Nỗi lo của phụ nữ trẻ: suy buồng trứng sớm
Suy buồng trứng sớm là một trong những “thủ phạm" hàng đầu dẫn đến tình trạng hiếm muộn ở nữ giới. Về lâu dài, bệnh lý này không chỉ tác động đến sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng lên tâm lý của chị em. Vậy suy giảm buồng trứng là gì? Và liệu bệnh lý này có điều trị hay chữa khỏi được không? Hãy cùng Prudential tìm hiểu nhé!
1. Phụ nữ sinh ra sẽ có khoảng 1 – 2 triệu trứng và số lượng sẽ ngày càng giảm dần theo thời gian
Buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của nữ giới với hai chức năng cơ bản: Nội tiết - tiết ra các hormon sinh dục nữ quyết định giới tính phụ như estrogen và progesteron và ngoại tiết - sự rụng trứng. Một buồng trứng hoạt động bình thường sẽ giúp cho người phụ nữ có đời sống sinh dục, sinh lý và sinh sản bình thường.
Theo chu kỳ hàng tháng, các nang trứng sẽ phát triển, rụng trứng hoặc thoái hoá dần làm cho số lượng nang trứng dự trữ giảm dần. Thường là sau 45 tuổi, số lượng nang trứng giảm dần và cạn kiệt, phụ nữ sẽ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
2. Suy buồng trứng là gì?
Suy buồng trứng sớm hay còn gọi là suy buồng trứng nguyên phát là một rối loạn xảy ra khi buồng trứng của phụ nữ ngừng hoạt động sớm (hơn bình thường). Ở những phụ nữ bị tình trạng này, buồng trứng ngừng sản xuất trứng trước tuổi 40. Trong khi tuổi thông thường để ngừng sản xuất trứng, được gọi là mãn kinh, là khoảng 50.
Chưa kể đến tác hại của suy buồng trứng sớm có thể gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của chị em phụ nữ, đặc biệt trong cuộc sống vợ chồng khiến chị em mất tự tin vào bản thân do thần sắc giảm sút, cơ thể thiếu sức sống. Càng đáng lo hơn, suy buồng trứng sớm còn cản trở chức năng sinh sản ở nữ giới do trứng không thể sản sinh và phóng noãn để thụ tinh, dẫn đến vô sinh (không thể có thai).
Hơn nữa, suy buồng trứng sớm còn có thể làm giảm nồng độ estrogen. Theo đó, trình trạng này dẫn đến sự phát triển sớm của bệnh loãng xương, rối loạn lipid và bệnh tim mạch.
3. Phát hiện suy buồng trứng sớm
Dấu hiệu đầu tiên của suy buồng trứng thường là rối loạn kinh nguyệt, trễ kinh, có thể tồn tại trong nhiều năm hoặc phát triển sau khi mang thai hay sau khi ngừng thuốc tránh thai.
Ngoài ra, người bệnh còn có biểu hiện rối loạn vận mạch xuất hiện các cơn bốc hoả, nóng ran, khó chịu, dễ cáu gắt hoặc mất tập trung, giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo và đau rát khi quan hệ tình dục. Song, cũng có trường hợp suy buồng trứng đến rất từ từ không có triệu chứng gì và chỉ được phát hiện khi thăm khám.
4. Lý do nào dẫn đến suy buồng trứng sớm?
Buồng trứng suy yếu sớm ở phụ nữ do một số nguyên nhân có thể kể đến như:
-
Bất thường về di truyền hoặc là các bệnh lý tự miễn;
-
Rối loạn kinh nguyệt trong thời gian dài nhưng không thăm khám, khiến lượng kinh nguyệt không ổn định;
-
Đã từng tham gia liệu pháp hoá học như hoá trị, xạ trị;
-
Viêm tuyến giáp tự miễn;
-
Viêm nhiễm: Một số loại virus quai bị, virus Herpes Simplex,...;
-
Stress kéo dài, hút thuốc lá, bia rượu, giảm cân quá mức… hoặc sử dụng bừa bãi các loại thuốc lá - thảo dược không rõ nguồn gốc hoặc do lạm dụng các loại thuốc kích thích buồng trứng khiến suy giảm hormone estrogen;
-
Bệnh lý buồng trứng dẫn đến cắt một bên buồng trứng hoặc hay sau 1 số phẫu thuật như đốt điểm buồng trứng, cắt góc buồng trứng trong trường hợp buồng trứng đa nang.
5. Điều trị bệnh suy buồng trứng
Theo các chuyên gia, hiện không có một phương pháp điều trị nào được chứng minh có thể khôi phục hoàn toàn chức năng của buồng trứng đã mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể được bác sĩ cho áp dụng một số phương pháp nhằm điều trị triệu chứng mà bệnh gây ra.
-
Liệu pháp thay thế hormone: cung cấp estrogen và các hormone khác mà buồng trứng không tự sản xuất được, thường được chỉ định sử dụng đến 50 tuổi (độ tuổi mãn kinh tự nhiên)
-
Bổ sung Canxi và vitamin D: nguy cơ loãng xương ở phụ nữ mắc chứng suy buồng trứng cao hơn người bình thường, vì vậy việc bổ sung Canxi và vitamin D là để hạn chế nguy cơ này
-
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): được thực hiện theo yêu cầu, mong muốn có con của bệnh nhân
Suy buồng trứng là căn bệnh diễn biến thầm lặng trong một khoảng thời gian dài. Chính vì vậy, chị em phụ nữ cần chủ động, quan sát sức khỏe của mình, nếu có dấu hiệu như trên phải đi khám ngay, đừng để đến khi bệnh nghiêm trọng thì mới cuống cuồng lên chạy chữa.
6. Một số lời khuyên để giảm thiểu nguy cơ suy buồng trứng sớm
Các chuyên gia có lời khuyên dành cho chị em phụ nữ nếu kết hôn thì nên lên kế hoạch sinh con sớm trước 35 tuổi. Đồng thời, họ còn khuyến cáo phụ nữ trên 35 tuổi sau khi kết hôn nếu trì hoãn việc sinh con vì bất cứ lý do nào đó cũng nên đi khám sức khỏe sinh sản trước. Theo đó, bác sĩ hỗ trợ sinh sản sẽ tư vấn kế hoạch phù hợp. Đối với các trường hợp có nguy cơ suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm thì bác sĩ sẽ có những biện pháp can thiệp để hỗ trợ sinh sản cho người bệnh.
Ngoài ra, để hạn chế suy buồng trứng sớm, các chị em phụ nữ nên:
-
Tránh lạm dụng các loại thực phẩm có tính kích thích;
-
Luôn duy trì và giữ cân bằng tâm lý thoải mái trong cuộc sống lẫn công việc;
-
Nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần;
-
Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, giúp tăng cường estrogen và cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.
Nhìn chung, không ai có thể tránh khỏi quá trình lão hoá buồng trứng nhưng nếu như bạn tăng cường cảnh giác, thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ thì bạn hoàn toàn có thể cải thiện cũng như bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình.