Image alt
Blog Nhịp Sống Khỏe

Trò chuyện giới tính cùng con không khó!

Giáo dục giới tính luôn là vấn đề làm đau đầu nhiều bậc phụ huynh, nhất là ở các nước Á Đông, khi đề tài giới tính được xem là nhạy cảm, ngay cả với người trưởng thành. Tuy nhiên, là những thế hệ cha mẹ hiện đại, chúng ta không thể và cũng không nên né tránh trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn con trẻ có nhận thức đúng đắn ngay từ khi còn bé. Hãy làm quen với “1001 câu hỏi tại sao” liên quan đến cơ thể và giới tính từ con trẻ và tìm hiểu cách để biến những cuộc trò chuyện về giới tính trở nên dễ dàng hơn.

1. Khi nào bạn nên bắt đầu câu chuyện?

Câu chuyện giới tính là đề tài dài hơi, hãy trò chuyện từ từ, từng ít một, đừng ‘tham vọng’ chuẩn bị một bài thuyết trình dài dằng dặc, vì điều đó sẽ khiến bọn trẻ bị quá tải.

Theo lời khuyên từ trang web PlannedParenthood.org, bố mẹ nên nói chuyện giới tính với con từ sớm. Khi trẻ bắt đầu có sự tò mò về cơ thể của mình, về các mối quan hệ gia đình thì đó là lúc chúng ta bắt đầu hành trình giáo dục giới tính. Sự tò mò của con trẻ chính là cơ hội vàng để bạn mở đầu câu chuyện với con một cách tự nhiên, xây dựng được sự tin tưởng và kính trọng của trẻ dành cho bố mẹ.

Với trẻ nhỏ, bạn có thể dạy con tên gọi những bộ phận cơ thể hoặc hỏi xem con có biết/có thể phân biệt sự khác nhau giữa bé gái và bé trai hay không. Từ đây, bạn dẫn dắt qua những lời khuyên thiết thực cho con khi ở nhà cũng như ở trường:

  • Con nên đóng cửa phòng khi thay quần áo

  • Con nên đóng cửa toilet khi đi vệ sinh

  • Ngủ trưa ở trường, con cần ngủ ở khu vực bạn cùng giới với mình

  • Con mặc váy thì khi ngồi phải để ý

 

Khi trò chuyện với con về giới tính, điều quan trọng là tạo ra cuộc trò chuyện phù hợp với từng lứa tuổi. Ví dụ, nếu một đứa trẻ 5 tuổi hỏi “trẻ con được sinh ra từ đâu?” thì câu trả lời sẽ là “trẻ con được sinh ra từ bụng mẹ”. Nhưng nếu cùng câu hỏi đó, từ một đứa bé 10 tuổi, bạn nên chuẩn bị một câu trả lời cụ thể hơn – “Sau 9 tháng phát triển trong tử cung của mẹ, em bé sẽ được sinh ra…” Và hãy chuẩn bị cho một loạt câu hỏi khác, như vì sao em bé lại ở trong bụng mẹ mà không phải bụng bố? Vì sao lại là 9 tháng? Con tiếp tục ở trong bụng mẹ nữa được không?

2. Để những buổi trò chuyện về giới tính trở nên dễ chịu

Điều quan trọng là chúng ta cần cho con trẻ những thông tin hữu ích, chính xác, đáng tin cậy để con lớn lên có những quan niệm và lối sống đúng đắn khi trưởng thành.

Khi trẻ còn bé, chỉ cần nói cho con những ý niệm cơ bản về cấu tạo các bộ phận cơ thể, cách vệ sinh và giữ gìn chúng. Dặn dò con chỉ những ai được phép động chạm đến những vùng cơ thể quý giá này. Một mẹo đơn giản để giúp con trẻ hiểu bộ phận nào cần giữ gìn là sử dụng hình ảnh những người mặc đồ bơi. Những nơi nào có đồ bơi che lại, đó chính là chỗ các con cần giữ gìn.

Khi vào tuổi dậy thì, câu chuyện nên cởi mở hơn từ chuyện tình yêu cho đến sinh hoạt tình dục, tình dục an toàn, cách con phòng vệ bản thân và phòng tránh các bệnh tình dục. Tiến sĩ Jennifer Ashton – bác sĩ, tiến sĩ tư vấn tâm lý Mỹ từng đưa ra gợi ý: hãy mở lời với con bằng những gợi ý nhỏ như hỏi về tình cảm đầu đời của những người bạn xung quanh con, hay con có nhận ra sự thay đổi nào trong cơ thể của mình chưa.

>>> Có thể bạn quan tâm: Cha mẹ nên làm gì để giúp con bảo vệ bản thân ở tuổi dậy thì?

Một vài mẹo hay dành cho bố mẹ

  • Hãy tìm hiểu con thật sự hỏi về điều gì. Có thể còn ngại ngùng nên khi nói về một vấn đề, con không đưa ra câu hỏi trực tiếp. Khi thấy con có những thắc mắc, hãy giúp con cởi mở hơn bằng cách đặt câu hỏi “Con hiểu thế nào về điều đó?”, “Con nghĩ như thế nào?”, “Theo con thì điều đó có nghĩa là gì?”

  • Đừng đưa ra quá nhiều thông tin. Chúng ta có thể đưa ra những câu trả lời đơn giản, ngắn gọn, và giải thích một số từ trẻ chưa nghe bao giờ. Sau khi trả lời, chúng ta có thể khuyến khích con đưa ra những câu hỏi tiếp theo “con còn thắc mắc gì nữa không?”

  • Kiểm tra xem con có thật sự hiểu những gì bạn nói. Sau khi giải thích, bạn hãy hỏi lại con “bố/mẹ đã giải thích xong vấn đề con thắc mắc, con thấy mình đã hiểu hết chưa?"

 

 

Nhiều phụ huynh cảm thấy lúng túng vì họ không biết trả lời tất cả những gì con trẻ hỏi. Tuy nhiên, bố mẹ không nhất thiết phải trở thành một chuyên gia giới tính thực thụ, chúng ta chỉ cần đóng vai trò là những người bạn lớn, người định hướng và trò chuyện thân tình để chia sẻ với con. Một trong những cách tốt nhất để giáo dục giới tính cho con là cùng tìm hiểu và trò chuyện. Hãy hướng dẫn con cùng đọc sách, tìm hiểu trên mạng, hoặc tìm đến các chuyên gia, cũng như hãy dạy con những cách thức để tự mình tìm hiểu thông tin khi đến tuổi trưởng thành.

>>> Xem thêm: