Trầm cảm nội sinh ở thanh thiếu niên: phát hiện sớm, hỗ trợ kịp thời
Nếu trước đây, người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60- 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 - 27 tuổi, đa số là học sinh, sinh viên. Với người trầm cảm nội sinh, những kích thích bên ngoài gây ra nỗi đau đớn gấp hàng chục lần người bình thường. Những phê phán hay trách mắng bất kỳ từ cha mẹ hoặc người thân đều có thể là "thảm họa" đối với người trẻ có sẵn yếu tố trầm cảm. Do đó, phụ huynh nên lưu ý nhiều hơn đến biểu hiện, hành vi của con trẻ để phát hiện sớm và hỗ trợ kịp thời.
Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số mắc các chứng rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta lên tới 36.000 - 40.000 người.
Trong số đó, những ca diễn biến nặng cũng như những ca tìm đến cái chết đều có yếu tố trầm cảm nội sinh mạnh, đặc biệt diễn ra từ thời thơ ấu nhưng không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Đa số các vụ tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng được sống. Ý tưởng và hành vi tự sát thường xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào, đặc biệt xuất hiện ở lứa tuổi vị thành niên - khi tâm sinh lý của trẻ chưa đủ vững vàng để đương đầu với những biến cố của cuộc đời. Với thực trạng báo động của việc gia tăng các ca tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay, phụ huynh cần dành sự chú ý nhiều hơn đến con trẻ, từ những điều nhỏ nhất.
Những dấu hiệu âm thầm
Thực tế lâm sàng chia trầm cảm thành 3 nhóm gồm trầm cảm nội sinh, trầm cảm ngoại sinh (còn gọi là trầm cảm tâm căn) và trầm cảm thực tổn. Cụ thể, trầm cảm nội sinh xảy ra do sự thay đổi hoạt lực của các chất dẫn truyền thần kinh Serotonin trong não. Trầm cảm ngoại sinh xuất hiện sau các chấn thương tâm lý. Còn trầm cảm thực tổn xảy ra do do bệnh lý cơ thể, gây ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp lên hoạt động chức năng của não như tổn thương tại não (u não, chấn thương sọ não), bệnh nội tiết (suy chức năng tuyến giáp).
Trong đó, trầm cảm nội sinh thường không rõ nguyên nhân, là hội chứng rối loạn tâm lý với các biểu hiện đặc trưng bởi sự biến đổi tâm trạng bất thường theo ngày, theo mùa. Các triệu chứng của trầm cảm nội sinh khá mơ hồ, không rõ ràng, cảm xúc tiêu cực thường xuyên xuất hiện, ảnh hưởng nhiều đến hành vi, tâm trạng, suy nghĩ, gây tác động xấu đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh trầm cảm nội sinh có đặc điểm là biểu hiện triệu chứng bệnh thường nặng lên vào buổi sáng và nhẹ đi về buổi tối. Các triệu chứng của bệnh xuất hiện một cách đột ngột, khó kiểm soát, bao gồm:
- Luôn cảm thấy tuyệt vọng, buồn bã: Người bệnh thường suy nghĩ nhiều về những điều tiêu cực, không có niềm tin vào cuộc sống và luôn trong trạng thái chán nản, buồn rầu. Tình trạng này sẽ duy trì kéo dài nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời.
- Mất hứng thú với các hoạt động xung quanh: Người mắc hội chứng trầm cảm nội sinh thường có xu hướng muốn cô lập bản thân, ngại tiếp xúc với người bên cạnh, dần mất đi cảm giác hứng thú với các hoạt động bên ngoài, bao gồm cả những hoạt động từng yêu thích trước đó. Người bệnh cũng ngại giao tiếp hơn, không thích nơi đông người, ồn ào, thay vào đó thường thích ở một mình, ít nói, nhút nhát, sợ ánh sáng.
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống: Người bị trầm cảm thường thích ngồi yên một chỗ và suy nghĩ đến những điều tồi tệ khiến cơ thể suy giảm chức năng vận động, người cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống. Người bị trầm cảm nội sinh còn thường xuyên cảm thấy đau đầu, nhức mỏi, chóng mặt, khó tiêu…
- Khó tập trung, hay quên: Bệnh nhân trầm cảm thường khó tập trung, quên trước quên sau khiến hiệu quả công việc, học tập bị giảm sút, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng theo.
- Khó ngủ: Khi những suy nghĩ bi quan thường xuyên ám ảnh sẽ khiến giấc ngủ của người bệnh bị ảnh hưởng. Họ thường xuyên khó ngủ, không thể chợp mắt, ngủ không ngon giấc, hay mơ thấy ác mộng.
- Suy nghĩ đến cái chết: Khi các triệu chứng trên xuất hiện liên tục và kéo dài trong một thời gian dài, sẽ khiến người bệnh suy nghĩ đến cái chết để giải thoát bản thân. Họ thường xuyên có ý định muốn tự sát bằng nhiều cách khác nhau.
Khi trẻ có những dấu hiệu như rối loạn giấc ngủ, ngủ ít, ngủ nhiều, buồn chán, dễ mệt mỏi, ăn kém, hay giận dỗi, cáu gắt vô cớ, giảm hiệu suất làm việc, kém tập trung, hay quên, lo lắng nhiều vấn đề, đau mỏi cơ thể kéo dài… cha mẹ nên đưa trẻ đến khám chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị.
Đi tìm lời giải cho chứng trầm cảm nội sinh
Theo giới chuyên gia, trầm cảm nội sinh do nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố di truyền được cho có khả năng khiến tỷ lệ trầm cảm tăng cao. Cụ thể, nếu trong gia đình có người thân bị mắc chứng trầm cảm, khả năng cao con cái sinh ra sẽ gặp phải tình trạng trầm cảm nội sinh.
Những biến cố đau buồn như phụ huynh ly hôn, mất người thân… cũng là một trong những nguyên nhân gây trầm cảm nội sinh, bên cạnh áp lực, căng thẳng kéo dài. Ngoài ra, việc lạm dụng quá nhiều các loại thuốc an thần, thuốc ngủ cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Điều trị và phòng ngừa
Hiện nay, tình trạng trầm cảm nội sinh có thể chữa khỏi nhờ vào nhiều phương pháp sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý, liệu pháp chống co giật, thay đổi lối sống. Tùy mức độ bệnh của mỗi người, bác sĩ có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cùng lúc.
- Điều trị bằng thuốc: Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị phù hợp. Thuốc chống trầm cảm có thể mang lại hiệu quả tốt, song vẫn gây nên một số tác dụng phụ. Đồng thời, các loại thuốc này cần có thời gian để phát huy công dụng (khoảng 2 - 6 tuần sau khi dùng thuốc), nên bệnh nhân phải duy trì sử dụng đúng theo phác đồ của bác sĩ, không tự ý ngưng sử dụng để tránh tình trạng tái phát sau điều trị.
- Trị liệu tâm lý: Các chuyên gia sẽ trực tiếp trò chuyện, trao đổi với người bệnh để tháo gỡ những khúc mắc, trở ngại trong lòng. Bệnh nhân sẽ được áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức giúp người bệnh giảm thiểu suy nghĩ tiêu cực, nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan và mới mẻ hơn. Bệnh nhân cũng có thể được áp dụng biện pháp trị liệu giữa các cá nhân, giúp cho người bệnh dần cải thiện được cá mối quan hệ, thoát khỏi mối quan hệ tiêu cực và rắc rối, từ đó cải thiện được triệu chứng của bệnh.
Đối với bệnh nhân trầm cảm nội sinh ở mức độ nặng, các bác sĩ cũng có thể kết hợp trị liệu tâm lý cùng sử dụng thuốc để giúp kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.
Để giúp trẻ vượt qua trầm cảm, cha mẹ nên trò chuyện cùng con, đưa trẻ đến bác sĩ khi trẻ có những triệu chứng buồn chán, dễ mệt mỏi, ăn kém, hay giận dỗi, cáu gắt vô cớ… Với sự bao dung, dành nhiều thời gian để hiểu, chấp nhận mức độ tình trạng bệnh của con từ phụ huynh thay vì phán xét, dạy bảo… con trẻ sẽ cảm thấy có động lực được giãi bày nỗi lòng nhiều hơn.