Quiet-quitting: tìm cân bằng ở đâu?
Blog Nhịp Sống Khỏe

Quiet-quitting: tìm cân bằng ở đâu?

Vài tháng gần đây, cụm từ “Quiet quitting” đã làm mưa làm gió trên các trang mạng xã hội và được mọi người ghi nhận như một hình thức làm việc mới của giới trẻ. Vậy “Quiet quitting” thực chất là gì?

Quiet Quitting, tạm dịch "Âm thầm nghỉ việc" hoặc “Làm việc cầm chừng”, là trào lưu nhân viên chỉ làm đủ và đúng công việc được trả tiền. Họ đi và về đúng giờ, không có nhu cầu làm thêm, tăng ca hay kết nối với các đồng nghiệp trong công ty.

Tại sao lại xảy ra tình trạng “Quiet Quitting”?

 

Cân bằng cuộc sống và công việc

Sau Covid, thói quen và lối sống của toàn xã hội có sự chuyển biến đáng kể. Mọi người có xu hướng chú tâm đến chất lượng cuộc sống và muốn dành nhiều thời gian hơn cho bản thân. Họ tin rằng, việc làm vừa đủ sẽ giúp họ tạo sự cân bằng trong cuộc sống và công việc. Ngoài ra, với nguồn nhân lực hiện nay đông đảo tầng lớp gen Z - thế hệ xem trọng sự cân bằng giữa sự phát triển nghề nghiệp lẫn tinh thần, xu hướng “quiet quitting” lại tiếp tục lan rộng.

Áp lực công việc cao nhưng niềm vui lại thấp

Theo báo cáo thường niên của Gallup (2022) về Tình trạng Môi trường Lao động toàn cầu, chỉ có 21% người lao động cảm thấy gắn bó với công ty và chỉ 33% cảm thấy hạnh phúc với công việc hiện tại của họ.

Đáng chú ý hơn, 44% người lao động cảm thấy mình luôn trong tình trạng stress nặng mỗi ngày. Bất kể là căng thẳng do công việc hay cuộc sống thì mức độ căng thẳng của lực lượng lao động hiện nay đang tăng cao kỷ lục. Thậm chí, con số này còn cao hơn cả thời kỳ bùng nổ dịch Covid năm 2020 là 43%.

Mất động lực trong công việc dẫn đến sự mất gắn kết

Sau một thời gian cống hiến hết mình cho công việc, nếu người lao động không được công nhận hay trả công xứng đáng, không có lộ trình thăng tiến cụ thể, không có điều kiện để phát triển kỹ năng cũng như trau dồi và học hỏi thêm thì họ sẽ dần mất đi động lực để làm việc. Một môi trường làm việc không có cơ hội phát triển khiến nhiều người cảm thấy nhàm chán và từ đó mất gắn kết với công việc của mình.

Không được làm việc trong môi trường như mong muốn

Môi trường làm việc ảnh hưởng rất nhiều đến phong độ làm việc của nhân viên. Môi trường ở đây thiên về con người nhiều hơn là cơ sở vật chất hay điều kiện làm việc. Công việc có thể không hoàn toàn như mong đợi nhưng nếu có những người đồng nghiệp luôn sẵn sàng hỗ trợ mình và những người quản lý giỏi về chuyên môn, thì nhiều người lao động vẫn rất hết mình cống hiến.

Tuy nhiên, nếu môi trường làm việc luôn ngột ngạt, bị bủa vây bởi những lời bàn tán, soi mói, đố kỵ, người lao động sẽ có xu hướng mệt mõi, ức chế và dần cảm thấy mất kết nối với công việc, mọi người xung quanh cũng như công ty.

Quiet quitting – có nên hay không?

Lằn ranh giữa “chỉ làm đủ” và “kém năng suất” rất là mong manh. Nếu người lao động vẫn làm đủ giờ, đúng tiến độ, chất lượng công việc tốt thì không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng trào lưu Quiet quitting đã làm giảm sút năng suất làm việc nói chung. Theo Gallup, kinh tế toàn cầu năm 2022 đã giảm $7,8 vì một bộ phận người lao động chạy theo xu hướng Quiet quitting khi không hài lòng với công việc hiện tại.

Theo Kevin O'Leary ,một doanh nhân, nhà đầu tư và từng là một thành viên của Shark Tank Mỹ, cho rằng Quiet quitting là một trào lưu tiêu cực. Ông tin rằng những người chủ doanh nghiệp đánh giá cao những nhân viên nhiệt huyết và luôn có thái độ ham học hỏi. Đối với ông, khi được nhận vào công ty, họ sẽ là những cá nhân cố gắng hết sức trong việc, luôn tìm hướng giải quyết các vấn đề tốt nhất và thường sẽ là những người dễ thành công hơn trong cuộc sống. Cũng chính vì thế, dưới góc độ của người quản lý, ông sẽ luôn dành những cơ hội tốt nhất cho những người luôn cố gắng vì công việc.

 

Thay vì Quiet quitting, bạn có thể làm gì?

Nói chuyện thẳng thắn với quản lý của mình

Nếu bạn đang cảm thấy căng thẳng và chán nản, thì hãy trò chuyện với sếp hoặc quản lý trực tiếp của mình. Sẽ tốt hơn khi bạn để họ biết hiện tại bạn đang cảm thấy như thế nào về số lượng công việc cũng như sự hài lòng của chính mình về các đãi ngộ công ty.

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên của mình chia sẻ và góp ý để có thể cải thiện sức khoẻ tinh thần cho nguồn lao động của mình, nên đừng ngần ngại trao đổi nhé!

Hãy yêu cầu được trả công xứng đáng cho những công sức bạn bỏ ra

Nguyên nhân lớn khiến một số cá nhân chọn cách Quiet quitting là vì không được đánh giá cao trong công việc và đãi ngộ đến từ công ty lại kém. Nếu bạn rớt vào trường hợp này, hãy trao đổi lại với doanh nghiệp về việc trả lương xứng đáng với chất lượng công việc của bản thân, lên tiếng về những quyền lợi mà bạn nghĩ mình xứng đáng được có.

Ngoài lương bổng, bạn cũng nên cân nhắc:

·         Hybrid working

Hybrid working là hình thức làm việc kết hợp trực tiếp và trực tuyến đã rất được ưa chuộng trong giai đoạn “bình thường mới” và vẫn được nhiều doanh nghiệp tiếp tục đến bây giờ. Người lao động rất ưa chuộng mô hình này vì họ có thể chủ động trong việc lựa chọn nơi làm việc phù hợp và chỉ lên văn phòng khi cần thiết. Với họ, điều này cũng có nghĩa họ có thể cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống.

·         Nói “không” với những việc không quan trọng

Bạn đừng nhầm lẫn điều này với Quiet quitting. Thay vì từ chối tất cả các việc không phải của mình, bạn chỉ từ chối những việc mà không đem lại lợi ích cụ thể nào mà dành thời gian đó cho những việc quan trọng hơn.  

·         Cân nhắc về sự phù hợp với công việc hiện tại

Sự chán nản và kiệt sức có thể đến từ việc bạn đang làm công việc mình không yêu thích. Nên nhớ rằng mỗi ngày bạn sẽ dành ra ít nhất 8 tiếng tại chỗ làm nên nếu bạn đang cảm thấy khổ sở khi làm việc, hãy suy nghĩ về việc thay đổi. Bạn có thể nói chuyện với quản lý của mình và nhờ họ hỗ trợ tìm kiếm một vị trí hoặc cơ hội khác trong công ty mà phù hợp hơn với bản thân mình.

·         Nghỉ giữa giờ

Xuyên suốt một ngày dài làm việc, bạn đừng quên dành ra những khoảng nghỉ giữa giờ để tránh tình trạng kiệt sức, căng thẳng. Chẳng hạn nghỉ trưa đúng giờ, đứng dậy vận động cơ thể, đi bộ hít thở sâu,... để đầu óc có thể thư giãn và cơ thể được nạp lại năng lượng bạn nhé!