Chủ động phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ
Thời gian cận Tết, thời tiết thay đổi thất thường khiến cho trẻ dễ gặp phải các bệnh lý về đường hô hấp hơn bao giờ hết, đặc biệt là các đối tượng trẻ đã từng mắc Covid-19 sẽ có khả năng dễ mắc bệnh và tỷ lệ trở nặng cao hơn. Do đó, bố mẹ hoặc người thân cần chú ý cách chăm sóc các em và chủ động phòng ngừa đúng cách để giảm nguy cơ dịch bệnh tấn công và giúp cho hệ hô hấp của trẻ luôn khoẻ mạnh.
Nguyên nhân gây nên bệnh về đường hô hấp
So với người lớn, trẻ em dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp hơn. Lý do là vì hệ hô hấp của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, đường thở ngắn và hẹp cũng như do hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt nên sức đề kháng và khả năng miễn dịch cũng sẽ kém hơn. Vì vậy, các em chưa có đủ khả năng chống chọi lại với các tác nhân gây hại từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, yếu tố về môi trường (môi trường sống ô nhiễm, thay đổi thời tiết, độ ẩm trong không khí,...), thói quen sinh hoạt của gia đình,... cũng là tác nhân gây bệnh cho trẻ.
Các bệnh về đường hô hấp phổ biến nhất ở trẻ
Có hai nhóm bệnh về đường hô hấp mà trẻ trong độ tuổi đến trường thường mắc phải là:
-
Nhiễm trùng hô hấp cấp tính: viêm mũi, viêm phổi
-
Dị ứng đường hô hấp: viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, viêm tai giữa, hen suyễn,…
Đáng chú ý ở đây, viêm đường hô hấp nếu không được chữa trị kịp thời, dứt điểm, bệnh có thể chuyển thành viêm phế quản, viêm phổi cấp tính.
Trẻ bị bệnh về đường hô hấp thường có triệu chứng ho và sốt cao 39 đến 40 độ C. Một số trường hợp trẻ còn bị khó thở, không khó khan trong việc sinh hoạt hàng ngày.
Một số gợi ý giúp phòng bệnh đường hô hấp ở trẻ
1. Thường xuyên rửa tay
Rửa tay là cách cần thiết và có hiệu quả cao giúp phòng ngừa viêm đường hô hấp cũng như các bệnh về đường tiêu hoá. Nguyên do là vì bàn tay chính là bộ phận tiếp xúc đồ vật thường xuyên nhất nên rất dễ dính bụi bẩn, nhiễm vi khuẩn hay virus.
Vì thế, bố mẹ cần hướng dẫn cho trẻ cách rửa tay 6 bước đúng cách bằng xà phòng trong ít nhất 30 giây; hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay có tối thiểu 60% nồng độ cồn trước và sau khi ăn; sau khi ho và hắt hơi; sau khi đi vệ sinh,…
Đặc biệt, lưu ý thêm: Với trẻ dưới 6 tuổi, bố mẹ cần giám sát khi sử dụng dung dịch sát khuẩn tay để tránh trường hợp trẻ không ý thức được và dùng sai mục đích, dẫn đến nguy hại cho sức khoẻ.
2. Cắt móng tay gọn gàng
Như đã nói ở trên, bàn tay là bộ phận tiếp xúc với nhiều đồ vật, nên móng tay chắc chắn sẽ là “ngôi nhà lý tưởng” của hàng triệu vi khuẩn. Nếu những lúc bàn tay chưa sạch, trẻ ăn, mút ngón tay hay chạm lên mắt, mũi thì có thể vô tình “mở đường” cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến việc gây nguy hại cho sức khoẻ như nhiễm trùng da, áp xe,…
Do vậy, bên cạnh việc rửa tay, bố mẹ nên thường xuyên nhắc nhở trẻ cắt móng tay. Song, đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, bố mẹ có thể cắt giúp bé để giảm nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp và truyền nhiễm.
3. Vệ sinh răng miệng
Chính vì vi khuẩn và virus dễ xâm nhập nhất qua đường mũi và miệng nên bố mẹ hãy nhắc nhở và tập cho trẻ thói quen làm sạch răng miệng ngày 2-3 lần, vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, buổi tối trước khi đi ngủ và sau mỗi bữa ăn.
Hơn nữa, việc súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày có tác dụng sát khuẩn trong vòm họng, hạn chế sự phát triển của virus, vi khuẩn gây viêm họng.
4. Vệ sinh mũi
Khi ở nơi công cộng đông người, đây là lúc vi khuẩn hay virus dễ phát tán nhất. Để đề phòng và làm giảm các triệu chứng của đường hô hấp trên, bố mẹ nên thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ sau khi về nhà. Phương pháp này hiệu quả và quan trọng với trẻ mắc các chứng sổ mũi, ngạt mũi do viêm xoang, viêm mũi vì có thể giúp giảm bớt tình trạng khó chịu và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.
Thêm vào đó, việc sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi sau mỗi lần hoạt động cộng đồng sẽ giúp giảm các chứng dị ứng, viêm đường hô hấp trên ở cả trẻ nhỏ lẫn người lớn.
5. Không dùng chung đồ cá nhân và luôn giữ đồ chơi sạch sẽ
Đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, vì chúng có thể mang và lây nhiễm mầm bệnh. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần lưu ý, hướng dẫn, nhắc nhở và dạy trẻ không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác. Chẳng hạn ly nước, chai nước, khăn tay,… phải dùng riêng và được làm sạch mỗi ngày, kể cả ở nhà hay trường học.
6. Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp
Do môi trường, dịch bệnh và sức đề kháng nên ai cũng có thể nhiễm các bệnh lý hô hấp như cúm, viêm mũi họng, hen suyễn, viêm phổi,… Chính vì thế, chủ động tiêm phòng vaccine là việc làm vô cùng cần thiết. Bên cạnh các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng, có một số loại bố mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để bổ sung thêm cho trẻ nhằm ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần lưu ý, không nên tiêm vaccine khi trẻ đang bị cúm, nghi ngờ nhiễm cúm hay đang bị các bệnh nhiễm trùng khác.
7. Chú ý cân bằng chế độ dinh dưỡng
Để duy trì hệ hô hấp cũng như một cơ thể khoẻ mạnh thì không thể bỏ qua một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh như:
-
Luôn uống đủ nước;
-
Cố gắng tăng lượng rau củ, trái cây giàu vitamin như bưởi, cam, chuối,… trong các bữa ăn,vừa tăng cường hệ miễn dịch lại vừa tránh táo bón;
-
Bổ sung các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám, sữa chua cũng giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ;
-
Tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như thịt bò, tôm, cua,…
8. Giữ ấm cho cơ thể
Bên cạnh những biện pháp trên, việc giữ ấm cho cơ thể đặc biệt là cho đường thở của trẻ rất quan trọng. Cha mẹ nên dặn dò và trang bị cho các em, trước khi ra ngoài phải có đủ áo khoác, nón, khăn choàng cổ, găng tay, khẩu trang,... Bên cạnh đó, hạn chế cho trẻ ăn đồ lạnh, uống nước đá, thay vào đó nên ăn hoặc uống đồ nóng, ấm.
Qua những gợi ý trên, hy vọng bố mẹ biết thêm được các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp đơn giản và hiệu quả để trẻ luôn được khoẻ mạnh và phát triển toàn diện nhé!