… giúp chữa trị một số vết thương hoặc giảm độ nghiêm trọng của bệnh khi chưa có hỗ trợ y tế.

 

Lần đầu tự quản lý tài chính

“Nhớ hoài lần đầu tiên được cầm những đồng lương do chính mình làm ra. Vì chủ quan khi vừa có tiền bố mẹ gửi lên, vừa có tiền đi làm thêm nên tôi chi tiêu quá tay, từ mua nhiều quần áo mới cho đến mạnh tay bao bạn bè ăn uống. Kết quả là mới đầu tháng mà đã hết tiền. Sau đó là chuỗi ngày ăn mì gói thay cơm và vay mượn tiền bạn bè để mua sắm chứ cũng không dám hỏi xin bố mẹ thêm nữa. Giờ nghĩ lại mà tởn tới già.- Bạn H.T - đã đi làm - tâm sự.

 

Cũng như H.T, rất nhiều bạn tân sinh viên đã từng bị rơi vào “bẫy” chi tiêu dẫn đến tình trạng đầu tháng ăn sang nên cuối tháng “sang chấn”. Dưới đây sẽ là một số gợi ý để giúp bạn kiểm soát được các khoản thu chi của mình cũng như tránh tình trạng “lạm chi” không đáng có khi bắt đầu sống tự lập.

  • Tổng hợp các nguồn thu hàng tháng: Để quản lý được tài chính thì điều đầu tiên bạn cần làm là liệt kê rõ các khoản thu nhập hàng tháng của mình. Sau khi xác định rõ được tổng số tiền mà mình có, bạn cần đặt ra nguyên tắc là không bao giờ được chi nhiều hơn tổng thu.

  • Ghi lại các khoản chi tiêu: Bạn có thể ghi vào sổ hoặc sử dụng các ứng dụng hỗ trợ ghi chép các khoản chi tiêu của cá nhân trong một tháng. Đây sẽ là cách để giúp bạn hiểu và theo dõi được thói quen chi tiêu của mình, từ đó đưa ra các phương án chi tiêu phù hợp hơn vào tháng sau.

  • Phân bổ chi tiêu hợp lý: Hãy tuân theo quy tắc 50-30-20. Theo đó, thu nhập của bạn được chia theo tỷ lệ 50%, 30% và 20% tương ứng với các khoản chi phí cố định (như ăn uống, phương tiện, nhà ở, hóa đơn tiện ích,…), sở thích cá nhân và tiết kiệm/ đầu tư. Khi áp dụng theo quy tắc này, tình hình tài chính của bạn sẽ luôn ở mức cân bằng.

 

Lần đầu bị lừa

Bạn M.N - sinh viên năm 2 chia sẻ: “Chắc do xui nên kỷ niệm của em khi sống xa nhà toàn là bị lừa thôi. Em từng nhẹ dạ cả tin cọc tiền phòng trọ trước khi đi xem nhà vì họ nói rằng cọc sớm sẽ được giảm giá. Để rồi khi đến nơi xem nhà thì “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…”. Đi tìm việc làm thêm thì lại gặp trúng công ty đa cấp, họ giao việc bảo em gọi người quen, gia đình mua các sản phẩm chẳng rõ nguồn gốc để được thăng hạng và tăng lương. Chỉ nghĩ lại thôi mà em đã thấy chán lắm rồi”.

Qua câu chuyện của M.N, có thể thấy rằng các chiêu trò lừa đảo đang ngày càng trở nên tinh vi hơn và nạn nhân đa phần là các bạn tân sinh viên nhẹ dạ cả tin. Điều này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần, thể chất cũng như việc học tập của các bạn. Chính vì vậy, các bạn tân sinh viên cần lưu ý một số vấn đề sau để không trở thành “chú dê non” bị “bầy sói” đưa vào tầm ngắm.

  • Luôn tự kiểm chứng lại thông tin: Các bạn tân sinh viên cần giữ cho mình một cái đầu lạnh, luôn tự kiểm chứng lại cẩn thận mọi thông tin qua nhiều nguồn trước khi đặt niềm tin vào bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Khi còn phân vân, bạn có thể hỏi thăm ý kiến từ người thân, thầy cô,... những người có kinh nghiệm để họ cho bạn lời khuyên thích hợp.

  • Tìm những nguồn thông tin uy tín: cách đầu tiên để giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo là tìm đọc thông tin từ các trang thông tin uy tín như các trang báo lớn, công ty hoặc tập đoàn có tên tuổi, thông tin do người thân quen, bạn bè thân thiết giới thiệu,... thay vì đặt niềm tin vào những người hoàn toàn xa lạ trên mạng.

  • Biết cách tự bảo vệ bản thân: mỗi bạn tân sinh viên nên trang bị và luôn mang theo bên mình một số vật phòng thân như bình xịt hơi cay, đèn pin,… Không nên đi chơi về quá khuya, đặc biệt là các bạn nữ, để tránh kẻ gian manh động.

 

 

Lời kết

Để tận hưởng trọn vẹn cuộc sống tự lập của một tân sinh viên, bạn hãy trang bị đầy đủ kiến thức và chuẩn bị tâm lý thật tốt. Bởi việc chuẩn bị kỹ càng sẽ là bàn đạp giúp các bạn tự tin chăm lo cho cuộc sống mới, tập trung học tập thật tốt, và hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy đến với bạn. Hãy để cuộc sống của một tân sinh viên trở thành một kỷ niệm đẹp đáng nhớ bạn nhé!