10 vấn đề sức khỏe sau 40 tuổi
Blog Nhịp Sống Khỏe

10 vấn đề sức khỏe
tuyệt đối không được lơ là sau 40 tuổi (Phần 1)

Khi bước qua tuổi 40, tất cả các bộ phận và cơ chế trong cơ thể sẽ dần thay đổi một cách rõ rệt. Bạn có thể cảm nhận cơ thể vẫn bình thường, khoẻ mạnh nhưng đừng vội chủ quan. Hãy cảnh giác với những vấn đề sức khoẻ sau mà bạn có thể mắc phải trong độ tuổi 40.

 

1. Bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang hoạt động co bóp quá mức, gây ra cảm giác muốn đi tiểu nhiều lần, đột ngột và khó kiểm soát cả ngày lẫn đêm và có thể dẫn đến tiểu không tự chủ. Do đó, nếu bạn có tổng số lần đi tiểu trên 8 lần/ngày hoặc trên 2 lần vào ban đêm, bạn có thể đã mắc chứng bàng quang tăng hoạt.

  • Nguyên nhân: Khi chúng ta có tuổi, các dây thần kinh trợ giúp bàng quang sẽ không còn hoạt động tốt như trước, khiến chúng ta són tiểu. Ngoài ra, các cơ bàng quang có thể dày lên theo tuổi tác, làm dung tích của bàng quang giảm dần.

  • Giải pháp: Các bài tập Kegel là một trong những phương pháp giúp kiểm soát bàng quang hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các loại kem Vaginal Estrogen cũng có thể làm mô trong niệu đạo và các cơ vùng âm đạo khít hơn, giảm són tiểu hiệu quả.

Ngoài ra, thủ thuật tiêm Botox vào bàng quang cũng là một phương pháp khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, tác dụng của Botox kéo dài chỉ 6 tháng, vì vậy bạn sẽ phải tiêm liên tục 6 tháng/lần để các dấu hiệu bàng quang tăng hoạt không tái phát.

 

2. Triệu chứng tiền mãn kinh sớm

Tiền mãn kinh không phải là bệnh mà là một quá trình diễn ra tự nhiên và bắt buộc phải trải qua của phụ nữ khi đang ở giữa độ tuổi tứ tuần. Giai đoạn tiền mãn kinh thường đến trong khoảng 45 đến 55 tuổi. Nhưng nếu bạn có một trong những dấu hiệu sau trước 40 tuổi, bạn đã mắc triệu chứng tiền mãn kinh sớm. Các dấu hiệu bao gồm bốc hỏa, kinh nguyệt không đều, đổ mồ hôi đêm, giảm ham muốn tình dục, khó ngủ,…

  • Nguyên nhân: Một trong những nguyên nhân rõ rệt nhất đó là do suy giảm lượng hormone estrogen trong cơ thể sớm. Ngoài ra có thể do một vài yếu tố khác ảnh hưởng như di truyền, sinh hoạt không lành mạnh và thậm chí có nhiều trường hợp không thể xác định được nguyên nhân.

  • Giải pháp: Mãn kinh sớm là do lượng hormone estrogen suy giảm sớm. Do đó, liệu pháp bổ sung hormone là lựa chọn tốt nhất để trì hoãn thời kỳ mãn kinh đến sớm, cũng như cải thiện các triệu chứng do suy giảm tiết tố nữ gây ra. Ngoài ra, bạn có thể dùng các loại kem Vaginal Estrogen để làm dịu chứng khô âm đạo theo chỉ định của bác sĩ.

 

 

 

3. Sỏi thận

Sỏi thận là bệnh lý thường gặp nhất của đường tiết niệu. Tại Việt Nam, có khoảng 10-14% người có sỏi trong thận. Sỏi được tạo ra bởi những phân tử rắn, hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Khi viên sỏi tích tụ dần và có kích thước lớn hơn, sỏi có thể làm cản trở dòng lưu thông của nước tiểu dẫn tới ứ đọng nước tiểu, giãn phình ở phần trên vị trí tắc nghẽn và phá hủy dần dần cấu trúc thận.

  • Nguyên nhân: Theo các chuyên gia, sỏi tiết niệu hình thành do nước tiểu có chứa quá nhiều hóa chất như canxi, acid uric, cystin…, trong đó, 85% số lượng sỏi hình thành bắt đầu từ sự lắng đọng canxi. Vậy nên, một vài nguyên nhân dẫn đến tăng lượng canxi có trong cơ thể như uống quá ít nước, ăn quá nhiều muối, đạm,... đều có thể là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận.

  • Giải pháp: Tùy vào kích thước và loại sỏi mà mỗi người sẽ có phương pháp điều trị hợp lý. Bạn có thể làm phẫu thuật mổ để lấy sỏi ra, hoặc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Hay với trường hợp nhẹ, bạn chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, viên sỏi sẽ tự động được tống ra ngoài tự nhiên nhờ nhu động niệu quản.

 

 

 

4. Nhiễm trùng đường tiết niệu và tuyến tiền liệt

Cả nam và nữ đều có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu và tuyến tiền liệt ở độ tuổi 40. Nhiễm trùng đường tiết niệu hay tuyến tiền liệt thường không làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, tình trạng này có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và gây ra các biến chứng rối loạn chức năng sinh dục, vô sinh, nhiễm trùng huyết,…

  • Nguyên nhân: Phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) có thể do thành âm đạo mỏng và thay đổi độ pH âm đạo đi kèm với lão hóa. Đối với nam giới, bị nhiễm trùng tuyến tiền liệt là do có lối sống ít vận động. Triệu chứng chính ở nam giới đó là đau tinh hoàn, quanh hậu môn hoặc bất cứ đâu giữa xương chậu và rốn, ngoài ra còn có triệu chứng tiểu rắt (đi tiểu nhiều lần trong ngày) và nóng rát khi đi tiểu.

  • Giải pháp: Kháng sinh là phương pháp điều trị tốt nhất. Với nữ giới, hãy uống đủ nước và nhớ đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục. Với nam giới, hãy xuất tinh nhiều hơn và đứng thường xuyên hơn để tránh bị nhiễm trùng đường tiết niệu và tuyến tiền liệt ở độ tuổi 40 nhé!

 

5. Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm không chỉ thường gặp ở trẻ nhỏ, mà trên thực tế, hiện nay các chuyên gia dị ứng đã phát hiện nhiều người trưởng thành bị dị ứng thực phẩm nhiều hơn trước đây, chúng ảnh hưởng đến khoảng 5% người lớn và 8% trẻ em - và con số này đang dần tăng lên.

 

  • Nguyên nhân: Có nhiều giả thuyết về những yếu tố chi phối sự gia tăng này, một số nguyên nhân do sử dụng kháng sinh bừa bãi và các loại thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm,... có thể phá vỡ môi trường đường tiêu hóa, khiến bạn dễ dị ứng với một số thực phẩm hơn.

  • Giải pháp: Nếu bạn nhận thấy cơ thể phản ứng dị ứng (ví dụ khó thở, kích ứng da,...) hay bất kỳ triệu chứng nào mà bạn nghi ngờ có thể là do ăn phải thứ gì đó, hãy đến gặp bác sĩ dị ứng để được xác định và biết rõ nguyên do.

 

6. Lời kết

Trên đây là 5 vấn đề sức khoẻ mà bạn cần chú trọng sau 40 tuổi. Tiếp tục đọc Phần 2 với 5 vấn đề sức khỏe mà có thể bạn chưa biết hoặc có thể bạn đã biết nhưng chưa hiểu rõ tại đây. Cùng Prudential chuẩn bị sức khỏe vững vàng khi bước sang độ tuổi tứ tuần bạn nhé!