Có thật là bạn không đẹp
Blog Nhịp Sống Khỏe

Có thật là bạn
không đẹp?

Có bao giờ bạn nghĩ, những diễn viên, người mẫu ngoài kia cũng không ít lần khóc thầm vì những bình luận chê bai sắc đẹp của họ? Hay những khi bạn hào hứng định đăng một tấm ảnh lên mạng xã hội nhưng rồi lại thôi, vì... "tự nhiên thấy mình xấu quá"? Những cảm giác bất an, suy nghĩ tiêu cực về chính nét đẹp của mình không phải là điều hiếm gặp ở thời đại hiện nay. Chẳng biết từ lúc nào, sự công nhận về cái đẹp chân phương của mỗi người lại biến thành những thứ tiêu chuẩn khắt khe, dập tắt đi sự tự tin trong mỗi chúng ta. 

Tiêu chuẩn sắc đẹp - một công thức có sẵn

Bất cứ nền văn hóa nào, thời đại nào cũng có một tiêu chuẩn nhất định về cái đẹp. Ở Việt Nam, ngày xưa, một người con gái được coi là đẹp phải có đôi mày lá liễu, phải “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, phải “cổ cao ba ngấn, thắt đáy lưng ong”. Đến thời hiện đại, người đẹp phải mảnh mai, da trắng hồng không tì vết, cằm V-line, mắt to, mũi cao và thon. Từ xưa tới nay, bất luận người nào cũng sẽ nương theo những công thức có sẵn của xã hội để phấn đấu làm đẹp cho mình.

 

Khi truyền thông và mạng xã hội phát triển, những tiêu chuẩn này càng được phổ biến rộng rãi. Những cuộc thi sắc đẹp, những người nổi tiếng và các xu hướng làm đẹp liên tục thay đổi khiến các cô gái vất vả chạy theo.   

Tiêu chuẩn sắc đẹp bị gắn liền với các giá trị

Tại sao chúng ta lại phải ép mình theo “chuẩn”? Lý do rất đơn giản. Từ lâu, chúng ta đã được nhắc nhở hoặc dạy dỗ, cả trực tiếp và gián tiếp, về sự quan trọng của sắc đẹp. Bởi lẽ thường ai cũng yêu mến cái đẹp! Có nhan sắc nổi bật, bạn được nhiều người yêu quý. Vẻ ngoài ưa nhìn còn có thể giúp một người thăng tiến dễ dàng hơn. Những người có ngoại hình sáng vốn dĩ đã luôn có cảm giác tự tin hơn người, thuận lợi tạo dựng mối quan hệ. Thậm chí, có những công việc còn vô cùng chú trọng ngoại hình.

Dưới tình thế như vậy, giữa một xã hội yêu cái đẹp như vậy, không thiếu những câu chuyện mà nhân vật chính bị phân biệt đối xử do vẻ ngoài “kém sắc”. Một khi cảm thấy mình “lệch pha” so với tiêu chuẩn sắc đẹp, nhiều người đã tìm đủ mọi cách, thậm chí tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ. Trong vòng hai thập kỷ, ngành công nghiệp này đã phát triển đến chóng mặt. Một việc từng khiến người ta bàn tán, nay trở thành chuyện rất thường tình. Những hình thức phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất có thể kể tới như nhấn mí, nâng mũi, tạo hình các bộ phận trên cơ thể.

 

Cơn sốt này cũng đã có những ảnh hưởng tiêu cực tới thế hệ trẻ. Các bé gái tập tành sử dụng mỹ phẩm từ sớm, tác động xấu tới làn da còn non nớt. Có những người giảm ăn để có vóc dáng thon gọn dù đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhiều thiếu nữ còn mong muốn được cha mẹ cho phẫu thuật thẩm mỹ, như một phần quà vào những dịp đặc biệt. Về mặt tâm lý, nhiều bé gái trở nên tự ti và khép mình hơn vì ngoại hình, hoặc sinh ra hiềm khích với bạn bè đồng trang lứa, bạo lực học đường vì lý do đẹp, xấu. Một thế hệ trẻ lớn lên trong tự ti, ghét bỏ bản thân và trở thành “nạn nhân” của “cái đẹp tiêu chuẩn”. Một thế hệ trẻ sớm trở thành khách hàng trọng tâm của ngành công nghiệp làm đẹp. 

Thực chất, bạn đã luôn đẹp!

Có một câu nói rất nổi tiếng: “Beauty is how you feel inside, and it reflects in your eyes. It is not something physical.” – Tạm dịch là “Vẻ đẹp đến từ cảm nhận, và nó phản ánh trong đôi mắt chứ không phải bất kỳ đường nét cơ thể nào.”

Cái đẹp mang tính chủ quan, mỗi người đều có những quan niệm, và tiêu chuẩn riêng về cái đẹp. Chúng ta không nên đem tiêu chuẩn cái đẹp của mình áp lên người khác, cũng không cần để người khác bảo mình như thế nào mới là đẹp.

 

Ai trong chúng ta cũng là những cá thể vốn đẹp theo cách riêng biệt. Chúng ta không thấy được điều đó vì những định kiến vô hình, ăn sâu trong tiềm thức đã khiến ta bỏ qua những nét duyên của riêng mình. Nhiều người chỉ luôn ám ảnh và so sánh bản thân với những tiêu chuẩn ngoài kia. Nhưng thực sự, một khi đã học được cách yêu bản thân, hài lòng và chấp nhận chính mình, bạn đã đẹp! 

Lời kết

Ai cũng có quyền mong cầu cái đẹp nhưng đôi khi, việc nhận ra đâu là nét đẹp thực sự cũng cần một chút dũng cảm. Dũng cảm để đối mặt với những định kiến ngoài kia, dũng cảm nhìn sâu vào bản thân để hài lòng với những gì tự nhiên nhất vốn có. Bởi tiêu chuẩn về cái đẹp sẽ luôn thay đổi theo thời đại, bạn sẽ chẳng thể làm vừa lòng bất kì ai, chỉ có bạn và những giá trị chân thật nhất của chính mình mới đi cùng bạn suốt cuộc đời.