Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Thúc đẩy năng lực giao tiếp bạn bè ở trẻ ở tuổi tiểu học

Bắt đầu vào giai đoạn tiểu học, trẻ sẽ có xu hướng dành thời gian nhiều hơn cho bạn bè so với độ tuổi trước đó. Hàng loạt các trải nghiệm xã hội và sự hoàn thiện về năng lực bản thân thúc đẩy trẻ tham gia nhiều hơn vào hoạt động giao lưu bè bạn. Bên cạnh đó, với hoạt động chủ đạo là hoạt động học tập, trẻ cần nhiều hơn sự tương tác từ bạn bè để giải quyết các khó khăn do nhiệm vụ học tập đặt ra. Bạn bè ở độ tuổi này, không chỉ đơn giản là bạn cùng chơi mà đã bắt đầu có sự thể hiện vai trò là người để trẻ tâm tình, chia sẻ cảm xúc, sở thích và là người mình tin cậy, muốn được đồng hành.

Tuy nhiên, một số trẻ trong độ tuổi này vẫn chưa sẵn sàng, hoặc thậm chí là cảm thấy khó khăn để tiếp xúc và kết nối cùng bạn mới. Nguyên nhân của điều này có thể trong mối quan hệ gia đình và dưới tác động của phong cách giáo dục “rào chắn” từ cha mẹ đã khiến trẻ không hình thành động cơ kết bạn; hoặc có nhu cầu kết bạn nhưng lúng túng và e dè vì còn nhút nhát. Điều này quả thực không tích cực đối với sự phát triển của trẻ. Ngoài kết quả dễ nhận biết nhất là bé có quá ít bạn về mặt số học thì 1 số những đặc trưng khác về nhân cách cũng cần được quan tâm như: trẻ không được bạn bè đón nhận vì là một đứa trẻ chậm thích nghi, khả năng cảm thông đối với người khác ở trẻ không cao, trẻ dễ rơi vào suy nghĩ mình là độc tôn và khó hòa hợp với người khác. Song song đó, có thể trẻ sẽ trở thành một bạn nhỏ tự ti vì không kết nối với được với người khác và luôn hoài nghi năng lực của chính mình.

>>> Đừng bỏ lỡ: Cha mẹ cần làm gì để trẻ vượt qua sự nhút nhát?

Kết bạn là cho con, nhưng với tư cách là người giữ vai trò chủ đạo đối với sự phát triển của con, cha mẹ không thể là người ngoài cuộc. Một số những lưu ý sau đây có thể sẽ có tác dụng trong việc bạn giúp con mình trở thành một đứa trẻ hoạt bát và tự tin trong giao tiếp, chủ động kết nối bạn bè.

1. Tạo thói quen chủ động cho trẻ

Bắt đầu từ việc bạn hãy luôn dành cơ hội để con được thể hiện chính kiến của mình. Khi con được hỏi để trình bày và được nói lên quan điểm của mình, khả năng diễn đạt của con sẽ được hình thành. Chính điều này giúp cho trẻ có thể diễn đạt được ý muốn của mình khi cần kết nối với người khác. Bên cạnh đó, việc trẻ được tự do thể hiện giúp trẻ hình thành sự tự tin, chính sự tự tin sẽ thúc đẩy và làm nền tảng để trẻ mạnh dạn tiếp xúc với những người bạn mới.

>>> Có thể bạn quan tâm: Sự tự tin của con trẻ bắt nguồn từ cha mẹ

2. Quan tâm đến bạn bè của trẻ

Không phải là sự quan tâm theo kiểu hạch hỏi hoặc tra khảo. Đừng để trẻ cảm nhận sự quan tâm của bạn là kiểm soát và hạn chế và các mối quan hệ của mình. Việc quan tâm chỉ nên được thể hiện một cách thiện chí để trẻ hiểu rằng bạn đang rất khuyến khích con có thêm những mối quan hệ mới. Bạn luôn đồng hành cùng trẻ trong việc thiết lập các mối quan hệ ấy. Những hỏi han: “Con đã hỏi được tên của bạn chưa?”, “Bạn ấy có thích quán quân của Vietnam Idol Kid năm nay không?”, “Bạn nào trong lớp của con thích môn Toán giống con,..." Khi trẻ được hỏi những câu này một cách thân thiện, trẻ hiểu rằng mình không đơn độc trong việc kết nối cùng bạn bè, mặt khác, chính những điều chúng ta quan tâm về bạn bè của trẻ cũng là những nội dung định hướng cho trẻ khi giao tiếp cùng bạn của mình.

>>> Bài viết có liên quan: Dạy con thời 4.0 hãy cùng con trưởng thành  

3. Khuyến khích trẻ xây dựng quan hệ bạn bè trong các tình huống của cuộc sống

Hãy để trẻ được thực hiện điều này càng sớm càng tốt. Cuộc sống luôn diễn ra với những bối cảnh sinh động: họp mặt họ hàng, các buổi tiệc của người lớn, sinh hoạt cộng đồng, khu phố,… Hãy để trẻ tự do kết nối với mọi người trong những dịp gặp gỡ như thế. Trẻ có thể nói chuyện với người cùng trang lứa hoặc những người lớn tuổi hơn. Khi để trẻ tự do trong những lúc này, bạn sẽ cảm thấy trẻ không còn là một “cái đuôi” bám dính lấy mình – đây không phải là sự giải thoát cho cả hai bên sao? Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, bạn cần lưu ý: phải nói trước với trẻ về sự kiện sắp diễn ra với một thái độ hào hứng và cung cấp cho trẻ những điều cần làm và những điều nên tránh. Khi sự kiện diễn ra hãy để trẻ tham gia với tư cách là một thành viên độc lập, việc bạn cần làm lúc này là quan sát từ xa để đảm bảo an toàn cho trẻ và ghi nhận lại tất cả những điều trẻ làm để hiểu thêm về năng lực giao tiếp của con mình mà thôi.

>>> Khám phá ngay 12 kỹ năng sống mà cha mẹ nên dạy con từ sớm TẠI ĐÂY

4. Hướng dẫn trẻ quan sát biểu hiện cảm xúc của người khác

Một trong những cản trở mà trẻ gặp phải khi giao tiếp với người khác là không nhận biết cảm xúc của họ. Bạn hãy trò chuyện cùng trẻ về những đặc trưng cảm xúc với sự hỗ trợ của các hình ảnh trực quan. Phim, truyện tranh là một trong những phương tiện phù hợp cho việc này. Hãy để trẻ nhận ra các dấu hiệu cảm xúc thông qua cử chỉ, nét mặt bằng cách đặt câu hỏi theo mô-typ “Biểu hiện… theo con có nghĩa là gì?”. Và, đừng vội phủ định kết quả mà trẻ đưa ra, thay vào đó là câu hỏi “Vì sao con nghĩ vậy?”. Đồng thời với điều này, bạn cũng cần có những biểu hiện sinh động về cảm xúc khi giao tiếp với trẻ để trẻ được cảm nhận rõ ràng nhất các tín hiệu ngôn ngữ cơ thể. Khi trẻ có thông tin về điều này, khả năng giao tiếp của trẻ sẽ có những chuyển biến về chất đáng kể - thấu cảm với người khác, trò chuyện về những nội dung phù hợp với tâm trạng của đối phương. Từ đó, trẻ dễ dàng được chấp nhận hơn trong các mối quan hệ của mình.

>>> Thông tin thêm: Nên làm gì để phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong thời điểm vàng?

5. Nói với trẻ về sự khác biệt

Trẻ thường cảm thấy không thoải mái khi bạn bè có những điểm khác biệt với mình trong sở thích hoặc cách xử lý các vấn đề của cuộc sống. Điều này, nếu không được chú ý có thể khiến trẻ trở thành một “kẻ khó chịu” trong mắt bạn bè và bản thân trẻ hoặc bị xa lánh hoặc tự phá hủy các mối quan hệ của mình vì không cảm thấy được như ý. Mặc dù việc kết bạn của trẻ chủ yếu dựa trên những nét tương đồng về sở thích, xu hướng, tính cách,… Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ là một chủ thể tâm lý độc đáo, không lặp lại nên việc “trùng khớp hoàn toàn” là điều hầu như không thể xảy ra giữa những người bạn với nhau. Bạn hãy chủ động nói với con về điều này ngay từ khi chưa xảy ra khủng hoảng – “Môn bóng rổ mà bạn Tuấn Kiệt chơi cũng hay con nhỉ”, “Ánh Ngọc là con gái nên nói nhiều một chút á mà”, “Con thích ăn gà rán nên con thấy ngon đúng không? Bạn Thanh Hà lại thích trứng chiên nên với bạn ấy món đó là ngon nhất!”,… -  Chuẩn bị trước tâm thế cho con trong việc đón nhận sự khác biệt sẽ làm trẻ bớt e dè khi muốn kết bạn với một ai đó khi họ có nhiều đặc điểm khác mình; về lâu dài, hiểu về sự khác biệt sẽ giúp trẻ dễ dàng ứng xử với người khác và linh hoạt hơn trong các mối quan hệ của mình.

6. Hướng dẫn trẻ xử lý khủng hoảng trong quan hệ bạn bè

Bạn phải nghĩ đến điều này ngay từ khi chưa có khủng hoảng xảy ra. Mọi mối quan hệ trong xã hội đều có những điểm bất ổn cần được nhìn nhận như một lẽ tất nhiên. Và trẻ cùng với bạn của mình cũng sẽ phải đối mặt với những điều không như ý. Bạn hãy bắt đầu bằng việc đưa ra cho trẻ những tình huống giả định và để trẻ hình dung về cách mà mình sẽ giải quyết, từ đó bạn có thể giúp trẻ chọn cách phản ứng tích cực nhất.

Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện trong cuộc sống cũng diễn ra như một kịch bản được viết trước. Do đó, hãy nói với trẻ về sự linh hoạt và yêu cầu được giúp đỡ nếu tính huống trở nên xấu đi hoặc quá khả năng giải quyết của mình.

Tóm lại, bạn cần hiểu rằng giao lưu bè bạn là một trong những hoạt động sống rất cơ bản của trẻ. Vì thế, hãy đồng hành cùng con trong việc định hướng hình mẫu người bạn trẻ muốn kết giao, hỗ trợ con trong việc hình thành các năng lực giao tiếp và hướng dẫn con xử lý các diễn biến xấu trong mối quan hệ bạn bè. Và đừng quên, chính bạn, đồng thời cũng là một người bạn lớn của con mình.

Chuyên gia Giáo dục

Thạc sĩ Tô Nhi A

>>> Xem thêm: Cha mẹ nên làm gì để đồng hành cùng con trong việc chống nạn bắt nạt học đường?